Bóng ma trong lòng by Phuong Nguyen

Phương Tây có quỷ, nhưng ở quê nhà ta hay gọi nó là ma. Lâu rồi vẫn hay tự hỏi sao mình hay đổ thừa nỗi bất hạnh hay ám ảnh cho những hồn ma? Có phải vì phần nào chúng cũng giống cái bóng tối trong lòng, vô hình nhưng luôn lởn vởn, chỉ đợi thời cơ len lỏi rồi phủ trùm lên tất cả. Một phần con người đầy tính tự hoại mà ta không hiểu rõ và không thể kiểm soát. Như loài ăn đêm, ban ngày nó lẩn vào bóng râm, dưới những bộ áo đẹp và những nụ cười buồn. Ta chỉ muốn vùi nó xuống thật sâu, giấu tiệt đi không để ai nhìn thấy. Nhưng có đôi khi ở một mình, ta nghe thấy bước chân của nó chậm rãi, dường như sũng nước lướt đi trong đêm, chầm chậm tiến đến. Và rồi nó đổ ập vào người và ta cảm thấy như đang bị nhận chìm dưới vực sâu đầy nước. Rồi ta khóc. Bóng ma đó chính là ta, mà cũng thật xa lạ.

Ai mà không có bóng tối trong lòng.

If you have a ghost in you, I hope you can see it, make peace with it, and have the right support from your loved ones to face it.

"Ode to the ghost in me", color and ink on paper, 2022

Enso by Phuong Nguyen

Thử giấy mới. Washi dâu tằm.

Nhận ra khác biệt rất lớn giữa giấy phương Đông vs phương Tây, và sự khác biệt này có lẽ liên quan mật thiết với nhu cầu địa phương và tư tưởng về mỹ học tại nơi nó được sinh ra.

Lấy một ví dụ nhỏ như hình tròn. Đại diện cho sự hoàn hảo tuyệt đối của phương Tây là đường tròn của Giotto, một đường tròn vành vạnh được vẽ hoàn toàn bằng tay không cần công cụ trợ giúp. Vào những năm 1300, Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII mong muốn tìm người hoạ sĩ tài hoa nhất để thực hiện bức tranh chân dung của mình, ông đã gửi đại sứ đi khắp nơi để tuyển chọn người tài. Một thời gian sau, đại sứ quay về và trình bày trước Giáo Hoàng những tác phẩm tuyệt đẹp được tạo nên tỉ mỉ công phu bởi vô số các hoạ sĩ lừng danh. Tuy nhiên Giáo Hoàng đã bị thu hút bởi bức vẽ đơn giản chỉ độc một hình tròn. Đại sứ giải thích, đây là tác phẩm của Giotto trẻ tuổi, khi được yêu cầu hãy vẽ một bức tranh chứng tỏ tài năng của nhà ngươi, Giotto đã cầm lên một mẩu chì, lẳng lặng vén gấu áo rồi vẽ ra một hình tròn hoàn hảo mà không cần compa. Giáo Hoàng nghe vậy liền nhận ra Giotto chính là người ông đang tìm kiếm, một tài năng siêu việt với đôi tay khéo léo điêu luyện.

Phương Đông cũng có một đường tròn khác tên gọi Ensō. Tuy nhiên cái mà Ensō biểu hiện không phải là sự hoàn hảo mà ngược lại, cái đẹp tìm thấy trong sự bất toàn. Ensō thường được vẽ bằng tay, cũng giống như Giotto, nhưng nó hiếm khi tròn vành vạnh mà hơi méo một chút. Bên trong ranh giới của đường tròn đó là sự lĩnh ngộ về vạn vật và cái Không. Tùy vào tâm tư người vẽ, nó có thể đóng hoặc mở, và một đường tròn Ensō đẹp nhất thường được vẽ ra từ một cây cọ đã cũ tả tơi, đầu cọ chẻ ra như cái chổi, những nét mực đứt gãy tự nhiên càng nhấn mạnh thêm sự bất toàn mà nó đang hướng đến. Nếu như đường tròn của Giotto là sự tập trung cao độ để rèn luyện kỹ năng đến mức siêu việt nhằm vẽ được cái khó dường như bất khả, thì Ensō chính là sự buông lỏng bản thân, sáng tạo trong tâm thế rỗng không.

Hai luồng tư tưởng về sự hoàn hảo / bất toàn này đã phủ bóng không chỉ những tác phẩm nghệ thuật mà cả công cụ được làm ra để phục vụ cho việc tạo thành những tác phẩm đó. Nếu giấy của phương Tây đồng nhất, dày dặn cứng cáp, phẳng lì và khá nặng, cầm vô là thấy chắc chắn thì giấy phương Đông mỏng manh, nhẹ như không, bề mặt có phần thô ráp và thưa, nhìn rõ thớ giấy, lượng hồ trong giấy cũng rất tiết chế để mực thấm và loang một cách tự nhiên. Một số loại giấy phương Tây khá nặng có thể lên đến hơn 800gsm, nhưng với washi, nặng nhất mình tìm thấy là khoảng 100gsm, và đây là loại giấy chỉ mới được làm ra sau này với công thức đặc biệt chịu ảnh hưởng từ phương Tây.

Cầm tờ washi mỏng manh, nắng rọi xuyên thấu mà thấy có chút bất ngờ vì xưa nay đã quen những tấm giấy dày và nặng. Cảm giác có thể xé toạc nó mà không dụng sức. Nhưng washi cũng được dùng để lót cửa shoji, làm dù truyền thống che nắng che mưa nên bản chất nó cũng rất bền vững không thua kém gì giấy phương Tây. Cần phải thử nhiều hơn để quen với cảm giác mới này.

Tờ washi mình mua cũng khá tốt rồi nhưng vẫn chưa phải loại thượng hạng nhất. Loại giấy chuyên dụng để vẽ tranh truyền thống nihonga với công thức đã tồn tại từ nghìn năm nhìn giá mà suýt ngất. 120€ cho một tờ giấy mỏng tang, nặng chưa đến 100gsm.

Đối ẩm by Phuong Nguyen

Cô ấy ào đến, giết gần hết rựu nhà Phương rồi cô ấy lại bay đi...

Buổi chiều vừa mở sách ra thì đập vào mắt là trang này, có những sự tình cờ dễ thương ghê. Dịch một đôi trích đoạn mình tâm đắc...

"Ta thường phàn nàn rằng bởi cái nhịp sống hối hả ngày nay mà nghệ thuật đối thoại từ ngàn xưa khi ta ngồi trên những thùng rượu gỗ, quây quần bên bếp lửa hồng ngày càng mai một. Dầu tin rằng nhịp điệu này có những ảnh hưởng nhất định, tôi cho rằng nghệ thuật đối thoại bắt đầu suy tàn khi những mái nhà xưa nay thu mình thành căn hộ nhỏ mà chẳng còn bếp lò nữa, rồi xe cơ giới xuất hiện đặt dấu chấm hết cho chúng. Hoàn toàn trật nhịp, bởi đối thoại chỉ tồn tại giữa những người thấm đẫm tinh thần ung dung tự tại, cùng với tánh khí dễ chịu, sự hài hước và lòng trân trọng những sắc thái nhẹ nhàng..."

"Ta có thể nói về công việc làm ăn với ai cũng được, nhưng người có thể cùng ta đối thoại thâu đêm thì chẳng có mấy, và bởi thế, tìm thấy một người hoạt ngôn mang đến niềm vui ngang ngửa nếu không muốn nói là còn hơn cả khi ta đọc được một danh tác, thêm vào đó ta còn nghe được giọng nói, nhìn thấy cử chỉ người đó... Đó là khi ta sung sướng hội ngộ cùng người bạn cũ, khi đắm chìm trong hồi tưởng cùng kẻ thân sơ, hoặc đôi khi là tại phòng hút thuốc trên một chuyến tàu đêm, tại một quán trọ nhỏ trên chuyến du hành xa xăm..."

"Về đêm là thời gian tuyệt vời nhất để đối thoại, bởi ánh sáng ban ngày làm tan đi phần nào cảm giác mê hoặc. Nơi chốn đối với tôi hoàn toàn không quan trọng. Một người có thể tận hưởng một buổi chuyện trò về văn chương, triết học trong một tửu điếm từ thế kỷ 18 hay khi ngồi thư giãn giữa những ụ cỏ trên một nông trang khi chiều tà. Hoặc vào một đêm mưa lộng gió khi ta ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, ánh sáng dịu nhẹ từ những chiếc đèn lồng treo trên hàng thuyền neo đậu bên kia sông lấp lánh trong dòng nước..."

"Kiếp nhân sinh là thế, trăng khi tròn khi khuyết, hoa nở rồi sẽ tàn và bạn tốt thì chẳng mấy khi gặp gỡ, nên thần linh cũng chẳng đố kị đâu khi ta đắm chìm trong những niềm vui đơn giản như vậy."

"Phong thái chuẩn mực nhất cho một buổi tâm tình là sự thân mật và có phần hờ hững, bạn bè ta dường đã buông bỏ hết vẻ tự chủ đầy ngượng ngập và hoàn toàn không để tâm đến phục sức, dáng vẻ chuyện trò, cách hắt hơi, nơi đặt tay và càng không bận tâm xem câu chuyện đang trôi về đâu. Một buổi đối thoại chỉ thật sự cuốn hút khi ta ở bên những người bạn tâm giao mà ta tin tưởng đủ để sẻ chia những tâm tư sâu kín trong lòng. Một người đang gác chân lên bàn, người kia thì vắt vẻo bên cửa sổ, lại còn một người nữa thì ngồi trên sàn, tựa vào chiếc gối mềm hắn vớ được từ trên tràng kỷ...chỉ khi chân tay thư giãn, dáng ngồi thoải mái thì tâm trí ta mới có thể ung dung tự tại. Và rồi:

Đối mặt là những người bạn hiểu thấu tâm can,

Và bên cạnh không có những kẻ chướng tai gai mắt.

Đây là điều kiện tối cần thiết cho bất kì buổi đối thoại nào xứng tầm nghệ thuật. Chính vì không để tâm xem ta đang nói gì mà câu chuyện sẽ trôi dạt ngày càng xa, không theo trình tự, hệ thống, rồi đêm tàn, ai về nhà nấy với trái tim lâng lâng trong niềm hạnh phúc."

- "On Conversation | The Importance of Living by Lin Yutang"

Khởi nguồn của HAIKU by Phuong Nguyen

Bộ tranh Haiku ra đời trong một hoàn cảnh khác thường.

Đó là khi nước Ý - nơi đầu tiên ở Châu Âu mà covid càn quét - đang chìm trong đại dịch. Khi đó ta chưa thực rõ cái đang khiến người chết như ngả rạ ấy là cái gì, con người ta hoảng loạn tích trữ thực phẩm và tháo chạy khỏi tâm dịch. Rồi đùng một cái thủ tướng ra sắc lệnh national lockdown, không ai được rời khỏi nhà. Gần 80 ngày quanh quẩn giữa bốn bức tường chật chội, đợi đến đêm ngóng xem Tivi thống kê số ca nhiễm mà tuyệt vọng, không biết khi nào thảm kịch này mới chấm dứt.

Giữa lúc tăm tối ấy mình tình cờ tìm thấy những bài Haiku của Pháp Hoan và thời gian vẽ những bức tranh này như cánh cửa đưa mình đi ra khỏi bốn bức tường chật chội ấy. Bài đầu tiên mình đọc thấy chính là "Tám vạn bốn nghìn cây"

Dưới chân núi phía Tây

tôi đi vào chốn ấy

tám vạn bốn nghìn cây.

Mình đã rất xúc động với ba dòng đơn giản đó. Pháp Hoan viết về cảm giác của bản thân giữa khu rừng tôn giáo, nhưng với cá nhân mình khi đó chỉ vừa bước chân vào nghiệp vẽ thì nó cũng rất trúng tim đen. Đứng trước vô vàn ngã rẽ của nghệ thuật, nơi bao nhiêu người tìm cách khẳng định vị trí bản thân và phong cách cá nhân, mình nhìn thấy sự hối hả, sự hoang mang, khao khát và đôi khi là chán nản trong lòng. Khi đó mình cảm giác như đã va phải một bức tường, và hành trình vẽ bộ Haiku chính là một con đường mòn khuất giữa hàng cây để mình vượt qua bức tường đó. Mình chợt nhận ra có lẽ mình đã cố gắng đuổi bắt những gì đang thịnh hành mà quên mất trái tim thực sự mong muốn điều gì.

Nhưng mình cũng biết rằng đột ngột thay đổi phong cách là một sự mạo hiểm rất lớn. Và quyết tâm rẽ hướng này có lẽ đến từ một lời từ chối. Người chủ một phòng tranh ở Roma nói họ có hứng thú với mình, nhưng họ chỉ invest vào những nghệ sĩ có phong cách ổn định, và họ muốn nhìn thấy sự ổn định đó. Bức tranh họ muốn mình tái hiện thành một bộ đó lại là một trong những bức tranh mình vẽ khi còn non tay vào đầu năm 2018. Nếu muốn nắm lấy cơ hội này, mình sẽ phải quay lại đằng sau bức tường rồi băng ngược về điểm khởi đầu.

Cuối cùng mình để cơ hội ấy sượt qua. Mình muốn đi tiếp. Dù phía trước là mênh mông vô định, không biết điều gì đang chờ đợi, mình muốn đi tiếp.

Nhìn lại bốn năm qua, mình thấy một sự thay đổi rất lớn trong cách vẽ và những suy tư về việc vẽ. Nghĩ lại thật vui, khi đó mình đã không vì muốn an phận mà quay đầu.

Và điều tuyệt nhất khi băng rừng trên con đường mòn đó là gặp được những người bạn đồng hành cùng tâm tư, những quả ngọt bé nhỏ dọc đường, và đôi khi mở ra trước mặt là một cảnh tượng đẹp đẽ choáng ngợp, càng đẹp hơn vì chúng đến như một sự bất ngờ, khi trong lòng không nặng trĩu mong chờ.

Đường còn dài, không vội, giữ nhịp, cứ đi rồi sẽ đến.

Bầu trời sao by Phuong Nguyen

Món quà đẹp nhất bạn có thể tặng cho một người

một màn đêm không ánh đèn, và ngước lên nhìn trời, trải ra trước mắt là bầu trời được thắp sáng bởi vô vàn những vì sao

Đêm nay sau bữa tối nhà mình lái xe ra bãi biển, đi qua rặng rừng thông, đi qua con đường đất, đến tận mũi đá bên bờ biển. Tắt đèn xe rồi đợi một chút để đôi mắt dần quen với bóng tối, bên tai là tiếng sóng biển, cơn gió lộng từ biển khơi đã thổi bay đám mây mù, và trước mắt chỉ còn một cảnh tượng rộng lớn khôn cùng, trải dài từ chân trời này đến chân trời kia, một vũ trụ trong sáng, đẹp đẽ, lấp lánh dải tinh vân và vô vàn ánh sao.

Fede đã thốt lên, what is this mama? Lần đầu tiên mình chỉ cho em thấy rằng đây, trên cả bầu trời rộng lớn, đây là vũ trụ, và những ánh sáng bé nhỏ con đang nhìn thấy đã vượt qua hàng triệu năm để đến nơi này.

Lần cuối mình nhìn thấy bầu trời sao này cũng là ở một hòn đảo xa. Chiều hôm đó mình với bạn bắt bus đi về phía bắc, chỉ kịp đi siêu thị mua hai chai vang, mấy bịch khoai tây, mải ngắm hoàng hôn quên mất chuyến xe cuối về thành phố nên quyết định ngủ đêm tại biển luôn. Đó là lần đầu tiên mình biết star-gazing thực sự như thế nào. Những xúc động đó dường như đã bị vùi chôn sau bao nhiêu tháng năm nhưng đêm nay một bàn tay vô hình trong não bộ đã cào tung bao tầng đất cát để chúng một lần nữa sống dậy.

Mình nhớ đêm đó đã té mấy chục lần vì lội đá đi ra biển để thả nổi mình trên dòng nước lạnh ngắm sao. Xong trời đổ mưa tầm tã, hai con ướt nhẹp chạy loạn bãi biển kiếm chỗ trú mưa, lạnh teo người và buồn ngủ xỉu nhưng không có đến cả cái khăn lau. Mình phải giả ốm để bạn mình gõ cửa nhà dân xin khăn lúc 2h sáng, rên hừ hừ như con chó ốm vậy mà người ta nỡ lòng nào cho mỗi cái khăn mặt nhỏ xíu :)) cứ vắt khô rồi chia nhau lau cho đỡ ướt, đợi trời sáng bắt chuyến bus đầu tiên về nhà, mà xe bus thì máy lạnh chạy maximum, hai con quễ ngồi cuối xe run cầm cập, lúc tới nhà nhìn nhau chỉ biết lăn ra cười. Tả tơi hơn cái giẻ, cảm thấy sao mà khổ quá đi trời, nhưng bây giờ nhớ lại thì thấy thật buồn cười và dễ thương làm sao.

Đêm nay mình có nói chuyện với ông già về "ngã rẽ cuộc đời". 10 năm trước đây có lẽ mình không thể nào tưởng tượng một ngày nào đó mình sẽ ngồi ở đảo Sardegna, ngắm sao và viết mấy dòng này khi mấy con heo rừng đi dạo buổi đêm dẫm cỏ lẹp xẹp trước mặt. Cuộc đời thực ra nó là 50/50. Kiểu như con mèo Schrodinger, sinh mệnh của con mèo đó lơ lửng giữa trạng thái sống và chết, nhưng giây phút bạn mở nắp cái hộp, số phận của nó an bài. Bạn không thể biết được phía trước là gì, và cuộc đời nhìn có vẻ phức tạp vô cùng nhưng thực sự nó chỉ là lựa chọn 50/50. Ngồi yên hay đứng lên, rẽ trái hay rẽ phải, đi hay ở, yêu hay rời bỏ... Những lựa chọn vi mô đó như hiệu ứng cánh bướm sẽ thổi tung những đợt sóng và những trận cuồng phong, đau khổ tột cùng hay hạnh phúc vô biên, suy cho cùng, là điều ta đã chọn tại giây phút đó.

Đâu đó trong quá khứ, mình chợt nghĩ về cái ngã rẽ này. Mình nhớ về một buổi sáng đi siêu thị với mẹ ở Coop 20 năm trước, trong siêu thị có một cửa hàng bán đồ chơi, trên chiếc giá lớn trang trọng là một chiếc kính viễn vọng. Lúc đó mình đã rất yêu thích vũ trụ, mình muốn nhìn thấy vành đai sao thổ, nhưng cái kính đó rất đắt tiền nên mỗi lần đi siêu thị mình chỉ ghé ngang cửa hàng đó một chút thôi, để nhìn ngắm cái kính đó.

Liệu ở 1 hiện thực khác, nơi cái hộp mở ra và mình có cái kính viễn vọng đó, mình có thể đã đi 1 con đường khác không? Học về những vì sao, về dải ngân hà, về vụ nổ lớn, những thiên hà cổ xưa, hố đen và những supernova...

Đó là một cuộc đời không thể quan sát, nhưng ít nhất trong hiện tại này mình có thể nhìn ngắm vũ trụ tuyệt đẹp, với đôi mắt trần, qua internet, những chiếc kính viễn vọng nhìn thấy spectrum vượt khỏi mắt thường, và mình có đôi tay này để vẽ nên một thế giới nơi mình chỉ có thể chạm đến trong những giấc mơ.

Và đây là điều một bầu trời sao tuyệt đẹp có thể trao tặng.

Hồi tưởng và suy tư.