My Randomness

Ký ức bủa vây by Phuong Nguyen

"To be able to forget means sanity", Jack London.

Hồi lâu lắm rồi khi còn ở Sài Gòn, buổi sáng đi ra đầu hẻm mua cơm, nhác thấy trên 1 chiếc lá cây mai chiếu thủy có một đàn sâu nhỏ đang toả ra từ chân lá. Đến chiều, vẫn chiếc lá đó đã bị gặm nát non nửa, diệp lục tố bị nuốt trọn lộ ra từng chiếc gân lá trắng nhởn như xương. Những con sâu ấy cũng đã to lên một chút. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, hình ảnh ấy chỉ xẹt ngang nhãn cầu một phút ngắn ngủi nhưng dường như nó đã ghim sâu vào kho dữ liệu ký ức, để rồi nhiều năm nhiều năm sau đó, một bàn tay vô hình trong não bộ cào tầng tầng lớp lớp những ký ức mới hơn để lộ ra một trầm tích cũ...

Đó là điều huyền bí về bộ não, bạn chẳng hiểu sao có một số thứ bạn không bao giờ nhớ được, lại có một số không thể nào quên, còn có những ký ức khác tưởng đã trôi dạt, thất lạc vĩnh viễn, vậy mà như những mạch nước ngầm âm ỉ, một ngày nào đó chúng thình lình rỉ ra ở những kẽ nứt chính bạn cũng không ngờ đến.

Con người là một bình chứa ký ức. Bạn là ai, bản thể của bạn như thế nào, tôi nghĩ một phần tùy thuộc vào việc bạn nhớ và quên những gì. Có những sự kiện dù rất dữ dội, đáng nhớ, nhưng cơ thể bạn đã chọn cách quên nó đi vì biết rằng nó không có lợi cho sự sinh tồn. Một con người với tâm lý khoẻ mạnh là khi họ có thể quên đi những việc cần phải quên. "To be able to forget means sanity."

Nhưng chúng ta đâu phải là một cái máy tính, ta không thể lựa chọn nhớ hoặc quên cái gì - nhiều khi nó diễn ra bên ngoài phạm vi tỉnh thức. Và đôi khi khả năng này trật đường rày, vượt ngoài tầm kiểm soát, một ký ức bất lợi trỗi dậy như dịch bệnh, không ngừng nhân lên, chúng như loài sinh vật sống nhung nhúc dưới da, cồn cào trong xương tủy, ngấu nghiến đến khi ta tê liệt. Tôi nghĩ những người bị PTSD hiểu rất rõ cảm giác này.

Nếu bức này là về sự "nhớ", thì mình đang vẽ một bức có lẽ để đặt bên cạnh nó về sự "quên"

Khi những ký ức dẫu thân thương nhất mà ta muốn giữ mãi bên mình vẫn vô tình tuột đi mất...


Long ago, when I was still in Saigon, we used to have a huge bonsai of water jasmine. One day I noticed a small group of worms wriggling out from the base of a leaf. By afternoon, that very same leaf had been chewed halfway through, and its green color had been consumed entirely, revealing the white veins, thin and brittle as bones. Those little worms had grown a bit bigger too. A chill ran down my spine. That image flashed briefly across my eyes yet it seemed to have embedded deep within my memory.

The brain works in a mysterious way, how some things remain etched in our minds forever, while others elude our recollection entirely. And yet, there are memories that we believed were lost to the currents of time, only to resurface unexpectedly, like a subterranean stream flowing silently, until it emerges from the crevices of our consciousness, catching us off guard with its sudden presence.

Human is a vessel of memory. Who you are, your very presence, is shaped in part by what you remember and what you forget. There are events that are intense, unforgettable, yet your mind chooses to forget them, knowing they may hinder your growth and survival. A healthy psyche is one that can forget what needs to be forgotten. "To be able to forget means sanity."

But we are not mere machines, we cannot choose to remember or forget at will - sometimes it happens beyond the realm of consciousness. And sometimes this forgeting mechanism goes haywire, an unfavorable memory rising like a disease, incessantly multiplying, like a living organism crawling under the skin, gnawing deep into the flesh, until we are consumed whole. I believe those who suffer from PTSD understand this feeling all too well.

If this painting is about the failure of forgeting, I'm planning to paint its sister painting to be placed along side, where the mind goes haywire in the opposite way. Dementia

Tiểu Mãn by Phuong Nguyen

Loài lưỡng cư giấu mình trong bãi lau sậy cất tiếng kêu gợi tình, bươm bướm chập chờn vỗ cánh giữa những cánh hoa diên vĩ vàng đương nở bung rực rỡ, chuồn chuồn kim bâu lấy nhau trên mặt hồ lấm tấm bèo xanh, và cách chúng chỉ vài chiếc lá sen, một con ếch cái đang lặng lẽ giương mắt nhìn.

Một ngày trong tiết Tiểu Mãn.

Ngày dài ra và nóng dần lên khi đã vào hạ, đôi khi lác đác cơn mưa. Khi xưa đọc 7seeds mình không thấy related lắm với những nhan đề tiết khí, chỉ đến khi sống ở một nước ôn đới bốn mùa mới thấy nghìn năm đã qua, nếp sống con người có nhiều đổi thay, nhưng nhịp sống của muôn loài thì vẫn vậy. Người xưa chỉ là quan sát rồi ghi chép lại.

Xuân đến thì nở hoa, sau cơn mưa đầu hạ, những loài ấu trùng lột xác, vươn cánh bay lên từ đáy ao, khao khát yêu đương rồi đẻ trứng, hoàn thành nhiệm vụ sinh học mà chúng đã âm thầm lặp đi lặp lại, từ trăm triệu năm.

Vòng đời của chuồn chuồn có thể kéo dài đến sáu năm, nhưng phần lớn chúng không chết già, mà chết vì bị ăn. Ấu trùng chuồn chuồn bơi trong ao hồ là nguồn dinh dưỡng cho lưỡng cư và cá hay nhện nước, nếu chúng sống được đến khi đập cánh thì xung quanh vẫn muôn trùng thiên địch.

Sắp đến mùa ve sầu nẻ đất chui lên. Ấu trùng ve giấu mình trong lòng đất 17 năm, chúng hoá thân, mọc cánh, kêu vang mùa hè, rồi chết đi khi mùa thu chưa kịp đến.

20 năm rồi mới được nghe tiếng ếch kêu sống động đến thế. Nhớ khi xưa nhà mình mới cất lên giữa một đầm lầy, bao quanh là ruộng rau muống, đêm không ngủ nổi vì tiếng ếch nhái, tiếng dế kêu rỉ rả. Rồi một ngày xe tải chở cát đến lấp hết ao hồ đi, những toà nhà mới mọc lên, con đường san phẳng rồi phình to theo năm tháng. Tiếng ếch kêu cũng không còn.

Thực ra, đây giữa lòng đô thị cũng không có chỗ cho chúng sinh tồn.

Hệ sinh thái bé nhỏ tương đối khoẻ mạnh này là một cái ao nhân tạo, trong botanical garden của khoa sinh trường đại học.

観花 - Thưởng hoa by Phuong Nguyen

観花 - Cherry Blossom Viewing, Takeuchi Seiho, 1898 (Meiji 31)

観花 - Cherry Blossom Viewing, Takeuchi Seiho, 1898 (Meiji 31)

Gần đây mình đang vẽ nhiều xương xẩu, trong đầu lúc nào cũng lúc nhúc toàn xương với cơ, nhìn bàn tay mà mắt như có tia X tưởng tượng coi dưới thịt dưới da đó cục xương chuyển động thế nào. Vì hiểu biết chưa sâu, bàn tay chưa quen cảm giác, nên khi vẽ vẫn phải bám sát reference, và hôm nay bỗng nhiên xẹt ngang bức tranh chưa từng thấy này của cụ Seiho. Một bộ xương được vẽ phóng túng làm sao, từ đây mà đắp da đắp thịt vào sẽ thành một dung nhan hết sức dị dạng, nhưng vậy thì sao, vẫn thể hiện được sự uyển chuyển, thướt tha và say đắm của một con người. Vẽ thực quá có lẽ cũng là giới hạn của ta. Tình cảm khi sục sôi cũng có thể làm méo mó nhận thức cơ mà. Nhìn cho thật kỹ vào đây, một con người hay không là con người, chẳng còn quần áo, chẳng còn thịt da, linh hồn có phần đã thoát xác phần còn đây, say sưa múa quạt dưới cơn mưa hoa anh đào. Ở Ý bây giờ cũng là mùa xuân, nhưng là mùa xuân cấm vận, hoa đào vừa thấy đêm kia bung nở cạnh con đường sầm uất nay đã trổ đầy lá non mất rồi. Có lẽ đó là điều đáng tiếc nhất bên cạnh vô số những điều đáng tiếc đã xảy ra trong những năm qua. Một mùa xuân đi qua như vô hình...

Có một lời truyền miệng rằng để vẽ bức tranh lạ lùng như một sự giao thoa giữa thực và giả này, Seiho đã chăm chút, tỉ mẩn vẽ lại từ tiêu bản xương thật một lần rồi hai lần, nhưng rồi vẫn không được chấp nhận cho đợt triển lãm danh tiếng Nihon Bijutsuin.

Con đường hội họa cũng thật khó nói, đâu có một chiếc la bàn nào chỉ cho ta thấy đâu là con đường phải đi, ngay tới những bậc họa sư cũng từng sống trong cảnh hàn vi chật vật, rấm rứt tối ngủ không ngon vì dường như bao công sức đôi tay họ làm ra đến chai sần, rạn vỡ mà không ai hiểu, không ai chứng cho. Không ít người hâm mộ Van Gogh vì ông ấy triệu triệu... đô, họ cũng có thể yêu quý ông nhiều hơn khi biết sinh thời ông đã vất vả làm sao chỉ để sống đến ngày chẳng còn muốn sống, nhưng con đường ấy liệu ta có hiểu được không? Bần cùng mấy ai muốn đâm đầu vào. Thứ ta muốn tạo ra không đơn thuần chỉ vì nó được giá, mà nó như một cái mầm âm ỉ trong lòng đâm nứt da thịt để trồi lên thành lá, thành hoa. Ta cho rằng đây thực sự là hoàn hảo, vậy mà sau bao công sức đổ ra nó lại bị từ chối thẳng thừng, thảm thương làm sao.

Trộm nghĩ, khi đặt bút vẽ xuống bất kì điều gì, hãy nghĩ đến sự tồn tại của nó như một bản thể độc lập, tách rời khỏi chính sự kính mến trong ta. Hãy nghĩ đến nơi nó lưu lac, những người sẽ đón nhận nó. Ý chí đi lên của con người là một điều đẹp đẽ thúc đẩy ta tiếp tục tìm kiếm, kiến tạo nên những thứ mới mẻ, đột phá, và bởi con người là một sinh vật cộng đồng, ta mong đợi phản ứng của những người xung quanh để chứng thực niềm tin của mình. Nhưng nếu không ai ngoài chính ta nhìn thấy cái đẹp của nó trong cuộc đời hữu hạn này thì sao. Đó là một gánh nặng không tưởng. Ta có thể bị tổn thương, bởi sự kiến tạo này là máu thịt và tâm hồn của chính ta. Và cái tôi, đôi khi, là thứ nặng nhất trên vai một con người.

Còn nếu ta cứ kệ xác nó đi, hãy cứ kiến tạo như người lạc trong rừng chẳng còn cách nào khác ngoài phạt phẳng những cành cây um tùm tìm lối đi, nằm rạp xuống đất mà nghe, nghe cái tiếng âm u của nước bước đi trong thớ rễ, trôi trong mạch máu li ti, nước thấm ra đầu lưỡi, lướt trên đầu ngọn bút...

Có lẽ như vậy sẽ vui hơn nhiều.

Như cái bộ xương hở hang múa quạt này, tựa là ngắm hoa, mà lại chẳng thấy cánh hoa nào

Giấc mơ của Trang Tử by Phuong Nguyen

"Zhuang Zhou’s dream”, watercolor and pearl pigment on tea-dyed Fabriano artistico paper 300gsm

"Zhuang Zhou’s dream”, watercolor and pearl pigment on tea-dyed Fabriano artistico paper 300gsm

Có một lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa thành một cánh bướm nhẹ bỗng. Ông quên mất bản thân mình mà sung sướng trong thân phận con bướm vỗ cánh bay lượn. Rồi đột nhiên ông tỉnh mộng, thân thể ông ngay đây sao mà nặng nề và không thể nhầm lẫn là Trang Chu. Ông bâng khuâng tự hỏi, là Trang Chu đã mơ mình hóa bướm, hay là cánh bướm đang mơ mình hóa thành Trang Chu?

Những gì xảy đến trong cuộc đời này là hiển nhiên, hay chỉ đơn thuần là ngẫu nhiên?

Tôi đã phải tự hỏi bản thân mình điều này rất nhiều lần, bởi có những sự việc lồng ghép vào nhau một cách hoàn hảo siêu thực mà không có một mối dây liên hệ nào trong thực tế. Tôi tưởng tượng những sự tương ngộ này như hai hòn đá thô ráp nằm chỏng chơ đâu đó trong lòng núi ở hai nửa bán cầu, trải qua bao thăng trầm bể dâu, đi qua bao nhiêu áp lực dưới những kỷ trung đại khác nhau để từ vụn cát nén chặt ép thành một viên ngọc thô. Rồi con người hiện đại, sau hàng trăm triệu năm, đào nó lên, mài nhẵn nó, đánh bóng nó. Hai viên ngọc chu du khắp thế giới, qua bao bàn tay điêu khắc, những phiên đấu giá chợ đen, để rồi một ngày chúng tìm đến nhau vừa khít. Như hai nửa âm dương hợp nhất thành một.

Tôi vẽ tranh này vào cuối năm 2020 khi một sự kiện kì lạ, có phần siêu thực đã xảy ra.

Tôi nhớ từ khi mình còn nhỏ rất nhỏ, trước khi biết đọc và viết, tôi đã bắt đầu vẽ, và trong những mảnh vụn ký ức rời rạc và nhạt nhòa đó, tôi nhớ rõ bức tranh đầu tiên mình vẽ là một con cá bằng những nét thẳng.

Ba mẹ tôi hay tự hỏi không biết tôi giống ai, vì trong nhà không có ai như thế. Mơ mộng, thơ thẩn, vẽ vời, tâm hồn treo ngược cành cây... Một con vịt đen. Một biến dị. Cũng có lúc tôi chán nó, quên mất, rồi bỏ đi, nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn quay lại bên trang giấy và cọ vẽ. Như thể trong tôi có một con sâu ngọ nguậy, bắt tôi phải vẽ. Có lẽ tôi sinh ra là để làm việc này. Tôi chấp nhận nó cũng như cách tôi chấp nhận những trang thất lạc trong gia phả của gia đình mình.

Rồi một ngày kia, những trang giấy ấy được tìm thấy. Sự thật nổi lên từ đáy nước, những mảnh đứt đoạn được nối liền và câu chuyện sáng tỏ. Tôi cảm thấy mình như vừa thức dậy từ một giấc ngủ sâu. Như tìm thấy một căn phòng lạ trong căn nhà mình đã sinh sống 30 năm qua.

Và trong cái khoảnh khắc "bừng tỉnh" đó, tôi cảm thấy mình giống như Trang Tử thức dậy sau giấc ngủ hóa thành cánh bướm vỗ cánh bay lượn và giờ đây hoang mang trước sức nặng của chính bản thân mình. Là con bướm, hay con người? Bản ngã tôi đã gắn bó bao năm qua vẫn còn đây, nhưng bên cạnh nó là một nhân cách mới vừa thành hình, với một lịch sử riêng và những câu hỏi đã chờ rất lâu để được nhận lời hồi đáp. Tôi nhận ra cuộc sống này thực sự tồn tại những huyền cơ mà con người không thể khái quát nổi. Và có những sự kết nối kì lạ mà số phận đôi khi sẽ bắt ta phải chờ đợi, vì trong sự chờ đợi, ta được thử thách, và bước ra khỏi thử thách, ta không còn nghi ngờ gì, ta sẽ học được một điều mới.

Một người bạn của tôi đã nói thế này, "quả táo không rụng quá xa cái cây bao giờ."

Thật vậy.

Từ đây, tôi đi tiếp một con đường mới. Như cách con sâu vỡ kén chui ra, có một thế giới mới đang chờ đợi nó, không chỉ có gió và mây và bay lượn, mà còn có rất nhiều thử thách, nhưng bản năng được di truyền và kế thừa qua hàng triệu năm sống còn sẽ nói cho nó biết phải làm gì.

Lắng nghe tiếng lòng mình, thật đơn giản, mà cũng thật không đơn giản : )