Cây Ô-liu
Tawfiq Zayzad
Chuyển ngữ tiếng Anh bởi Sulafa Hijjawi
----
Bởi vì tôi không đan len
và luôn luôn bị săn đuổi
còn mái ấm thì không ngừng bị đột kích
Bởi trong tay không một mẩu giấy
nên tôi sẽ khắc những dòng ký ức này
lên thân cây ô-liu trước hiên nhà.
Tôi sẽ khắc nên nỗi niềm cay đắng
khung cảnh của yêu thương và khát vọng
những điền trang cam bị tước đoạt
và nấm mồ thất lạc cho chính mình.
Tôi sẽ khắc nên muôn vàn đấu tranh
chỉ để cho thỏa lòng nỗi nhớ
rồi đến lúc tất thảy sẽ chôn vùi
dưới trận tuyết lở ngày chiến thắng
Tôi sẽ khắc nên từng mã số
của những vùng đất bị tước đoạt
cùng nơi chốn làng xưa trên bản đồ.
Và những căn nhà nổ tung
những rặng cây bật gốc
những đóa hoa nát vụn
và tên của những bậc thầy tra tấn
tên của những nhà tù...
Tôi sẽ khắc nên sự dâng hiến
cho guồng ký ức dệt đến thiên thu
và những luống đất nhuốm đầy máu
Nơi thành Deir Yasin và Kufur Qassem**
Tôi sẽ khắc nên cái vẫy tay của mặt trời
và bao lời thầm thì của ánh trăng
nỗi hoài niệm khi sơn ca cất tiếng
và tình yêu trong miệng giếng cạn khô.
Tôi sẽ tiếp tục khắc ghi
chỉ vì bản thân còn muốn nhớ
Những chương buồn thảm kịch cuộc đời
Và từng hồi của Đại họa Al-Nakbah***
Trên thân cây Ô-liu trước hiên nhà!
----
Chuyển ngữ tiếng Việt: Hoài Phương
Dầu Ô-liu ngày nay được xem là đặc sản thượng hạng của Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp, một phần không thể thiếu trong ẩm thực Địa Trung Hải nơi người dân ở đây dùng dầu như uống nước nhưng thực ra, loài cây này vốn có xuất xứ từ vùng Tiểu Á: Iran, Syria và Palestine, và khoảng 6000 năm trước dần dần lan ra, trải rộng khắp bình nguyên Địa Trung Hải. Cây Ô-liu có tuổi thọ rất cao, trung bình 500 năm và có thể thọ đến 1500 năm tuổi. Palestine từng là một vùng đất màu mỡ nông nghiệp với những rặng ô-liu mênh mông trải dài, và cũng giống với nông dân Ý bây giờ, người dân Palestine có một sự gắn bó sâu sắc với những vườn ô-liu đã gắn bó bên gia đình họ qua nhiều thế kỷ. Trong hành trình "dựng quốc", binh lính Israel đã đốt và đào bật gốc vô số những cây ô-liu hàng trăm, nghìn năm tuổi, để người nông dân không còn kế sinh nhai phải bỏ xứ mà đi. Hình ảnh cây olive vì vậy, thường xuất hiện trong băng rôn, biểu ngữ, thi ca của người Palestine như một biểu tượng phản kháng.
*Tawfiq Zayzad (1929 - 1994) chính trị gia, thị trưởng thành phố Nazareth và là "nhà thơ phản kháng" người Palestine.
** Deir Yasin và Kufur Qassem: Hai thành phố từng xảy ra cuộc thảm sát dân thường Ả rập Palestine, một do lực lượng bán quân sự Israel, một do cảnh vệ biên giới xả súng giết chết gần 200 người trong cả hai sự biến, trong số tử nạn có phụ nữ, trẻ em và bào thai.
*** Al-Nakbah: Trong tiếng Arab Nakbah có nghĩa là Đại Họa, và trở thành tên gọi cho sự biến 1948 khi 750 ngàn người Ả rập Palestine (ước tính 80% dân số thời bấy giờ) đã rơi vào tình cảnh lưu vong. Lực lượng vũ trang Israel đã cướp bóc, đốt phá và san bằng 500 làng mạc phố xá Ả Rập, xóa tên chúng khỏi bản đồ và ép những người địa phương này phải chạy đến những quốc gia lân cận. Israel sau đó ban luật cấm những người lưu vong này không được phép quay lại Palestine và tịch thu đất đai của họ "sung công quỹ"
nguồn ảnh: @readalittlepoems