Bốn mùa trong tranh Anastasiou Dimitris by Phuong Nguyen

Không chỉ phương Đông mới có bộ tranh tứ quý, phương Tây cũng có, nhưng hơi lạ một chút.

Giới thiệu với bạn bộ tranh mang tên Four seasons: a self-portrait symphony / Bốn mùa: bản giao hưởng tự hoạ của một hoạ sĩ hiện thực đến từ Athens - Anastasiou Dimitris. Bộ tranh, như một bản giao hưởng của Vivaldi, được chia làm bốn đoạn:

131154059_5223987680948596_4014692772535429757_o.jpg

Mùa xuân: tự hoạ với đôi mắt sưng vì dị ứng

131338349_5223988047615226_900787278968580551_o.jpg

Mùa hạ: tự hoạ với làn da cháy nắng

131207413_5223988440948520_7355080961950868103_o (1).jpg

Mùa thu: tự hoạ cùng bệnh cúm

Mùa đông: tự hoạ khi rét cóng

Theo lời kể của Dimitris, bộ tranh này gồm bốn bức tranh sơn dầu hợp thành nhất thể, và ý tưởng ban đầu cũng hết sức giản đơn: một người hoạ sĩ hình thể (figurative painter) cố gắng hoàn thành một bức tự hoạ, cũng là một cách anh ta tìm hiểu bản thân mình, nhưng hỡi ôi dự định đó tan tành vì thời gian và cuộc sống không ngừng can dự, bóp méo nhận thức của anh về bản thân mình, và như thế, chúng biến anh từ một hoạ sĩ hình thể, thành một hoạ sĩ phản hình thể. ( nv. turning him into a disfigurative painter instead)

Vậy câu hỏi được đặt ra: liệu có một cái tôi nhất quán và tuyệt đối bên dưới những sự biến dạng này hay thực ra nhận thức của chúng ta về cái tôi là, không gì hơn, một tổng hợp những biến hoá khôn lường trong cuộc đời ta đi qua?

Bộ bốn mùa này là một trong những bộ tranh polyptich Dimitris đang hoàn thành cho triển lãm cá nhân đáng mong chờ sắp đến. Bên cạnh vẽ tranh, anh vẽ minh hoạ và sáng tác graphic novel, tác phẩm đầu tay sắp ra mắt năm 2021 tựa đề A=-A, chủ đề là sự ngờ vực, nói về một người đàn ông đi tìm danh tính của chính mình.


Website: http://www.dimitrisanastasiou.gr/eng_index.html

Youtube: https://www.youtube.com/user/DimitrisVanAstas/videos

Instagram: https://www.instagram.com/anastasiou.dimitris/?hl=en

Lover's Eye by Phuong Nguyen

128568134_5180263331987698_3546077289694058606_o.jpg

Ánh nhìn của con trai, tháng 3/2020, màu nước.

The gaze of my son, inspired by 19th century Georgian eye miniature. Watercolor on paper


Mượn cảm hứng từ những chiếc Eye Miniature (Lover's Eyes) từ thế kỷ 19th, thường là màu nước vẽ trên giấy hoặc ngà, viền ngọc trai, đá quý xung quanh. Kích thước rất nhỏ để có thể luôn mang bên mình như một món nữ trang. Có thể là đồ cài áo, mặt dây chuyền hay locket. Trên phông nền đơn sắc chỉ có độc con mắt một người, đôi khi là một đôi, nhìn thẳng vào người đối diện. Sự tinh giản này khiến cho cái nhìn càng thêm sâu lắng. Vào cái thời thư tín chậm chạp chưa được tức thời như bây giờ, đôi khi những người yêu nhau phải xa nhau và khoảng cách giữa họ, những tháng ngày đằng đẵng không được nhìn thấy nhau đó khiến con người ta phát điên vì nhớ, và thế là món trang sức này ra đời để an ủi tình cảm đó. Không cần gương mặt, chỉ cần một ánh mắt thôi là đủ. Đó có thể là cái nhìn nhung nhớ của người vợ, người chồng, của nhân tình, hay những đứa con, đôi khi họ còn giấu thêm bên trong một lọn tóc để nhấn mạnh thêm tình cảm mãnh liệt ấy.

download.jpeg

Nguồn gốc của món trang sức này được cho là từ chuyện tình giữa Hoàng tử George xứ Wales với quả phụ Maria Anne Fitzherbert. Ông yêu bà đắm đuối, nhưng hoàng gia Anh lại ngăn cấm hai người họ đến với nhau, càng tệ hơn sau khi ông ngỏ lời cầu hôn, bà đã chạy trốn khỏi vương quốc vì sợ những lời đàm tiếu. Nhưng George yêu bà, ông khao khát bà và sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu này. Ông sai một họa sĩ vẽ con mắt bên phải của mình, gửi đến bà cùng với lá thư cầu hôn (một lần nữa) Không lâu sau đó họ cưới nhau, và người họa sĩ đã vẽ thêm con mắt bên trái của Fitzherbert, đặt vào phía còn lại trong chiếc locket của George, để dù ông có đi đến đâu, khi mở nó ra ông sẽ luôn thấy được cái nhìn của người mình yêu.

Maria Fitzherbert, (1756–1837), circa 1788

Maria Fitzherbert, (1756–1837), circa 1788

Lover's Eyes từng rất thịnh hành trong giới quý tộc xưa. Việc có thể gửi gắm "đôi mắt" của mình cho một người yêu, nói rằng "một phần của ta đang ở bên người", còn gì lãng mạn hơn thế? Bao nhiêu cảm xúc được tinh giản vào chỉ trong một cái nhìn. Cái nhìn đắm đuối khát khao của một người tình. Cái nhìn nhớ nhung và có phần ghen tuông của một người vợ/người chồng. Cái nhìn thơ ngây của một đứa trẻ. Cái nhìn buồn bã của kẻ thất tình, đôi khi điểm thêm một giọt nước mắt. Cái nhìn lặng lẽ từ quá khứ của người đã khuất...

Một bức tranh từ họa sĩ Fatima Ronquillo, người thường xuyên đưa motif Lover’s Eye vào những bức tranh của mình

Một bức tranh từ họa sĩ Fatima Ronquillo, người thường xuyên đưa motif Lover’s Eye vào những bức tranh của mình

Rồi nhiếp ảnh ra đời, Lover's Eyes dần dần mất đi vị trí của nó.

Mình cũng muốn có một bộ sưu tập (vẽ) mắt của những người mình yêu

Alla Fiera dell'Est by Phuong Nguyen

127217033_5142432875770744_5198540077363965166_o.jpg

Có một bài hát xưa của Angelo Branduardi mình rất thích - Alla Fiera dell'Est

Bài hát khởi đầu với điệu guitar du dương, Branduardi kể rằng:

Ở hội chợ phố Đông, cha ông đã mua một con chuột nhỏ với hai đồng.

Rồi một con mèo đến và nuốt trọn con chuột đó

Rồi một con chó từ đâu ra cắn con mèo

Rồi xuất hiện một cây gậy, đánh con chó này, sau khi nó đã cắn con mèo

Rồi ngọn lửa bùng lên thiêu cháy cây gậy

Rồi nước lại dập đi ngọn lửa ấy

....

Mỗi khi ông giới thiệu một nhân vật mới, ông sẽ hát lại tất cả những câu hát cũ, với điệu nhạc ngày càng gấp gáp dồn dập. Như ta đang lần mở từng lớp một của một con búp bê Matryoshka.

Và sau ngọn lửa, sau nước, còn có con bò đến uống nước, để rồi bị một gã hàng thịt xẻ ra, và gã hàng thịt cũng không thoát được lưỡi hái của thần chết, và trên tất cả, trên cả thần chết, bao trùm cả thế giới là Il Signore - Chúa Trời.

Tất cả khởi đầu từ một con chuột.

Một chuỗi sự kiện nơi cái chết nối tiếp cái chết để đi về nguồn cội của sự sống, của sinh sôi. Lần đầu nghe bài này mình bị...sốc nặng, không nghĩ mình có thể nghe chủ đề này ở một bản nhạc Ý xưa, và hơn nữa nó lại được hát với ngôn từ dễ hiểu như một bản đồng dao cho trẻ con mà tiếng Ý lặt lè như Phương cũng hiểu được. Mình luôn có sự hứng thú rất lớn với vòng sinh - tử, với mối quan hệ giữa việc ăn và bị ăn, dòng sông của sự sống nguyên sơ đầy cơ bản nơi tất cả quay về sau khi thịt nát xương tan.

Angelo Branduardi được xem như là một "người hát rong" bất hủ của âm nhạc Italia, nhạc của ông có vẻ đồng quê du mục, đệm bằng tiếng guitar du dương. Ông hát nhiều về những câu chuyện lịch sử và tôn giáo, bài hát này cũng không ngoại lệ, nó được dựa trên một câu chuyện cổ trong thánh kinh Do Thái thường được kể vào lễ Phục Sinh, tên "Haggadah shel Pesach"

Có hẳn một bài giải thích sự tương quan giữa bài hát này và kinh thánh Do Thái. Nhưng mà vừa dài vừa khó mình lại hông biết đạo này nên không dám dịch. Mọi người nghe nhạc thôi vậy

Metamorphosis by Phuong Nguyen

Good-morning-Mr-Samsa.jpg

"Good morning Mr. Samsa"

Ink on paper, 2020, Phuong Nguyen


Tôi đọc lại Hoá thân.

Tôi nghĩ đến sự hoá thân của côn trùng. Bên trong cái kén ấm áp, con sâu nhỏ nhả ra một thứ dung dịch hoà tan chính mình, rồi từ đó cơ thể chúng được sắp xếp lại theo một trật tự mới, những chiếc chân nhú ra, đôi cánh thành hình.

Kafka không tiết lộ Gregor đã hoá thân thành con gì, ông cũng yêu cầu người ta khi làm bìa sách không được minh hoạ cụ thể một loài côn trùng, nhưng nó hẳn là một thứ hạ cấp và ghê tởm. Trong đầu tôi nghĩ đó là con gián, nhưng cũng có thể nó là một con bọ hung? Dù nó là con gì đi nữa thì vào buổi sáng Gregor thức dậy, anh đã hoá thân thành hình thức tiến hoá cao cấp nhất trong vòng đời một con côn trùng. Sau đó chỉ còn cái chết.

Hoá thân là một chủ đề thú vị và thường mang nghĩa tích cực, nó là biểu tượng của sự thay đổi, tiềm ẩn khao khát được rũ bỏ thân phận con sâu lầm lũi trên mặt đất, vươn đôi cánh tự do. Nhưng Metamorphosis của Kafka thì khác. Thấm đẫm bi kịch. Có những lần hoá thân là không thể quay đầu được nữa.

“Don’t bend; don’t water it down; don’t try to make it logical; don’t edit your own soul according to the fashion. Rather, follow your most intense obsessions mercilessly.”
- Kafka

Những thác nước của Hiroshi Senju by Phuong Nguyen

Waterfall, Hiroshi Senju

Waterfall, Hiroshi Senju

Một người bạn nói với tôi rằng "không thể nói ta đã xem một tác phẩm cho đến khi ta được nhìn chúng tận mắt." Tôi cũng nghĩ vậy. Có những quang cảnh kì vĩ và lộng lẫy quá dù nhìn qua màn hình thôi đã thấy xúc động bồi hồi, nếu được đắm chìm trong nó, được đứng thật gần, gom hết tất cả vào trong nhãn cầu, thì sẽ còn cảm nhận được gì nữa? Có lẽ từ gần nhất tôi tìm ra được trong đầu mình ngay bây giờ là euphoria. Một trạng thái lâng lâng, đê mê và thất lạc, một rung động không thể nói thành lời.

Hồi trước tôi thường tự hỏi sao mình lại bị cuốn hút bởi mỹ thuật của Nhật đến vậy, sống ở đó một thời gian ngắn, đọc nhiều thêm, tôi biết ra đó là vì tín ngưỡng tôn thờ thiên nhiên của họ. Thần ở khắp mọi nơi, trong nụ hoa vừa nở, nơi con nhện giăng tơ, những buổi sáng sương mờ hay bông tuyết đầu mùa, thần ngự trên chiếc lá đang rơi, thần cưỡi sóng tràn vào bờ và hoá thành một con nghêu nhỏ, chui vào lòng đất, thấm vào mạch nước ngầm, và nước bốc hơi lại hoá thành mây, bao phủ thế giới trong tấm chăn màu trắng mềm mại... Thần hiện diện ở khắp mọi ngóc ngách trong cuộc sống này, xung quanh ta có tám triệu vị thần. Điều đó không đẹp đẽ sao? Thiên đường không ở đâu xa mà chính ngay đây, nơi ta đang sống. Vì luôn có thiên nhiên trong tim, thế giới quan của họ dù đã đi qua nhiều đổi thay, đặt vào những môi trường nhân tạo đầy tính viễn tưởng , nhưng vẫn luôn hướng về một cội nguồn đẹp hùng vĩ và trong sáng như nó vốn là.

"...Dù chỉ trong khoảnh khắc, họ luôn luôn muốn được thiên nhiên bảo bọc để trực tiếp nhận ra nhịp tim của nó đập trong lòng mình." (Trích Thiền và Mỹ Thuật, dịch chú Nguyễn Nam Trân)

Waterfall, Hiroshi Senju

Waterfall, Hiroshi Senju

Loạt tranh vẽ thác nước của Hiroshi Senju, một hoạ sĩ theo làn sóng Nihonga sinh sống và làm việc tại New York. Đương đại trong cách tiếp cận nhưng ông vẫn thực hành kỹ thuật truyền thống tồn tại qua ngàn năm, dùng pigment tự nhiên từ khoáng thạch, vỏ trai nghiền với keo động vật, vẽ trên giấy washi từ sợi dâu tằm.

Trong bộ tranh này với chủ đề "khởi nguồn", Senju tìm thấy cảm hứng từ đảo Oahu, Hawaii, nơi cảnh tượng còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thủy và ông có thể cảm nhận được những rung động và nguồn năng lượng dữ dội của Trái Đất. Thác nước Senju đã đi khắp nơi, triển lãm dưới những ánh đèn và sắp đặt nhấn mạnh thêm năng lượng trên những bức tranh khổ lớn, nhưng với ông nơi tuyệt nhất để thưởng lãm chúng là trên cánh cửa trượt, trong căn phòng lót chiếu tatami dưới ánh sáng tự nhiên khi mờ khi tỏ.

Venice Biennale, 1995

Venice Biennale, 1995

Một tác phẩm của Hiroshi Senju trên nền giấy dâu, trong một trà thất cổ truyền Nhật Bản

Một tác phẩm của Hiroshi Senju trên nền giấy dâu, trong một trà thất cổ truyền Nhật Bản

Nếu đối diện thác nước này đủ lâu, có lẽ tôi sẽ thấy được Thần ở trong đó.


Ảnh và thông tin tổng hợp từ gallery Sundaram Tagore