Mặc niệm cho Gaza (Mahmoud Darwish) / by Phuong Nguyen

"Mặc niệm cho Gaza"
Mahmoud Darwish
Bản dịch Anh ngữ bởi Sinan Antoon

----

Gaza cách xa người thân nhưng luôn kề cận kẻ thù, bởi vì mỗi khi Gaza bùng nổ, nàng lập tức trở thành một hòn đảo cô độc và không ngừng bốc cháy. Cùng với thời gian, đôi tay nàng cào nát gương mặt kẻ thù, đập vỡ những giấc mơ và ngưng đọng sự hài lòng của chúng.

Bởi thời gian ở Gaza là một điều rất khác.

Thời gian ở Gaza không biết đến sự trung lập.

Nàng không buộc một người làm nguội lạnh dòng suy tư, mà ngược lại, khiến hắn phát nổ rồi đâm vào hiện thực.

Thời gian ở Gaza không phải là chuyến tản bộ từ thời thơ ấu đến tuổi già, mà biến một đứa trẻ trưởng thành ngay lần đầu tiên chạm trán kẻ thù.

Thời gian ở Gaza chẳng hề dịu êm mà là cơn bão giữa trưa hè bỏng lửa. Bởi vì những giá trị ở Gaza rất khác, rất khác, rất rất khác.

Với phận người sống trong ách chiếm đóng, giá trị duy nhất của anh ta là sự phản kháng chống lại quân xâm lược. Đó là cuộc thi duy nhất, một chất gây nghiện thật đau đớn mà cũng quá đỗi cao thượng. Đó là điều anh không thể học từ sách vở hay những bài kiểm tra vội vàng, hoặc những chiếc loa phóng thanh phát lên âm thanh ồn ã và lời tuyên truyền. Tất thảy là trải nghiệm, là những gì một người kinh qua mà chẳng vì thể diện hay quảng cáo.

Gaza không có cuống họng. Lỗ chân lông của nàng phun ra âm thanh qua những giọt mồ hôi, như máu sôi và lửa bỏng. Bởi vậy mà kẻ địch căm thù nơi đây như cái chết và e sợ như một tội ác, chúng muốn nhấn chìm Gaza vào đại dương, chôn vùi ta trong sa mạc, nhấn chìm ta trong bể máu. Đây là lí do những người anh em của chúng ta vừa yêu mến dải đất vừa dè chừng, đôi khi hãi sợ, bởi Gaza là một bài học đau thương và cũng là một tấm gương rực sáng cho kẻ thù lẫn bè bạn.

Gaza không phải là thành phố xinh đẹp nhất

Biển ở đây chẳng xanh hơn những rặng biển Ả rập khác.

Và những quả cam từ nơi đây chẳng tươi ngon hơn bao cây cam ngọt khác trong bình nguyên Địa Trung Hải.

Gaza không hề giàu có.

Nàng không lịch lãm cũng chẳng lớn lao, nhưng lại chứa đựng trong lòng sức nặng lịch sử của cả đất nước chính vì nàng thật xấu xí, nghèo hèn, khổ đau và vô cùng xấu xa trong đôi mắt kẻ thù. Bởi vì Gaza, hơn tất cả, có khả năng khuấy động tâm tư và sự dễ chịu nơi kẻ thù. Gaza là cơn ác mộng, nơi tồn tại những quả cam như địa lôi, những đứa trẻ không có tuổi thơ, những người lớn không biết đến tuổi già và đàn bà chẳng còn gì tha thiết. Họ là kết tinh của những gì đẹp đẽ nhất, tinh khiết và giàu có nhất, là những người xứng đáng được yêu thương nhất.

Chúng ta đối xử bất công với Gaza nếu sự thơ mộng là tất cả những gì ta tìm kiếm, đừng hạ thấp vẻ đẹp của nàng. Điều đẹp nhất là khi nàng chẳng cần đến thi ca khi lũ chúng ta đang cố gắng chiến thắng kẻ thù bằng những bài thơ, tràn trề niềm tin và vui sướng khi kẻ thù để yên cho ta cất lên tiếng hát. Nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về chúng, rồi những bài thơ khô lại trên môi khi trải ra trước tầm mắt ta là những thành trì, hải cảng và những con đường kẻ thù đã dựng nên.

Chúng ta đối xử với Gaza thật bất công khi ca tụng nàng như một huyền thoại, bởi ta sẽ ghét bỏ nàng vào giây phút phát hiện ra rằng ôi thật ra… đây chỉ là một thành phố bé nhỏ nghèo nàn đang gồng lên kháng cự.

Và nếu ta tự hỏi: Điều gì đã khiến dải đất này trở thành một huyền thoại? Ta sẽ đập vỡ mọi tấm gương nếu còn lại chút phẩm hạnh trong mình cùng đôi mắt ngấn lệ, ta sẽ nguyền rủa chính mình vì đã khước từ lòng phản kháng sôi sục trong người. Tôn vinh Gaza là một nỗi bất công, bởi trong cơn mê hoặc mộng mị ta sẽ bước đến mép vực đợi chờ và Gaza sẽ không tiến tới. Nàng không mang đến cho ta tự do. Nơi đây không có ngựa, không có máy bay, không một cây đũa thần, hay những văn phòng trong thành phố lớn. Gaza tự giải phóng chính nàng khỏi những trách nhiệm và ngôn từ của chúng ta . Và nếu chúng ta tình cờ gặp gỡ trong một giấc mơ, có lẽ nàng sẽ chẳng nhận ra ta, bởi Gaza sinh ra từ biển lửa, trong khi chúng ta hoài thai từ nỗi chờ đợi và giọt nước mắt rơi trên những căn nhà hoang phế.

Đúng vậy, Gaza đã đi qua những hoàn cảnh đặc biệt với truyền thống đấu tranh rất đặc trưng. Nhưng bí mật của nàng không có gì huyền hoặc: Đó là sự phản kháng lây lan, bện vào nhau chặt chẽ, nàng thấu hiểu khát vọng của chính mình (là xé nát kẻ thù khỏi xiêm y của nàng). Mối liên hệ giữa sự phản kháng với người dân nơi đây không phải mối quan hệ mà là xương cốt, thịt da. Sự phản kháng ở Gaza không phải là một ngành nghề, không nhân danh một tổ chức.

Nàng không chấp lời giáo huấn, và sẽ không phó mặc số phận của nàng cho bất kì một chữ kí hay con dấu nào cả.

Nàng không quan tâm liệu chúng ta có biết đến tên gọi, tranh ảnh hay những lời hùng biện. Nàng không phải là một công cụ truyền thông, không là phông nền cho một bức ảnh và sẽ chẳng gượng gạo đắp lên gương mặt nàng một nụ cười nào cả.

Nàng không muốn điều đó, và chúng ta cũng vậy.

Vì thế mà Gaza là khoảng đầu tư tồi tệ cho những thương nhân, nhưng là mỏ vàng đạo đức không gì sánh bằng cho cộng đồng Ả Rập.

Cái đẹp của Gaza đó là tiếng nói của chúng ta sẽ chẳng chạm đến nàng. Không điều gì có thể làm sao nhãng; không điều gì có thể kéo nắm đấm của nàng khỏi gương mặt kẻ thù. Không dáng hình của đất nước Palestine được dựng nên ở phía đông của Mặt Trăng, hay phía Tây của Sao Hỏa ngày khai hóa. Gaza đã dâng hiến cuộc đời nàng cho sự phản kháng… phản kháng trong cơn đói khát, trong lưu vong, phản kháng trước đòn tra tấn, trong vòng phong tỏa, phản kháng từ cõi chết.

Kẻ thù có lẽ sẽ đoạt lấy Gaza

(như sóng cồn biển dữ chinh phục hòn đảo… và đốn hạ đến cái cây cuối cùng)

Chúng có thể đập nát từng khúc xương nàng.

Chúng có thể cài xe tăng vào trong cơ thể trẻ thơ và phụ nữ. Chúng có thể hất nàng văng ra biển, chôn vùi nàng trong những đụn cát, nhấn chìm nàng trong bể máu.

Nhưng Gaza sẽ không lặp lại lời dối trá và nói “vâng” trước kẻ xâm lược.

Nàng sẽ tiếp tục bùng nổ.

Đây không phải là cái chết hay tự sát mà là cách Gaza tuyên bố rằng nàng xứng đáng được sống.

Nàng sẽ tiếp tục bùng nổ.

Đây không phải là cái chết hay tự sát mà là cách Gaza tuyên bố rằng nàng xứng đáng được sống.

----

Bản dịch Việt ngữ: Hoài Phương

Mahmoud Darwish (1941-2008) Nhà thơ quốc gia của Palestine, ông sinh ra tại làng al-Birwa tại Galilee, một thành phố bị chiếm đóng bởi quân đội Israel. Gia đình Mahmoud Darwish đã bỏ lỡ cuộc điều tra dân số của Israel nên được xét vào diện "tị nạn nội tại", tuy nhiên vì phần lớn làng mạc, ruộng đất đã bị san bằng như một chiến lược để người Palestine không còn nhà cửa, kế sinh nhai buộc phải ra đi trong hành trình dựng quốc Israel, gia đình ông đã chạy đến Lebanon không lâu sau đó. Ông đã sống như một người lưu vong phần lớn cuộc đời ở giữa Beirut và Paris, đã từng bị bắt bỏ tù trong những chuyến đi đọc thơ mà không có giấy phép du hành. Mahmoud Darwish tinh thông ngôn ngữ Hebrew và thi ca của ông đã từng được đề xướng đưa vào chương trình giảng dạy tại Israel nhưng chính quyền đã bác bỏ. Tuy được xem như nhà thơ phản chiến và đề cao tinh thần phản kháng của người Palestine, Mahmoud Darwish không phải là một người bài Do Thái mà trái lại, ông cho rằng mình thuộc về một thế giới nơi người Do Thái và Ả Rập đã từng chung sống trong hòa bình trước khi Israel lập quốc. Ông mong mỏi một ngày hòa bình giữa hai dân tộc sẽ đến và "những người Do Thái sẽ không xấu hổ thừa nhận rằng trong thâm tâm họ có nguyên tố Ả Rập, và người Ả Rập cũng sẽ khảng khái đón nhận những giá trị Do Thái." Mahmoud Darwish đã nhận vô số những giải thưởng lớn về thi ca và được phong hàm Hiệp Sĩ về văn chương tại Pháp.