Từ nhật ký của cô bé sắp tròn bốn tuổi
Hanan Mikha'il 'Ashrawi
——
Ngày mai, dải băng này
sẽ được tháo. Tôi tự hỏi rằng có phải
mình sẽ thấy một nửa quả cam,
một nửa quả táo, một nửa
gương mặt của mẹ
với con mắt còn lại?
Tôi không kịp thấy viên đạn
nhưng liền cảm thấy cái đau tê dại
khi nó phát nổ trong đầu.
Dáng hình của hắn ta
không biến mất, người lính đó
với một khẩu súng to, đôi tay run rẩy, với cái nhìn
trong đôi mắt
mà tôi không hiểu nổi.
Nếu tôi có thể thấy hắn thật rõ ràng
với đôi mắt nhắm chặt,
chắc hẳn vì sâu trong đầu
mỗi chúng ta còn có một cặp mắt nữa
để đền bù
cho cái mà ta đã mất.
Tháng sau, vào ngày sinh nhật,
tôi sẽ có con mắt thủy tinh
Có lẽ mọi thứ sẽ trông thật tròn trịa
phình to ở chính giữa…
Một thế giới mới lạ sẽ mở ra
qua khối cầu thủy tinh trong hốc mắt mình.
Tôi nghe rằng có một đứa bé chín tháng tuổi
cũng vừa mất đi một con mắt,
và tôi tự hỏi có phải người lính của tôi
đã bắn cô bé ấy không… người lính
săn lùng cô gái nhỏ
đương giương mắt nhìn lại…
Tôi đã lớn rồi, tôi sắp bốn tuổi
cuộc đời này tôi đã thấy đủ nhiều
Nhưng cô bé ấy còn quá nhỏ và
chưa kịp hiểu ra điều gì.
——
Hanan Mikha'il 'Ashrawi (1946 - ) Chính trị gia người Palestine, và cũng là một nhà thơ, một học giả. Bà sinh ra tại Nablus trong một gia đình Palestine theo Thiên Chúa giáo trong thời kỳ ủy trị Anh Quốc. Cha của bà Daoud Mikhail là một nhà vật lý học và cũng là một trong những thành viên sáng lập PLO (Palestine Liberation Organization) Như nhiều người Palestine khác, tuổi thơ của bà là những ngày tháng bất ổn khi phải liên tục di chuyển giữa những cuộc chiến từ Jordan đến Tây Ngạn, Lebanon, để rồi cuối cùng khi Cuộc chiến sáu ngày nổ ra, bà đã mất quyền công dân qua tuyên cáo vắng mặt của thể chế Israel và bị tước quyền hồi hương. Bà lưu lạc đến nước Mỹ và tận dụng cơ hội này để theo đuổi học thuật và tốt nghiệp về văn chương tại Đại học Virginia, và sau đó là 11 văn bằng tiến sĩ khác về Luật, văn chương và nhân quyền từ nhiều đại học khác trên thế giới. Bà là người phát ngôn cho cuộc Đối thoại hòa bình đầu tiên giữa Palestine và Israel tại Madrid, 1991.
Bài thơ này được viết ra vào năm 1988, nhưng chỉ vài ngày trước đây thôi, tôi đã thấy video một đứa bé chỉ còn một nửa gương mặt, hốc mắt và phần sọ trái của em vỡ ra trong bể máu.
Hỡi những quả bom khôn hàng triệu đô la, hỡi những người lính tinh nhuệ đang nhảy múa trên tro tàn, nếu không thể đấu tay đôi trên võ đài, hãy dùng trí khôn nhân tạo dò tìm chính xác đối thủ của mình thay vì trải thảm đau thương lên những đứa trẻ vô tội.
Người đại diện của UNICEF đã tuyên bố rằng cuộc chiến của Israel tại dải Gaza là “Chiến tranh chống lại trẻ em” - A war agaisnt children.