Japanese Art

ITO JAKUCHU Phần 2: Tình bạn với tu sĩ Daiten và Doshoku Sai-e by Phuong Nguyen

Bên cạnh con đường nghệ thuật mà Ito Jakuchu đã dành trọn cuộc đời theo đuổi, cần kể đến con đường tu hành mà ông đã lặng lẽ bước đi từ trước khi nhận ra thiên hướng hội họa. Bẩm sinh là người có thiên hướng cô độc, thời còn trẻ ông khước từ những thú vui trần thế, không thích giao du tiệc rượu, trai gái, và cơ nghiệp gia đình ông được thừa kế lại đòi hỏi Ito Jakuchu trở thành con người hoàn toàn trái ngược bản chất. Sau một lần ông lui về ở ẩn sâu trong vùng núi Tamba, một toán gian thương đã âm mưu cướp lấy hàng rau Masugen khi người thừa tự không có mặt ở đó. Jakuchu không hề mong muốn rằng lối sống của mình gây phiền hà kẻ khác, nên khi vừa nhận được tin, ông tức tốc quay về Kyoto và thậm chí viện đến các cận thần của Shogun để dàn xếp những tranh chấp này. Gần hai thập kỷ sau đó, Ito Jakuchu dành toàn tâm toàn trí cho cơ nghiệp gia đình, mặc dù lối sống này là một gánh nặng tinh thần không hề nhỏ đối với con người chỉ muốn lánh xa trần thế. Như một kết quả hiển nhiên, ông tìm đến Phật giáo và cuộc sống tu hành đã an ủi linh hồn ông, nuôi dưỡng tình cảm trong ông, mang đến những cảm hứng sâu sắc mà sau này sẽ định hình đường lối nghệ thuật của ông. 

Vào độ tuổi 30, trong những ngày nhập môn tu tập Ito Jakuchu đã gặp người bạn thân và cũng là người hướng dẫn ông trên con đường tu hành: tu sĩ Rinzai (Lâm Tế tông) Dai Ten (1719 – 1801) Đây là một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời Ito Jakuchu, bởi Daiten không chỉ là người đã chỉ dạy Ito Jakuchu về Phật Pháp, Thiền học, ông còn là người viết biên khảo về Jakuchu dựa trên những quan sát và trao đổi tâm tình với người bạn thân của mình. Toàn bộ những nghiên cứu về Jakuchu hiện nay khá chi tiết và đầy đủ đều nhờ vào những văn bản mà Daiten để lại. Có thể nói, nếu không có Daiten, hẳn số phận của Ito Jakuchu đã hoàn toàn khác và hậu thế sẽ chẳng biét đến một họa gia kiệt xuất như thế. 

Cuối những năm 30 tuổi, chỉ vài năm trước khi người em Hakusai trưởng thành tiếp nhận hàng rau Masugen, Ito Jakuchu chuyển về sống tại dinh thự thuộc sở hữu của gia tộc bên dòng sông Kamo. Từ đây, phóng tầm mắt về phía đông là những triền đồi xanh mướt ở Higashiyama, dọc theo đó là con nước sông Kamo xuôi về phương nam bên cạnh cố đô tấp nập với những con phố thẳng tắp như bàn cờ. Xưởng vẽ này được ông dặt tên là  Shin’enkan, với chữ Shin nghĩa là “Tâm" và “en" là “viễn", mượn ý từ một câu thơ trong bài “Ẩm Tửu" được chấp bút bởi thi nhân nổi tiếng thời Tấn và Lưu Tống mang tên Đào Tiềm.  

Kết lư tại nhân cảnh, 
Nhi vô xa mã huyên. 
Vấn quân hà năng nhĩ? 
Tâm viễn địa tự thiên. 

Nhà cỏ giữa nhân cảnh, 
Không thấy ồn ngựa xe. 
Hỏi ông: "Sao được vậy ?" 
Lòng xa, đất tự xa. 

Chính tại nơi này, trong một thập kỷ tiếp theo ông sẽ dành trọn thời gian và tâm trí để hoàn thành kiệt tác để đời của mình. 

Xuyên suốt sự nghiệp Ito Jakuchu, chủ đề mà ông khai thác sâu rộng, gây được tiếng tăm lẫy lừng chính là những bức tranh đầy màu sắc về gà trống. Phần lớn những tranh hoa điểu thuộc trường phái Kano, Rinpa thời gian này kỹ thuật điêu luyện nhưng đều thể hiện chim muông trong trại thái “tĩnh", các tư thế của chúng thường tôn trọng quy ước và không có nhiều sự khác biệt giữa những loài khác nhau. Ito Jakuchu, là người học trực tiếp từ tự nhiên thì cho rằng mỗi loài gia cầm không chỉ đa dạng về hình dáng, lông vũ mà còn ở cách chúng giang cánh, bước đi, cái tinh túy của mỗi loài chính là ở sự khác biệt này... Nghiên cứu sâu rộng, tỉ mỉ đến cách sắp xếp từng chiếc lông vũ, ông chọn thể hiện chúng trong trạng thái “động", khi chuyển động của chúng dường như bị ngưng lại trong khoảnh khắc.  Tương truyền cảm hứng cho bộ tranh Doshoku Sai-e đã đến từ chính đàn gà được nuôi trong vườn nhà, ông đã nói với tu sĩ Daiten rằng: “những chiếc lông vũ của loài gia cầm tầm thường được nuôi thả đầy nơi thôn quê làng xã này mới rực rỡ và đẹp đẽ làm sao, ta sẽ bắt đầu tất cả từ đây.” 

Thông tin đầu tiên về bộ tranh này được được ghi nhận vào năm 1760, tu sĩ Daiten đã viết một thông báo đến giới mộ điệu rằng Ito Jakuchu sẽ vẽ nên ba mươi bức tranh hoa điểu để truyền lại cho hậu thế, và 15 bức đã hoàn thành. Chính Daiten là người đặt tên, viết lời giới thiệu cho từng bức tranh. Ito Jakuchu là người không hoạt ngôn, kín tiếng, nhưng nhờ có Daiten hiểu rõ tâm tư và tài năng của người bạn thân không tiếc lời ca ngợi mà danh tiếng về bộ tranh đã lan tỏa nhiều năm trước khi hoàn thành. Trong một biên khảo, ông đã trích dẫn lời Ito Jakuchu trong quá trình vẽ nên bộ tranh Doshoku Sai-e: 

“Những thứ ta gọi là tranh bây giờ chẳng khác gì bản sao của những bản sao, tôi chưa từng thấy một bức tranh được vẽ dựa trên những sinh vật sống. Các họa gia đương thời chỉ nghĩ xem với những kỹ thuật cóp nhặt được thì nên vẽ làm sao để tranh bán chạy, nhưng tôi đến nay vẫn chưa thấy một ai thể hiện được một kỹ thuật và tinh thần siêu việt. Tôi khác họ, bởi tôi có những khát vọng cao cả hơn thế.” 

Sau đó, Daiten chia sẻ thêm rằng, “Jakuchu không có một tài năng nào hơn ngoài hội họa, ông không có tham vọng nào khác, cũng không bày tỏ sự hứng thú với lạc thú ở đời mà chỉ ngày ngày nỗ lực rèn luyện bản thân, mong muốn qua những bức tranh này ta có thể chạm đến một thế giới huyền ảo. Chính vì thế mà Jakuchu có thể tái hiện thật chân thực và sinh động muôn loài, không chỉ hình dáng bên ngoài của chúng mà cả linh hồn tiềm ẩn bên trong. Để thể hiện được sức sống của chúng, ông khéo léo sắp đặt bố cục, tập trung vào từng chi tiết nhỏ bé với những màu sắc đẹp đẽ và rực rỡ nhất. Cung cách làm việc này, là cái mà những thợ vẽ ta đấy đầy rẫy ngày nay không thể nào sao chép nổi.” 

Bộ tranh Doshoku Sai-e gồm có ba bức Thích Ca Tam Thánh và 30 tấm tranh lụa lớn thể hiện muôn loài rực rỡ được vẽ theo phong cách tranh hoa điểu của hội họa cung đình Trung Hoa. Trong bộ tranh này vốn có thêm vài tác phẩm thủy mặc, nhưng đến cuối cùng Ito Jakuchu đã loại chúng ra và chỉ tập trung vào tranh màu sử dụng màu khoáng vẽ trên mặt lụa. Khác với các tác phẩm chủ đề tôn giáo thường khắc họa chân dung chư Phật mười phương, cõi Tịnh Độ cùng các điển tích Phật Giáo, các sinh vật huyền thoại cao quý như long phụng... các bức tranh của Ito Jakuchu lại hướng về một thế giới tự nhiên gần gũi hơn với con người trần thế. Đặt chúng trong một khung cảnh mô tả lại bầu sinh quyển tự nhiên, ông khắc họa các loại gia cầm từ gà, vịt ngỗng đến các loài biết bay chim như sẻ, chìa vôi, bên cạnh đó còn có côn trùng, lưỡng cư, các sinh vật hải dương gồm các loài cá thường gặp quanh vùng biển Nhật Bản và loài giáp xác. Ito Jakuchu vốn sinh trưởng ở phố chợ tấp nập hàng rau hàng cá nên hẳn từ đây ông có được đôi mắt quan sát tự nhiên sắc sảo, nhưng bên cạnh đó bộ tranh này còn cho thấy tư tưởng Thiền trong ông, khi ông chọn thể hiện những sự vật mắt thấy tai nghe, những sinh vật bé nhỏ mà ta thường lướt qua trong cuộc sống thường nhật.  

Ito Jakuchu bắt đầu vẽ bộ tranh vào khoảng năm 1755 và ông mất ba năm để hoàn thành 12 bức tranh đầu tiên, 12 bức tiếp theo cùng bộ Thích Ca Tham Thánh (gồm có ba bức tranh rời thể hiện Đức Thích Ca Mâu Ni ngự trên đài sen, bên cạnh là Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử xanh và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà) trong vòng 4,5 năm sau đó, và vào khoảng năm 1770, ông hoàn thành 6 bức cuối cùng. Bộ tranh Thích Ca Tam Thánh, theo lời Ito Jakuchu, là lâm mô tác phẩm cùng tên của một họa gia chuyên vẽ tranh Phật thời Tống tên Chang Ssu-kung. Bộ tranh được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1775 tại tu viện Shokokuji, nơi Daiten trụ trì. Bộ Thích Ca Tam Thánh được treo ở trung tâm và 30 bức còn lại xung quanh trong đại điện, ngụ ý muôn loài quây quần cùng nhau ca tụng cõi Tịnh Độ và những bài giảng của Phật Thích Ca. Đây là một motif khởi nguồn từ thời Kamakura, và hẳn Ito Jakuchu đã dựa theo đó để thực hiện bộ tranh của mình ở một quy mô vô tiền khoán hậu. 33 bức tranh tổng cộng cũng là một con số quan trọng trong Phật Giáo, bởi Quán Thế Âm Bồ Tát vốn được thờ phụng rộng rãi trong thời Edo cũng có 33 hóa thân. Là một cư sĩ, Ito Jakuchu hẳn không ngẫu nhiên mà chọn hoàn thành bộ tranh với con số này. 

Trong chứng thư mà có lẽ Daiten đã chấp bút thay cho người bạn của mình (Ito Jakuchu khá vụng về chữ nghĩa) có nêu lên rằng, “Từ khi nhe nhóm ý tưởng trong đầu, tôi đã biết rằng bộ tranh Doshoku Sai-e này không để dành cho thế giới trần tục (có lẽ ý ông là không để buôn bán nhằm sinh lợi cho bản thân) mà dể dâng lên chư thần. Nay tôi xin dâng toàn bộ bộ tranh này đến thiền viện Shokokuji, mong rằng với sự bảo hộ của thiền viện bộ tranh này sẽ được gìn giữ cẩn thận cho hậu thế.” 

Bên cạnh đó, ông còn có một yêu sách nhỏ là sẽ được chôn cất tại Shokokuji sau khi qua đời. Quyết định dâng tặng bộ tranh này đến thiền viện và mong muốn được an táng tại đó có lẽ đến từ cái chết đột ngột của người em trai Sojaku, bởi chứng thư kia được viết chỉ 11 ngày sau tang lễ. Là một Phật tử, Ito Jakuchu có lẽ đã rất trăn trở về cuộc đời hữu hạn này và muốn chuẩn bị hậu sự của mình thật chu đáo để ông có thể an lòng tập trung vào công việc sáng tạo trong những tháng năm còn lại của cuộc đời. 

Sau sự kiện ra mắt bộ tranh tại thiền viện Shokokuji, danh tiếng của Ito Jakuchu nay càng lan xa, vô số họa nhân cùng thời và các ngài chức cao trọng vọng đã thân chinh đến tận Kyoto để tận mắt chiêm ngưỡng. Một trong số những người mến mộ tài năng của ông là hoàng tử Nikko Jungogu Kojun, con trai Thiên Hoàng Nakamikado. Hoàng tử từng theo học Hán văn từ Daiten và khi biết đến bộ tranh Doshoku Sai-e, ông đã đến thăm thiền viện vào năm 1783, toàn bộ các bức tranh vốn ngày thường được cuộn lại và bảo quản trong kho bảo vật đã được treo lên để hoàng tử thưởng lãm. 

Bộ tranh Doshoku Sai-e may mắn còn nguyên vẹn sau trận đại hỏa hoạn năm 1788 và một cơn địa chấn khủng khiếp vào năm 1830. Tuy nhiên thiền viện Shokokuji đã bị hủy hoại phần lớn, dù được phục dựng nhưng không bao giờ có lại sức ảnh hưởng lớn rộng khi xưa. Vào năm 1889, thị trưởng Kyoto đã quyết định trao tặng toàn bộ 33 bức tranh Doshoku Sai-e đến Hoàng Gia Nhật Bản, như một lời cảm tạ sau khi Hoàng Gia chi một khoản tiền lớn để tu bổ thiền viện Shokokuji. Điều này có nghĩa rằng không những bộ tranh nay sẽ được bảo tồn thật chu đáo, nó sẽ không rơi vào tay người ngoại quốc. Theo một số ghi chép, hai nhà sưu tập lớn đến từ phương Tây là William Sturgis Bigelow (Người sưu tập rất nhiều tác phẩm khác của Ito Jakuchu và là người đầu tiên trưng bày các bức tranh của ông tại Bảo tàng mỹ thuật Boston) và Ernest Fenollosa đã từng đề nghị mua lại bộ tranh Doshoku Sai-e nhưng trụ trì khi đó của Shokokuji đã kiên quyết từ chối. 

Năm 1926 là năm đầu tiên bộ tranh này được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng Gia Nhật Bản mở cửa rộng rãi đến công chúng. Và năm 1989 là năm đầu tiên tại Mỹ có một triển lãm quy mô lớn dành riêng cho một họa gia Nhật Bản - Ito Jakuchu, 13 trong số 33 cuộn tranh được trưng bày, mở đầu cho những nghiên cứu sâu rộng hơn về cuộc đời Jakuchu, góp phần đưa tên tuổi của ông và bộ tranh Doshoku Sai-e ra khỏi biên giới nước Nhật.  

Lá Chuối - Itō Jakuchū 伊藤若冲 by Phuong Nguyen

"Lá chuối", 1790s
Itō Jakuchū 伊藤若冲

Vào những năm 1790, Jakuchū đã hơn 70 tuổi.

Dù là một hoạ sư danh tiếng bậc nhất ở cố đô, khách hàng của ông thường trong giới văn nhân quý tộc, chỗ bạn bè thân hữu nhiều học giả, thiền sư, Jakuchū về già không sống cuộc đời phong lưu mà lại nhiều phần khổ cực.

Vụ cháy lớn vào năm 1788 tàn phá cố đô Kyoto đã thiêu rụi hàng rau gia truyền vốn là chỗ dựa kinh tế lớn nhất để ông toàn tâm mà theo đuổi hội hoạ từ khi còn trẻ. Mẹ mất, em trai mất, nhà cửa cơ nghiệp không còn. Thật may mắn nhờ có những người bạn vong niên mà phần nhiều là thiền sư, trụ trì tại nhiều ngôi chùa lớn tại Kyoto, ông vẫn còn nơi an trú, tuy vậy để tiếp tục nuôi sống bản thân ông buộc phải nhận thêm nhiều lời yêu cầu vẽ tranh mới. Ở tuổi 75, ông vẫn thường xuyên đi lại giữa Kyoto đến Osaka để vẽ tranh đặt hàng, nhỏ thì vài bức tranh cuộn treo trong trà thất, to thì mấy tấm cửa trượt, bình phong. Cho đến khi những chuyến đi này khiến ông thấm mệt rồi đổ bệnh, Jakuchū mới nhận ra nay ông đã già rồi không thể nhận lời đi xa được nữa, và có lẽ cũng đã quá yếu để vẽ những bức tranh to lớn lộng lẫy vốn cần nhiều thời gian và sức lực. Ông chuyển vào sống hẳn trong chùa Sekihoji vào những năm cuối đời. Thời gian này ông vẽ nhiều tranh thủy mặc, bút pháp phóng túng trừu tượng, thiên về tả ý, đôi khi ông vẫn sáng tác thêm vài bức tranh màu để đôi tay trí óc không quên đi những ngón nghề điêu luyện ngày cũ. Và ông còn có thêm vài học viên với nghệ danh lấy cảm hứng từ tên ông: Jakuen, Ichū và Sochū. Họ phụ giúp ông trong việc sinh hoạt ngày thường, chuẩn bị dụng cụ vẽ tranh, đồng thời cũng học hỏi những kiến thức từ người thầy của mình để phong cách của ông không thất truyền.

Một sự thú vị là vào những năm cuối đời này, Ito Jakuchu thường dùng nghệ danh beito-o, có nghĩa là một ông già vẽ tranh để đổi lấy gạo. "Bei" là gạo, "to" là đơn vị đo lường tương đương 18lt, và "o" là một ông già. Thật khó tưởng tượng một hoạ sư được kính trọng nhất tại Kyoto lại có một nghệ danh khiêm nhường như vậy! Nhưng xét lại phần lớn cuộc đời ông đã thường tránh xa phồn hoa phố thị, nhiều phần ẩn dật, lại là một Phật tử, nghệ danh này phản ánh tâm tư một người hiểu rõ cái tài mình có sau cuộc đời dài cần mẫn lao động nhiều cống hiến, dù giao du với tầng lớp quý tộc tăng lữ nhưng đôi chân chạm đất không tự phụ nghĩ rằng mình thanh cao sống trên những khốn khó căn bản đời người như cơm ăn, áo mặc. Nó cũng hé lộ cách ông nhìn nhận hoàn cảnh mình lúc bấy giờ, già yếu hàn vi, nhưng vẫn hóm hỉnh, nhẹ nhàng.

Bức lá chuối này, có lẽ là một trong những bức tranh ông được đặt hàng vẽ để trang trải tuổi già đó.

Điều mình yêu thích nhất là chú giải về dấu triện son ở góc trái bên dưới, được in rất mềm gần như lẫn trong gân lá để sự hiện diện của nó không quá nổi trội, như một lời tâm tình của tác giả gửi đến ai nhìn ra nó. Senga zeppitsu 千画絶筆, có thể hiểu là "Hàng ngàn bức tranh, mỗi bức tôi đã vẽ như thể đó là tác phẩm cuối trong cuộc đời này"

柿渋 Kakishibu - Màu nâu ấm áp của quả hồng xanh by Phuong Nguyen

Từ khi vẽ bộ tranh minh họa Haiku vào đầu năm 2020, mình bắt đầu ứng dụng kỹ thuật nhuộm với nước trà vào các bức tranh để “lên tuổi” giấy nhằm đạt được cảm giác xưa cũ - wabisabi, và từ đây niềm hứng thú với những sắc nhuộm tự nhiên cổ xưa dần nảy nở. Ghi chép lại là một cách học sâu hơn. Các bài viết và hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn, có trích dẫn cụ thể ở cuối bài.

Sakai Hōitsu, Persimmon Tree - 1816. Đọc thêm tại MetMuseum

Sakai Hōitsu, Persimmon Tree - 1816. Đọc thêm tại MetMuseum

柿 Kaki - quả hồng, 渋 Shibu - nghĩa là vị chát (astringent, là cảm vị thứ 6 của vị giác theo kinh Vệ-Đà Ayurveda. Nó diễn tả cảm giác khô hanh trong khoang miệng, lưỡi tê lấm tấm khi ta nếm phải những thứ có chứa tannin, như trà, rượu, quả lựu, hoặc là vị quả hồng chưa chín)

Ở Nhật thường gặp nhất có lẽ là cây anh đào, sau đó là đến cây mận, rồi là cây hồng. Về những miền thôn quê Nhật Bản, ta dễ gặp hình ảnh cây hồng trĩu quả mỗi độ thu về ở sân sau vườn nhà, đôi khi chúng mọc dại quạnh quẽ giữa những cánh đồng hoang, hay lang thang ở bìa rừng nơi những quả hồng chín như những chấm màu đỏ chu sa rực rỡ trên cảnh sắc ẩm ướt và lạnh lẽo khi mùa đông chớm đến. Quả hồng chín thơm mềm, ngọt ngây, chắc chắn đủ khiến cảm vị của con người phải ngây ngất mê. Nhưng vị ngon chỉ là một trong những lí do khiến cây hồng được trồng đại trà như vậy. Những quả hồng xanh non tạo ra thứ thuốc nhuộm đặc sắc, kì diệu phủ màu nâu trầm lên mọi thứ từ giấy vẽ, vải vóc đến đồ nội thất gỗ, là một màu sắc đẹp đẽ và đặc trưng trong thẩm mỹ Nhật Bản.

Kakishibu là một kỹ thuật nhuộm tự nhiên và cổ xưa đã có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản từ thế kỷ 13, được chiết xuất từ quả hồng non phơi khô, nước nhuộm được nấu từ những quả hồng đây rồi sẽ được thanh lọc và cô đọng, rồi để cho chúng lên tuổi từ 2 đến 5 năm mới sẵn sàng được đưa vào ứng dụng. Về mặt cơ học, kakishibu chứa nhiều tannin giống như nước trà, vì thế nó không hẳn là một loại thuốc nhuộm bởi màu nâu của kakishibu là do những phân tử tannin kết hợp với nhau rồi phủ lên sợi tơ chứ không không bện vào như những loại thuốc nhuộm khác. Chính xác hơn nó là một lớp phủ. Và cũng chính vì tannin, những sản phẩm được nhuộm từ kakishibu có một khả năng rất nhiệm màu: lên tuổi cùng với thời gian. Để càng lâu màu nâu trầm của kakishibu càng trở nên tinh tế và sâu lắng, khác với khi ta vừa lấy chúng ra khỏi bể thuốc nhuộm, và chính nhờ đặc trưng này mà nhiều trà thất hay tư phòng dùng tranh trang trí, thậm chí là giấy shoji dát cửa đã qua nước nhuộm hồng chát, bởi nó mang lại một cảm giác ấm áp lặng yên, và chúng cũng như ta, đang thay đổi từng chút một khi thời gian đi qua.

Các sắc độ nhuộm kakishibu trên gỗ từ 1 - 7 lớp, lên tuổi 1 tháng

Các sắc độ nhuộm kakishibu trên gỗ từ 1 - 7 lớp, lên tuổi 1 tháng

Kakishibu được chiết xuất từ những quả hồng non khi chúng hẵng còn xanh, sau quá trình chưng cất, thành phẩm cuối cùng mang màu nâu trầm amber, nhờ vào tính phủ màu mạnh mẽ, không cần thêm chất cẩn màu (mordant) và khả năng kháng khuẩn cao, nó được ứng dụng rộng rãi từ các mặt hàng mỹ nghệ cho đến nông, ngư nghiệp. Không chỉ để nhuộm vải và giấy washi, nó còn được dùng như lớp lót (primer) cho các mặt hàng sơn mài Urushi truyền thống, nhờ có tính chống thấm nước nên nó còn được phủ lên dù wasaga, các loại nông cụ và lưới đánh cá để tạo một lớp màng bảo vệ tăng sức bền, chống côn trùng và mối mọt.

Một chiếc dù wasaga truyền thống làm từ tre và giấy washi được nhuộm kakishibu, vừa có một sắc nâu đỏ đẹp mắt, vừa chống thấm nước.

Một chiếc dù wasaga truyền thống làm từ tre và giấy washi được nhuộm kakishibu, vừa có một sắc nâu đỏ đẹp mắt, vừa chống thấm nước.

Giấy washi từ dâu tằm (kozo) được nhuộm với Kakishibu, chỉ nặng khoảng 110gsm, và kích cỡ vào khoảng 96 x 180cm, nhưng có giá đến ¥16,940.00 Yen (Khoảng 170$) Xem thêm tại trang Ozuwashi

Giấy washi từ dâu tằm (kozo) được nhuộm với Kakishibu, chỉ nặng khoảng 110gsm, và kích cỡ vào khoảng 96 x 180cm, nhưng có giá đến ¥16,940.00 Yen (Khoảng 170$) Xem thêm tại trang Ozuwashi

Kakishibu không phải là một loại thuốc nhuộm khó chế biến, không cần thêm hóa chất, không cần gia nhiệt (vốn được dùng cùng nhiều phương cách nhuộm khác) và không có nhưng cũng như người anh em tannin khác là rượu vang, quy trình lên men tự nhiên cần nhiều thời gian để đạt đến độ “chín” của riêng nó. Nhuộm Kakishibu đầu tiên và tất nhiên, ta cần có thật nhiều hồng non, phơi khô cho đến khi màu xanh ngả thành màu cam vàng đẹp mắt, rồi ta sẽ giã nát, dùng vải thưa bọc lại để tránh ruồi nhặng, để cho chúng lên men ít nhất 6 tháng, rồi chắt lọc dung dịch sau quá trình lên men đó, để cho chúng tiếp tục lên tuổi từ 5 - 7 năm. Quá trình lên tuổi này không dừng lại khi kakishibu được đóng gói, mà còn đồng hành cùng thứ sản phẩm chúng sẽ phủ màu để tạo nên màu sắc thâm trầm tuyệt đẹp của thời gian.

Là một chất nhuộm có gốc tự nhiên, không phản ứng hóa học, không sinh độc tố, kakishibu còn được dùng để nhuộm các túi lọc sake - 酒袋 Saka-bukuro - một loại túi được dệt từ sợi bông thô dùng để chắt lọc Shizuku sake hay còn gọi là “sake nhỏ giọt”, một loại sake hiếm thấy và đắt đỏ. Khác với quy trình tinh chế sake thông thường khi rượu được ép ra, với shizuku sake, nguyên liệu thô sau quá trình ủ lên men được cho vào túi lọc saka-bukuro, lợi dụng trọng lực để “ép” sake thơm ngon rơi ra khỏi chiếc túi ấy, từng giọt, từng giọt một. Cũng giống như rượu vang ngon dở còn nhờ vào loại gỗ tạo nên chiếc thùng nơi nó được ủ, chiếc túi dùng để lên men và chiết xuất sake cũng đóng một vai trò quan trọng. Kakishibu không chỉ tạo nên sắc nâu đẹp đẽ sang trọng như da thuộc, càng cũ càng đẹp, nó còn góp phần bảo vệ sợi bông và ắt hẳn cũng góp một phần hương vị vào những giọt sake ấy.

Túi lọc sake Saka-Bukuro truyền thống mang màu nâu trầm “signature” của nước nhuộm quả hồng. Xem thêm tại Nada-ken

Túi lọc sake Saka-Bukuro truyền thống mang màu nâu trầm “signature” của nước nhuộm quả hồng. Xem thêm tại Nada-ken

Kakishibu, cũng như các phương pháp nhuộm truyền thống có chiết xuất từ tự nhiên, dần thành thất truyền dưới sự bành trướng của sự cơ giới hóa và những phương pháp nhuộm hóa học tân tiến, linh hoạt và nhanh chóng hơn đến từ phương Tây. Vùng Onomichi tại Hiroshima từng là trong ba địa phương trồng hồng lớn nhất Nhật Bản và cũng là nơi phần lớn thuốc nhuộm kakishibu được tạo ra. Tuy nhiên sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhu cầu dùng thuốc nhuộm giảm dần, rất nhiều cơ sở sản xuất lâm vào cảnh phá sản, và như nhiều kỹ thuật truyền thống khác thường mang tính gia truyền, không còn ai kế thừa sẽ lâm vào cảnh tuyệt diệt. Người không còn, nhưng cảnh vẫn còn, rất nhiều cánh đồng trồng hồng dù không được chăm sóc vẫn sinh sôi mạnh mẽ, xung quanh Onomichi có rất nhiều hồng cổ thụ hơn 100 năm tuổi. Với xu hướng con người đang dần quay trở lại với thiên nhiên, kakishibu đang dần lấy lại sức sống cũ. Vào mùa thu hoạch, nô nức cảnh những trang trại nhỏ buôn bán hồng xanh, phơi chúng cho đến khi ngả màu cam mà thực vị vẫn còn đắng chát. Đối với địa phương Onomichi bây giờ, kỹ thuật chế tạo thuốc nhuộm cũng là một “tourist attraction” về mặt văn hóa. Bản thân nơi này cũng là một vùng hải cảng bên sườn đồi xanh mướt rất đẹp, có phần gợi nhớ đến eo biển Liguria ở Ý.

Kakishibu cũng được các nghệ sĩ đương đại theo đuổi cái đẹp phi tuyến tính và đậm tính truyền thống gìn giữ. Masamichi Terada (1935) là một nghệ nhân chuyên sử dụng màu hồng chát và ông thể nghiệm chúng trên nhiều chất liệu đa dạng từ sợi bông, dâu tằm đến lụa, tre nứa và cả đồ gỗ. Một ngày nọ vợ ông mang về một chiếc túi lọc sake và ông đã bị màu nâu trầm ấy mê hoặc. Ông nhận ra rằng những kiến thức về kakishibu đang dần mai một và khó tiếp cận bởi đại chúng, ông đã quyết tâm theo đuổi, học hỏi và bảo tồn kỹ thuật nhuộm truyền thống này. Dưới đây là một số tác phẩm do ông làm ra cùng với những quả hồng chát. Thật dễ hiểu vì sao ông lại đam mê sắc màu này đến thế.

Hiện nay, thuốc nhuộm Kakishibu có thể mua được dễ dàng trên các trang bán hàng đại chúng như Amazon Japan, etsy… hàng chính hãng nội địa đến từ địa phương Onomichi hẳn hoi với giá khá hạt dẻ. Kakishibu có nhiều lợi điểm:

  • đầu tiên là cô đọng, không cần phải ninh nấu hay thêm chất hóa học gì (với một người dốt hóa như Phương đây là một điểm cộng lớn) để cẩn màu, mà trái lại, ta phải pha loãng nó ra để đạt được sắc độ mong muốn bởi kakishibu cô đọng đủ mạnh để nhuộm gỗ.

  • Kakishibu là một thuốc nhuộm gốc nước, có thể rửa sạch tay hay cọ nhuộm dễ dàng, không cần dùng dung môi để gột rửa.

  • lợi ích tự nhiên, như chống thấm nước, chống mối mọt, nấm mốc, và đuổi côn trùng.

  • màu sắc lên tuổi cùng thời gian, không sợ hết hạn sử dụng, để càng lâu, màu nâu càng đẹp.

  • tiết kiệm nước. Một ít thuốc nhuộm đủ dùng cho một thời gian dài và không cần nhiều nước như những phương pháp nhuộm hóa học vốn tạo ra nhiều nước thải. Một bể nhuộm kakishibu không còn dùng được chỉ khi nó đã cạn sạch.

  • timeless. Đây là một sắc màu rất đẹp và sẽ gây nhiều ngạc nhiên cùng với thời gian. Thời gian lên tuổi trung bình của màu hồng chát là từ 1-2 năm sau khi nhuộm. Còn lâu hơn như vậy thì sao, có lẽ Phương phải trồng ngay một cây hồng, hay mua ngay một túi thuốc nhuộm từ Onomichi để biết.


観花 - Thưởng hoa by Phuong Nguyen

観花 - Cherry Blossom Viewing, Takeuchi Seiho, 1898 (Meiji 31)

観花 - Cherry Blossom Viewing, Takeuchi Seiho, 1898 (Meiji 31)

Gần đây mình đang vẽ nhiều xương xẩu, trong đầu lúc nào cũng lúc nhúc toàn xương với cơ, nhìn bàn tay mà mắt như có tia X tưởng tượng coi dưới thịt dưới da đó cục xương chuyển động thế nào. Vì hiểu biết chưa sâu, bàn tay chưa quen cảm giác, nên khi vẽ vẫn phải bám sát reference, và hôm nay bỗng nhiên xẹt ngang bức tranh chưa từng thấy này của cụ Seiho. Một bộ xương được vẽ phóng túng làm sao, từ đây mà đắp da đắp thịt vào sẽ thành một dung nhan hết sức dị dạng, nhưng vậy thì sao, vẫn thể hiện được sự uyển chuyển, thướt tha và say đắm của một con người. Vẽ thực quá có lẽ cũng là giới hạn của ta. Tình cảm khi sục sôi cũng có thể làm méo mó nhận thức cơ mà. Nhìn cho thật kỹ vào đây, một con người hay không là con người, chẳng còn quần áo, chẳng còn thịt da, linh hồn có phần đã thoát xác phần còn đây, say sưa múa quạt dưới cơn mưa hoa anh đào. Ở Ý bây giờ cũng là mùa xuân, nhưng là mùa xuân cấm vận, hoa đào vừa thấy đêm kia bung nở cạnh con đường sầm uất nay đã trổ đầy lá non mất rồi. Có lẽ đó là điều đáng tiếc nhất bên cạnh vô số những điều đáng tiếc đã xảy ra trong những năm qua. Một mùa xuân đi qua như vô hình...

Có một lời truyền miệng rằng để vẽ bức tranh lạ lùng như một sự giao thoa giữa thực và giả này, Seiho đã chăm chút, tỉ mẩn vẽ lại từ tiêu bản xương thật một lần rồi hai lần, nhưng rồi vẫn không được chấp nhận cho đợt triển lãm danh tiếng Nihon Bijutsuin.

Con đường hội họa cũng thật khó nói, đâu có một chiếc la bàn nào chỉ cho ta thấy đâu là con đường phải đi, ngay tới những bậc họa sư cũng từng sống trong cảnh hàn vi chật vật, rấm rứt tối ngủ không ngon vì dường như bao công sức đôi tay họ làm ra đến chai sần, rạn vỡ mà không ai hiểu, không ai chứng cho. Không ít người hâm mộ Van Gogh vì ông ấy triệu triệu... đô, họ cũng có thể yêu quý ông nhiều hơn khi biết sinh thời ông đã vất vả làm sao chỉ để sống đến ngày chẳng còn muốn sống, nhưng con đường ấy liệu ta có hiểu được không? Bần cùng mấy ai muốn đâm đầu vào. Thứ ta muốn tạo ra không đơn thuần chỉ vì nó được giá, mà nó như một cái mầm âm ỉ trong lòng đâm nứt da thịt để trồi lên thành lá, thành hoa. Ta cho rằng đây thực sự là hoàn hảo, vậy mà sau bao công sức đổ ra nó lại bị từ chối thẳng thừng, thảm thương làm sao.

Trộm nghĩ, khi đặt bút vẽ xuống bất kì điều gì, hãy nghĩ đến sự tồn tại của nó như một bản thể độc lập, tách rời khỏi chính sự kính mến trong ta. Hãy nghĩ đến nơi nó lưu lac, những người sẽ đón nhận nó. Ý chí đi lên của con người là một điều đẹp đẽ thúc đẩy ta tiếp tục tìm kiếm, kiến tạo nên những thứ mới mẻ, đột phá, và bởi con người là một sinh vật cộng đồng, ta mong đợi phản ứng của những người xung quanh để chứng thực niềm tin của mình. Nhưng nếu không ai ngoài chính ta nhìn thấy cái đẹp của nó trong cuộc đời hữu hạn này thì sao. Đó là một gánh nặng không tưởng. Ta có thể bị tổn thương, bởi sự kiến tạo này là máu thịt và tâm hồn của chính ta. Và cái tôi, đôi khi, là thứ nặng nhất trên vai một con người.

Còn nếu ta cứ kệ xác nó đi, hãy cứ kiến tạo như người lạc trong rừng chẳng còn cách nào khác ngoài phạt phẳng những cành cây um tùm tìm lối đi, nằm rạp xuống đất mà nghe, nghe cái tiếng âm u của nước bước đi trong thớ rễ, trôi trong mạch máu li ti, nước thấm ra đầu lưỡi, lướt trên đầu ngọn bút...

Có lẽ như vậy sẽ vui hơn nhiều.

Như cái bộ xương hở hang múa quạt này, tựa là ngắm hoa, mà lại chẳng thấy cánh hoa nào

Huyền thoại về Kiyohime qua tranh của Kokei Kobayashi by Phuong Nguyen

Kokei Kobayashi (1953) được chụp bởi Shigeru Tamura

Kokei Kobayashi (1953) được chụp bởi Shigeru Tamura

Kokei Kobayashi (小林古径) (1883–1957) sinh tại Takada thuộc tỉnh Niigata là một trong những họa sĩ danh tiếng theo trường phái Nihonga giữa thời Minh Trị và Đại Chính, và cũng là một trong những cây đại thụ đã đóng góp rất nhiều tranh quý cho hội họa Nhật Bản hiện đại.

Mồ côi cha mẹ từ sớm, năm 17 tuổi ông đã khăn gói đến Tokyo để theo học mỹ thuật truyền thống cùng với Kajita Hanko - một họa sĩ nổi tiếng theo dòng tranh khắc gỗ ukiyo-e và tranh minh họa kuchi-e cho bìa tạp chí và tiểu thuyết lãng mạn. Sau khi thành danh, Hanko theo đuổi sự nghiệp giáo dục và thành lập một trường mỹ thuật tư nhân mang tên Hokkokai (Byakkokai) và đây là nơi Kokei Kobayashi đã theo học bên cạnh những tên tuổi khác như Togyo Okumura và Seison Maeda. Sau một thời gian rèn luyện và nắm vững kỹ thuật truyền thống, ông gia nhập phong trào tái thiết Học Viện Mỹ Thuật Nhật Bản (Nihon Bijutsuin) dưới sự hướng dẫn của Yokoyama Taikan và sớm trở thành một trong những thành viên chủ chốt của nơi này(1). Kokei Kobayashi từng có thời gian du học tại Châu Âu cùng với Maeda Seison và như những họa sĩ từng giới thiệu qua, tính hiện thực và đương đại của Phương Tây đã ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách cũng như những sự vật hiện tượng ông chọn để diễn họa. Tuy vậy, cho đến cuối cuộc đời Kokei Kobayashi vẫn miệt mài học tập và thực hành kỹ thuật truyền thống của mỹ thuật Nhật Bản.

Ông là một họa sĩ tài năng và có phần phá cách, không ngần ngại thử sức với bút pháp mới, từ dày đặc chi tiết đến cô đọng và giản lược. Những chủ đề trong tranh ông cũng rất đa dạng, phong phú, từ những bức tranh miêu tả sống động cảnh sinh hoạt ngày thường như phòng tắm công cộng, dệt vải bằng khung cửi, cho đến tranh tĩnh vật khai thác triệt để khoảng trống và tất nhiên còn có dòng tranh Bijin-ga mỹ nhân họa. Vào thời kỳ đầu, chủ đề mà Kokei khai thác thường mượn cảm hứng từ những điển tích xưa, những huyền thoại trong dân gian với cảnh vật thần tiên và thế giới Yokai ma quỷ, chẳng hạn như Nàng tiên ống tre (Taketori Monogatari) hay câu chuyện về Xà Nữ Kiyohime mà tôi sẽ thuật lại trong bài viết này.

Bộ tranh “Huyền thoại về Kiyohime” là một trong những tuyệt tác của Kokei Kobayashi, gồm 8 bức tranh rời được vẽ bằng bột màu truyền thống trên giấy washi, miêu tả những phân đoạn chính trong câu chuyện dựa theo điển tích được lưu giữ trong một cuộn tranh từ thời Muromachi tại chùa Dojo-ji. Bộ tranh này vốn được Kokei hoàn thiện với mục đích hợp nhất thành tranh cuộn, tuy nhiên ý định đó không thành hiện thực và nay được lưu trữ như những bức rời tại bảo tàng Mỹ thuật Yamatane.

Kiyohime là một huyền tích nổi tiếng đã được chuyển thể nhiều lần thành kịch Noh, Kabuki, hòa ca Joruri, vũ kịch truyền thống Kimi Odori và thường xuất hiện trong văn hóa hiện đại như manga, anime và cả game series. Kiyohime là một trong những Youkai hiếm hoi có gốc gác là con người, nàng đã hóa thành yêu quái sau khi phát điên bởi tình yêu không được đền đáp. Nhưng câu chuyện này không chỉ có sự hận thù và những ngang trái của yêu đương bởi bao trùm suốt câu chuyện là không gian huyền bí của núi rừng Wakayama, của đền Dojo-ji linh thiêng, của tiếng kinh tụng âm vang nhằm xiển dương sức mạnh của bộ Kinh Hoa Pháp (Lotus Sutra)

Huyền thoại về Kiyohime, cũng như những câu chuyện khác về thế giới yêu ma Nhật Bản, thường là truyện ngụ ngôn và bởi thế có nhiều dị bản với những chi tiết được thêm bớt, cường điệu để tăng phần kịch tính. Ở đây mình tóm tắt và tổng hợp từ nhiều nguồn dựa theo những phân cảnh trong tranh của Kokei Kobayashi.

1.Chuyến hành hương của nhà sư Anchin

“Khởi hành”, cảnh 1, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1307 x 489 mm, mực mài trên giấy washi

“Khởi hành”, cảnh 1, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1307 x 489 mm, mực mài trên giấy washi

Một ngày hè oi bức vào những năm 928 vào thời Heian khi Thiên Hoàng Daigo đương tại vị, có một nhà sư trẻ mang tên Anchin cùng sư phụ của mình đến từ vùng thị tứ Shirakawa đã lên đường hành hương đến Kumano Hongu - vùng đất thiêng bên kia cánh rừng ở Kỷ Y bán đảo (紀伊半島 - Kii-hanto, bán đảo lớn nhất thuộc đảo Honshu) Đây là chuyến đi thường niên và như thường lệ họ dừng lại nghỉ ngơi tại một ngôi làng nhỏ bên sông Hidaka, nơi trưởng làng Masago no Shoji luôn tiếp đãi họ như khách quý. Ông còn sai bảo con gái đến săn sóc, chuẩn bị chỗ ăn uống nghỉ ngơi cho hai nhà sư. Người con gái đó chính là Kiyohime. Năm tháng đi qua, Kiyohime lớn lên và nảy sinh tình cảm với Anchin và cô tin là Anchin cũng có cùng một cảm xúc, cô luôn chờ đợi cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa hai người mỗi năm một lần. Nay đã đến tuổi thành thân, Kiyohime tin rằng đã đến lúc tình cảm của họ đơm hoa kết trái.

2. Kiyohime lẻn vào tư thất của nhà sư

“Buồng ngủ”, cảnh 2, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 837 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

“Buồng ngủ”, cảnh 2, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 837 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

Dưới sự che chở của màn đêm, Kiyohime đã tìm đến gian phòng nơi Anchin đang say ngủ. Nàng lẻn vào và đánh thức anh dậy để bày tỏ tình cảm của mình. Tình cảm nàng dành cho anh sâu sắc như thể nó là một sự tiếp diễn sau bao kiếp nhân sinh, và nàng mong rằng trong khiếp này họ sẽ nên vợ thành chồng rằng anh sẽ ở lại làng lâu hơn nữa. Anchin bối rối trước tình cảm Kiyohime dành cho mình, nhưng anh là Phật tử và lòng kính Phật trong anh không cho phép bản thân bị rù quyến. Không muốn làm phật lòng Kiyohime cũng như cha nàng - vị trưởng làng mến khách, anh đã nói dối rằng hãy những vị thần ở Kumano không thể gặp những nhà sư đã sa vào hồng trần tục lụy, nên nàng hãy để anh hoàn thành chuyến đi quan trọng này, sau đó trên đường về anh sẽ lại ghé qua Muro-gun để hai người họ có thể bên nhau lần nữa.

3. Đền Kumano

“Đền Kumano”, cảnh 3, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1074 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

“Đền Kumano”, cảnh 3, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1074 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

Sau một đêm nghỉ ngơi tại làng Muro-gun, Anchin và sư phụ của mình tiếp tục cuộc hành trình đi đến vùng đất thánh Kumano. Tuy nhiên sau khi chuyến hành hương hoàn thành, Anchin đã không giữ lời hứa gặp lại Kiyohime trên đường về nhà mà anh đi thẳng về nhà ở Shirakawa. Kiyohime vẫn mơ mộng rằng rồi đây sẽ sớm gặp lại người mình yêu, ngày ngày chờ đợi nhưng mãi bặt vô âm tín. Cô hỏi thăm những người khách qua đường liệu họ đã thấy một nhà sư từ Kumano trở về không, và cô phát hiện ra rằng Anchin đã đi khỏi Muro-gun từ lâu rồi.

4. Truy đuổi

“Tiểu thư Kiyohime”, cảnh 4, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1074 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

“Tiểu thư Kiyohime”, cảnh 4, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1074 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

Sau khi nghe được tin dữ, đau đớn, buồn tủi và phẫn nộ, Kiyohime tức tốc đuổi theo Anchin trên đôi chân trần băng qua đường rừng đầy sỏi đá như một người điên và cuối cùng cô đã bắt kịp anh. Nhưng lúc này đây, với đôi chân trần bật máu, mái tóc rối bời và y phục xộc xệch trông cô không còn giống một vị thiên kim tiểu thư nữa mà như một con quỷ oni. Cô van vỉ Anchin hãy nói cho cô biết sự thật nhưng anh liên tục nói rằng họ không quen biết nhau, cô đã nhận lầm người rồi. Hoảng loạn và tuyệt vọng trước sự tra khảo của Kiyohime, Anchin đã cầu cứu vị thần giữ đền Kumano là Kumano-gongen [熊野権現] và ngài đã điểm huyệt Kiyohime đông cứng để anh tháo chạy.

5. Anchin trốn chạy

“Bên bờ sông”, cảnh 5, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1604 x 485 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

“Bên bờ sông”, cảnh 5, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1604 x 485 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

Trong lúc Kiyohime còn đang bất động, Anchin chạy xuyên qua cánh rừng cho đến khi một con sông lớn xuất hiện trước mắt anh. Đó chính là dòng Hidaka hung dữ. Anchin bắt gặp một người lái đò, anh kể lể về tình cảnh đau khổ của mình và người lái đò đã giúp anh vượt sông. Khi đến bờ bên kia an toàn, Anchin thở phào nhẹ nhõm rằng cuối cùng chàng đã thoát khỏi Kiyohime, không quên căn dặn người lái đò nếu sau này có gặp Kiyohime thì tuyệt đối không được giúp nàng.

6. Kiyohime vượt dòng Hidaka

“Dòng Hidaka”, cảnh 6, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1304 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

“Dòng Hidaka”, cảnh 6, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1304 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

Sau khi chú pháp của Kumano-gongen không còn hiệu lực, Kiyohime tỉnh lại và trong nàng không còn gì ngoài sự tủi hận vì bị bỏ rơi, nàng tiếp tục đuổi theo dấu vết của Anchin trên con đường mòn cho đến khi chắn trước mặt nàng là sông Hidaka đang cuồn cuộn chảy xiết. Nàng bắt gặp người lái đò nhưng đã bị từ chối bởi ông không thể mang nữ nhân qua sông. Van xin người lái đò không thành, nàng dần dần bị xâm chiếm bởi sự giận dữ và căm thù. Quá phẫn uất, nàng gieo mình vào dòng Hidaka với quyết tâm không buông tha cho Anchin. Giữa những dòng chảy ào ạt như thác lũ, nỗi căm hận và khao khát báo thù dần dần chuyển hóa cơ thể của Kiyohime thành một con rắn khổng lồ với lông mao đen tuyền như màu tóc nàng và những bụm lửa đỏ phun ra từ giữa những chiếc răng nanh bén nhọn. Với hình thù này thật không khó khăn gì để nàng vượt qua những cơn sóng dữ và đuổi theo Anchin đến tận đền Dojoji.

7. Cái chết của nhà sư

“Yêu xà nung cháy đại hồng chung”, cảnh 7, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1424 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

“Yêu xà nung cháy đại hồng chung”, cảnh 7, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1424 x 489 mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

Từ đền Dojoji, Anchin có thể nhìn thấy Kiyohime trong hình hài một con rắn phun lửa đang lao đến. Anh hoảng sợ kể rõ sự tình và nhờ một nhà sư giấu mình bên trong đại hồng chung. Tuy nhiên điều này đã không thoát khỏi tai mắt của Kiyohime, lửa hận thù đã che mờ lí trí và nhân tính trong cô, cô quấn chặt chiếc chuông đồng và nổi lửa nung nóng, thiêu sống Anchin bên trong đó. Cho đến khi nhìn thấy thân thể người mình từng yêu nay chỉ còn là một cái xác đen kịt, khô cong, Kiyohime mới sực tỉnh. Quá đau khổ và ân hận, nàng gieo mình xuống sông tự vẫn.

8. Cây anh đào nở hoa

“Cây anh đào trên mộ của Anchin và tiểu thư Kiyohime”, cảnh 8, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1126 x  485mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

“Cây anh đào trên mộ của Anchin và tiểu thư Kiyohime”, cảnh 8, Huyền thoại về Kiyohime (1930), 1126 x 485mm, màu khoáng thạch trên giấy washi

Ở một số phiên bản thì câu chuyện của Anchin và Kiyohime chấm dứt sau cái chết của cả hai, nhưng trong bộ tranh của Kokei thì kết cục của họ không bi thảm đến như thế. Cả hai đã được chôn cất cùng nhau trên đồi Hiyokuzuka và từ đây một cây anh đào đã mọc lên, đó chính là cây anh đào Iriai zakura (3) (日高川入相花王 - Hidakagawa iriai zakura - Cây anh đào bên dòng Hidaka là một vở Kabuki dựa theo tích truyện của Kiyohime) . Kokei vẽ thân cây anh đào uốn lượn mềm mại như một người phụ nữ, những cánh hoa trắng muốt tuôn rơi trong sự tĩnh lặng trầm mặc như khúc kinh cầu cho câu chuyện bi thảm, ngang trái giữa một nhà sư và một nàng công chúa vì tình yêu mà đã hóa thân thành yêu quái.

Huyền thoại về Kiyohime xuất xứ từ đâu có lẽ không ai thực sự rõ, nhưng bản ghi chép đầu tiên về câu chuyện này (4) được ghi nhận từ Dainihonkoku Hokekyō Kenki - Truyện kể kinh Pháp Hoa, tuyển tập những truyện ngụ ngôn, thần thoại Phật Giáo được ghi chép bởi nhà sư Chingen nhằm xiển dương đạo Phật cũng như để phổ biến kinh Pháp Hoa đến đại chúng. Theo đó, một thời gian sau cái chết của Kiyohime và Anchin, sư trụ trì của đền Dojo-ji đã có một giấc mơ lạ. Ông thấy một con rắn trườn đến bên mình và thầm thì rằng nó chính là Anchin đã hóa kiếp sau khi bị thiêu chết trong đại hồng chung, và nó mong rằng ông sẽ cầu nguyện cho linh hồn của cả hai được siêu thoát. Khi sư trụ trì tỉnh giấc, ông đã y lời lập đàn tế lễ, khấn nguyện kinh Pháp Hoa và rồi hình bóng của Anchin và Kiyohime xuất hiện, họ không chỉ được giải thoát khỏi kiếp nạn mà họ đã đạt thành Phật Quả và được nhập vào cõi Tịnh Độ. Câu chuyện còn tiết lộ rằng Anchin và Kiyohime sau đó đã trở thành Kumano Gongen và Kanzeon Bosatsu, hai vị Bồ Tát bảo hộ của đền Kumano.