Những đứa trẻ của thế nhân sinh by Phuong Nguyen

"Children of the Anthropocene"

Ink and color on natural dyed Fabriano paper, 2022

35.5 x 100 cm

--

"Những đứa trẻ của thế Nhân sinh"

Màu và mực trên giấy Fabriano nhuộm tự nhiên, 2022

35.t x 100 cm

Thuật ngữ "Anthropocene/ thế Nhân Sinh" được nhà khoa học Paul Crutzen nghĩ ra vào năm 2000, khi đó ông đang ngồi trong một hội nghị và một ai đó đang nói về Holocene / thế Toàn Tân, bắt đầu khi Kỷ Băng Hà kết thúc và tiếp diễn đến thời hiện tại, đây được xem như thời gian của sự ổn định, điều hoà khí hậu kiến tạo nền móng cho nông nghiệp và sau đó là xã hội hiện đại, và ông chợt nhận ra có gì đó sai lầm. Thế giới đã thay đổi quá nhiều, đặc biệt vào thế kỷ này với sự can thiệp ngày càng xâm lấn của con người. Ông lên tiếng, "Không, chúng ta đang sống trong thế Anthropocene". Anthropo- trong từ nguyên Hy Lạp có nghĩa là con người, và -cene là mới, đây là thế giới chúng ta đang sống hiện tại, nơi những hoạt động của con người ảnh hưởng mật thiết không chỉ đến môi trường sống và vòng đời những loài sinh vật khác mà hơn thế nữa, hoàn toàn thay đổi kết cấu địa chất cũng như khí hậu và hệ sinh thái trên toàn thể Trái Đất.

Đây là một thế giới được kiến tạo và thay đổi để phù hợp với môi trường và nhu cầu của con người và chỉ riêng con người.

Những tưởng thế Nhân sinh chính là vườn Địa Đàng của nhân loại, ta đứng đầu chuỗi thức ăn, không có thiên địch, có thể sống thật thoải mái với đầy đủ tiện nghi, công nghệ ngày càng phát triển, ta có thể đẩy lùi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, ta có thể đào sông, lấn biển, san phẳng núi rừng, nhưng kéo theo đó là những hiểm hoạ mà chính con người cũng không thể lường trước. Một Điểm tới hạn (tipping point) mà ta có thể dự đoán nhưng không biết chắc khi nào chúng sẽ xảy đến.

Dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, mất mùa triền miên dường như chỉ là những màn diễn tập cho một cuộc Đại sụp đổ sinh thái. Chiếc đồng hồ vẫn đang chạy, tiếng tích tắc ngày càng dồn dập.

Và đây là nỗi lo âu luôn lởn vởn trong đầu khi tôi nhìn vào những đứa con mình - những đứa trẻ sinh ra vào thế Nhân Sinh, chúng có lẽ sẽ chứng kiến ngày bức rèm buông xuống, phủ đêm đen lên khắp thế gian này.

Ngày con sinh ra đời by Phuong Nguyen

Mai là ngày sinh nhật đầu tiên của con trai Simone. Con vào đời sau 34 tuần thai, ngày 17/11, là ngày Trẻ sinh non thế giới/ World Prematurity Day. Con thật khéo chọn ngày, và điều này mình cũng chỉ biết vào sáng hôm sau khi vào NICU thăm con, và treo trước cửa vào khu chăm sóc đặc biệt là một chiếc băng rôn rực rỡ đầy hoa và dải cầu vồng.

Con trai vào đời rất vất vả. Sinh non, nhẹ cân và vàng da nhẹ, con tái xanh và thở không tốt lắm nên phải nằm chăm sóc đặc biệt một tuần. Vừa về nhà được vài ngày, nôi chưa kịp ấm thì con dính phải virus và phải quay lại ngay phòng cấp cứu. Thời điểm đó dịch covid lại trở nặng nên họ chỉ cho cha hoặc mẹ vào cùng con. Papa Roby phải ở nhà chăm sóc cho Federico lúc đó cũng đang ốm, nên chỉ có mình mình trong viện bên Simone. Mình sẽ nhớ mãi không thể quên tiếng con khóc khi các cô y tá đâm kim truyền nước biển, sau đó là tiếng máy monitor rú lên báo động, những đường cong nhịp sống mềm dần, những con số của nhịp tim, nhịp thở chậm dần... Rồi chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra thì y tá đã đưa mình ra khỏi phòng khi các bác sĩ chạy vội đến cùng máy kích tim. Thật là may mắn vì khi đó con đã đang ở bệnh viện, bên con là các bác sĩ can thiệp kịp thời, hiểu rõ tình trạng con khi đó còn bé nhỏ, có ốm đau gì thì cũng không thể thậm chí cất lên tiếng khóc.

Con ở trong NICU thêm 2 tuần nữa. Ở trong phòng chăm sóc đặc biệt mỗi khi vào phải mặc áo vô trùng, đeo bao tay, đội bịt tóc và tất nhiên là khẩu trang, họ cấm dùng điện thoại và đồ điện tử vì sợ nhiễu sóng các trang thiết bị y tế. Mỗi ngày mình vào từ 9h sáng đến 7h đêm, đợi Roby đi làm về rồi sẽ gửi Fede ở nhà bạn một chút rồi vào thăm con, sau đó về nhà chăm sóc cho anh lớn. Thời gian đầu không thể bú vì con phải đeo máy trợ thở, chỉ có thể mở cánh cửa bé tí bên hông lồng ấp để chạm vào con, cho con bú sữa bình, mỗi ba tiếng một lần. Lúc đầu mình chỉ có đi ra máy bán đồ tự động, survive bằng energy bar và cà phê decaf, sau đó thì có một cô y tá dễ thương thấy mình vào mỗi ngày nên cô cho mình phiếu ăn ở canteen bệnh viện, cô nói là phải ăn nhiều vào cho có sữa. Trộm vía là dù thời gian đó con không bú sữa mẹ nhưng mình sợ mất sữa nên cũng chăm chỉ pump, tới nỗi mấy cô trong NICU mỗi lần thấy mình mang sữa vào cho con là lại trêu, "Lại là chị à, cô Bò Sữa, tủ lạnh trong NICU đầy sữa của chị rồi đó, dễ phải đến 5 lít".

Gần Giáng Sinh, các cô y tá trang trí trong NICU với những dải băng đỏ xanh, vài chiếc chuông và một cây thông đơn giản bên ngoài cửa sổ. Có một cô y tá lớn tuổi bảo với mình rằng đây là "khu vườn" của cô, và những đứa bé sinh non, trẻ sơ sinh bị ốm này là đoá hoa chưa kịp nở, họ phải chăm sóc những nụ hoa này đến khi chúng có đủ sức sống mà tự bung ra từng cánh hoa. Có đứa bé sinh non khi chỉ mới 20 tuần thai, họ nói khi em bé đó ra đời nó chỉ nặng 700gram, bé như một con mèo sơ sinh, da bọc xương, gần như trong suốt, và họ đã nhìn thấy hành trình em bé đó lớn dần lên, to dần ra cho đến khi thành một em bé có da có thịt, đôi mắt láo liên và tiếng khóc đầy nội lực. Thật ấn tượng và xúc động khi nhìn thấy những máy móc, công nghệ tối tân này có thể cứu sống và nuôi dưỡng được bao nhiêu sinh linh mà trong quá khứ chắc chúng không thể có đến 1% cơ hội được sống.

Một đêm lạnh, con đã khoẻ hơn nhiều, cô y tá hỏi mình có muốn ôm con không, rồi họ lấy con ra khỏi lồng ấp, tháo máy trợ thở rồi đặt con vào vòng tay mình. Căn phòng vắng lặng không ánh đèn, chỉ có tiếng bíp đều đặn từ monitor, những đứa trẻ khác đang ngủ say, và Simone từ từ mở mắt khi mình khe khẽ hát cho con nghe bài Hallelujah, những ngón tay bé xíu của con quấn lấy ngón tay mình. Làn da con ấm, bàn tay con hồng, cánh mũi con phập phồng, khi đó nếu con chưa ra đời thì chỉ vừa tròn 37 tuần thai, nhìn con vẫn yếu mềm nhưng tràn trề nhựa sống. Và trong một giây nước mắt mình tuôn rơi, dường như có một điều gì đó vừa vỡ ra trong lòng. Một đoá hoa đang nở. Con đã suýt đi qua khung cửa hẹp nhưng giờ con đang ở đây trong tay mẹ. Con là ông Bụt nhỏ của mẹ. Nhịp thở của con mới sống động và đẹp đẽ làm sao.

Sau hai tuần trong NICU thì con được về nhà.

Và trong chớp mắt, một năm đã đi qua.

Một năm nhìn con lớn lên, không còn tí gì gợi nhớ đến đứa bé nhỏ xíu và đau ốm ngày nào, chỉ một năm trước thôi mà dường như đã lâu lắm rồi. Và câu chuyện này mình cũng đã để đó trong lòng cả năm, có lẽ giờ đây khi nhìn con trộm vía thật là bụ bẫm và cứng cáp thì mới kể ra mà không còn cảm thấy ớn lạnh!

Mong con lớn lên thật khoẻ mạnh, vững chãi như tùng như bách. Cục cưng của mẹ

Mùa xuân yên lặng by Phuong Nguyen

Đọc lại Mùa Xuân Yên Lặng (Silent Spring) của Rachel Carson - cuốn sách nói về sự hủy diệt thầm lặng của thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng, và sự tàn phá mang tính dây chuyền chúng để lại trong hệ sinh thái tự nhiên mà con người chỉ là một phần nhỏ bé trong đó. Khi viết cuốn sách này Rachel Carson biết rằng bà đang đối đầu với những nhà tài phiệt đầy quyền lực đứng sau các đế chế hoá chất, bà đã bị đe doạ, bị bôi nhọ, hạ nhục, nhưng bà đã không chùn bước và đưa cuốn sách đến với công chúng bằng mọi giá. Một trong những đọc giả say mê nhất của bà chính là tổng thống John F. Kennedy, ông đã sử dụng cuốn sách này như nguồn tư liệu chính để cải cách bộ luật bảo vệ môi trường, vạch trần những hoá chất độc hại gần như là vũ khí hoá học núp bóng thuốc diệt sâu chứa đầy thạch tín mà trong đó đứng đầu là DDT. Cuốn sách này, đến nay đã 60 năm đi qua, vẫn còn nguyên sức ảnh hưởng và những lời dự đoán của bà ngay đầu cuốn sách dường như hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực, một khung cảnh thê lương đầy ảm đạm chết chóc, một thế giới nơi gà không thể đẻ trứng, gia súc chết hàng loạt những con sông không một con cá, và hoa màu, cây trái khô héo như thể lửa vừa liếm qua...

"Không phải ma thuật, không phải kẻ thù nào đã tấn công chúng ta đến nỗi sự sống thôi không còn có thể sinh sôi trong thế giới điêu tàn này. Chúng ta đã tự giết chính mình."

Đầu năm nay mình đã có một chút trải nghiệm cái mùa xuân yên lặng đó khi hoa mơ nở sớm. Không bị cước giá đột ngột như năm trước khiến hoa đông cứng rồi hoại tử, đây là một trong những kì nở hoa đẹp rực rỡ nhất mình từng thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có một con ong nào vây quanh. Một cảnh tượng thoạt trông không có gì nhưng càng lâu càng thấy kì dị và ớn lạnh khi ta nhận ra một điều gì đó rất bình thường nay đột ngột biến mất.

Mùa xuân yên lặng... không có tiếng đập cánh của loài thụ phấn, là một mùa xuân chết chóc.

Bạn có biết 10 năm về trước, các nhà khoa học Anh từng bị Thụy Điển lên án là lũ trộm cướp vì họ muốn mang 100 con ong chúa bumble bee về nước Anh, nơi loài ong này đã tuyệt chủng?

Chỉ riêng tại Mỹ trong năm 2021, 45% colony ong mật đã biến mất. Điều này tương đương với thiếu hụt lương thực vì 2/3 cây trái ta nhìn thấy trong siêu thị là nhờ công của loài thụ phấn.

Và ở tỉnh Tứ Xuyên tồn tại một công việc gọi là "người thụ phấn" vì loài ong không thể tồn tại ở đây nữa, con người phải thay chúng làm công việc đó.

Rất may là sự trật nhịp đầu năm nay khá ngắn, hơn tuần sau thì những con ong đầu tiên thức dậy, rồi chẳng mấy chốc mà cả colony dần kéo đến. Cây mơ sai quả, cả nhà mình vui.

Nhưng chẳng có gì đảm bảo sự lỗi nhịp này sẽ không kéo dài ra dần trước những biến đổi khí hậu không lường trước được. Thực tế là từ vài năm nay rồi, khí hậu năm nào cũng khác, năm thì quá ấm, năm quá lạnh, đợt sóng nhiệt hè nào cũng "phá kỉ lục" năm trước, không còn dự đoán được nữa. Sự thay đổi này chưa bao giờ chậm lại nhưng chúng đang tăng tốc đến nỗi ta có thể cảm nhận, nhìn thấy và đôi khi, run rủi thay, trở thành nạn nhân của nó.

Mùa xuân yên lặng đang tiến đến. Bạn có sợ không?

Nhất giác by Phuong Nguyen

Phác hoạ một góc giàn nho với mực mài (13.5 x 41cm)

Vẽ xong một tranh lớn thì luyện tập với tranh nhỏ để "hồi sức". Không cần gì nhiều, mẩu giấy dư sau khi cắt khổ tranh lớn và một nghiên mực là đủ. Phần lớn bức vẽ nhỏ này sử dụng thủ pháp Nhất Giác 一角, là lối vẽ được danh hoạ Nam Tống Mã Viễn sáng tạo và đạt đến sự điêu luyện tài tình. Trái với lối vẽ màu nước cổ điển phương Tây thiên về tả thực, chồng nhiều lớp láng mỏng lên nhau để tạo chiều sâu, bút pháp Nhất giác nghĩa là chỉ một nét, không day đi day lại, nên là một bài luyện tập cần nhiều sự tập trung. Đang vẽ mà con bò đến kéo váy là giật mình thon thót. Mỗi lần tập vẽ mực là thấy....mệt vì phải tập trung thời gian dài, nhưng đồng thời cũng thấy được sự phóng túng tự tại trong tâm thế không chuẩn bị trau chuốt, không cầu kì.

Trong một khảo cứu không còn nhớ tên về Thiền và mỹ thuật xưa, hoạ nhân sẽ ngồi thiền trước vật anh ta muốn vẽ, ví dụ là một bụi trúc. Người đó phải nhìn ngắm thật lâu, học hỏi từng đốt trúc, cách từng mầm lá trổ ra, cách bụi trúc và tàn lá đung đưa xào xạc, cho đến khi nhắm mắt lại cũng có thể nhìn thấy bụi trúc đó hiện ra sống động, anh đã hoàn toàn trở thành bụi trúc. Đó là khi anh ta đứng dậy và bắt đầu cầm bút lên mà vẽ.

Càng học hỏi thêm về mỹ thuật xưa càng thấy rõ một điều là không có cái gì mới dưới gầm trời này. Những gì từng mang tính đột phá trong thế kỷ 17 đều là sự kế thừa và phát triển từ xa xưa hơn nữa. Trước khi đạt đến trình độ hoạ sư thì họ cũng từng là môn sinh, ngày ngày vùi đầu trong sách, kiên trì tập luyện, tái hiện những bức hoạ từ người xưa hơn nữa. Bao nhiêu tác phẩm đã chìm vào quên lãng dưới lớp trầm tích của thời gian, không ai biết đến? Ngay cả khi thoạt trông không liên quan gì đến phong cách bạn theo đuổi, hãy cứ luyện tập, vì chúng đều ở trong bạn thôi chẳng phí hoài gì cả.

Chiếu theo lời dặn dò từ một hoạ sĩ mình rất quý trọng, "Hãy học hỏi các thiên tài hạng A,B,C để một ngày mình lên hạng L,M...chớ có học hỏi hạng tầm tầm để rồi rớt hẳn xuống X,Y,Z."

Lập Hạ by Phuong Nguyen

"Ốc đảo mùa hạ / Summer Oasis"
Màu và mực trên giấy nhuộm thạch lựu
Color and ink on pomegranate dyed paper.

-

Một kỷ niệm từ mùa hè khi tình cờ tìm thấy vườn sinh thái ở trong khuôn viên trường đại học kề bên trung tâm phố cổ Bologna. Thật khó tin khi chỉ đi vài bước vào sâu trong vườn mình như lạc vào một thế giới khác, cái nóng ẩm mùa hè bị che lại dưới bóng hàng cây bạch dương đại thụ, tiếng động cơ xe máy rì rầm như vọng về từ một nơi rất xa, bên tai chỉ còn tiếng lá cây xào xạc, tiếng dế rỉ rả và dàn đồng ca đinh tai nhức óc từ loài ễnh ương, ếch nhái đang mùa giao phối gọi bạn tình. Chúng giấu mình dưới những tấm lá sen, giữa hàng lau sậy và diên vỹ vàng, đong đưa trong không trung là bữa trưa thịnh soạn sẵn sàng: chuồn chuồn kim và những con bướm bắp cải.

Giữa lòng đô thị sầm uất mà được đắm chìm trong một khung cảnh mô phỏng gần nhất với hệ sinh thái tự nhiên, nơi sinh vật và cây cỏ được sống đúng vòng đời tự nhiên của chúng là một trải nghiệm gợi lên nhiều suy tư. Ngoài kia là một thế giới khắc nghiệt nơi chúng sẽ chết khi ngày còn chưa hết. Loài lưỡng cư dù rất cổ xưa và đã tồn tại qua bốn cuộc đại tuyệt chủng nhưng nay lại là loài dễ tổn thương nhất và đang tiến dần đến bờ vực diệt vong. Những con ếch nhỏ trong cái ao nhân tạo này đâu biết chúng là một vài cá thể may mắn được chọn.

Hồi xưa người ta vẽ tranh hoa điểu, bốn mùa để ca tụng cái đẹp của tự nhiên, nhưng giờ đây khi vẽ chủ đề này trong lòng chỉ thấy vương vấn nỗi buồn. Tự nhiên thật đẹp, mà cũng quá mong manh.