Bài dịch: Nước Ý không cần thêm một Michelangelo, công việc điêu khắc nay đã về tay Robot by Phuong Nguyen

Khi guồng dệt xuất hiện, người thợ dệt không ngờ một ngày nó sẽ thay thế họ. Khi tự động hóa xuất hiện, những công nhân nhà máy cũng không ngờ một ngày nó sẽ thay thế họ. Khi AI xuất hiện, chúng ta ngồi rung đùi và cười khi nói về nó.

Tháng Giêng năm 2020 là năm đầu tiên BOOMing art fair tổ chức tại Bologna, song hành cùng Arte Fiera là hội chợ nghệ thuật thường niên lâu đời nhất tại Ý. Ngự ngay cửa ra vào trước khi đi qua khu soát vé là ngôi sao của sự kiện: một robot điêu khắc hiện đại, tối tân đang chầm chậm xoáy mũi khoan kim cương vào khối polystyrene khổng lồ với sự cân bằng, bình tĩnh và chính xác chỉ có thể khả thi ở máy móc. Được đặt tên “Per farla finita con il giudizio di Dio”, dịch nôm na là “To make peace with God”, installation này là kết quả từ sự hợp tác giữa hai tập đoàn hàng đầu về robot công nghiệp KUKA và Ronchini Massimo cùng với Trung tâm công nghệ và nghệ thuật Puglia (Apulia center for art and technology) Thông điệp nó đưa ra thật rõ ràng: liệu những nghệ sĩ đương đại có bị thay thế hay không trong một tương lai nơi công nghệ tự động hóa thống trị và bành trướng đến những địa hạt từng được xem là vùng an toàn, như nghệ thuật chẳng hạn.

Italy từng là kinh đô của Phục Hưng, đi đến bất cứ thành phố nào dù nhỏ và hẻo lánh bạn vẫn có thể tìm thấy trên quảng trường, trong nhà thờ những bức tượng và phù điêu cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo đến mức ta chỉ có thể trố mắt ra tự hỏi những người thợ ngày xưa làm thế nào đã tạo ra chúng chỉ với đục và búa. Nhưng hiện nay, dù với tất cả công cụ và máy móc hỗ trợ, điêu khắc nghệ thuật được xem như một “dying art" nếu không muốn nói là đã chết hẳn.

Một năm sau đó, tháng 7 năm 2021, mình đọc được bài báo viết về chính xác vấn đề này trên The New York Times. Tương lai không ở đâu xa mà chính là ngay bây giờ, robot đang dần xâm thực vào nghệ thuật. Những công việc từng một thời đòi hỏi tay nghề điêu luyện cũng như sự kiên trì bậc nhất nay đã được thay thế bằng bàn tay robot.

Nếu AI là bộ não, thì tự động hóa chính là tứ chi. Khoảng cách giữa hai thứ này đang dần rút ngắn.

________

"Chúng ta không cần thêm một Michelangelo, tại Italy, công việc điêu khắc đã về tay Robot."

Sử dụng chính những khối cẩm thạch đã tạo nên những kiệt tác điêu khắc thời Phục Hưng, một đội ngũ robot tại Italy bắt đầu nhận đơn đặt hàng. Người sở hữu chúng tuyên bố rằng công nghệ là một phần mật thiết cho tương lai nền nghệ thuật Ý.

CARRARA, Italy - Từ hàng thế kỷ nay, công trường khai thác đá cẩm thạch phía trên thị trấn nhỏ này ở Tuscany đã cung cấp nguyên liệu thô cho vô số các tác phẩm được tạo ra bởi các bậc thầy từ Michelangelo, Canova, Bernini, cho đến gần đây nhất là ABB2.

Với khả năng chạm trổ chính xác đến đầu kim, thêm một chút sự tinh tế tôi luyện từ những tiền thân (trong đó có con người), ABB2 - một cánh tay robot đúc từ hợp kim kẽm, cao 4 mét - đang vươn cổ tay xoay tít về phía một khối cẩm thạch sáng mờ. Chầm chậm và đều đặn, những ngón tay phủ kim cương của nó xoáy vào hòn đá, để lộ ra hình dáng một chiếc lá bắp cải mềm mại được thiết kế và đặt hàng bởi một nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ.

ABB2 không phải là một thiên tài ẩn dật miệt mài lao động trong sự cô đơn như loài người. Cách đó không xa, trong một công xưởng rầm rì âm thanh của robot, Quantek2 đang đánh bóng một tảng cẩm thạch. Nó đang trong quá trình thực hiện một tác phẩm nghệ thuật được thiết kế bởi nghệ sĩ người Anh, anh đã ủy thác công việc tay chân này cho một cánh tay robot.

Tác phẩm nghệ thuật đến từ Ý luôn nằm trong top những món hàng xuất khẩu giá trị và danh tiếng nhất, ít nhất là từ thời Phục Hưng. Những người tiên phong trong việc tạo dựng và vận hành cơ xưởng robot tin rằng để tiếp tục trụ lại ở tuyến đầu trên con đường nghệ thuật, các sản phẩm công nghệ tối tân là một cộng sự không thể thiếu.

“Chúng tôi không cần thêm một Michelangelo”, Michele Basadella, một kỹ sư 38 tuổi tự cho anh là bộ não của robot chia sẻ. “Vì chúng tôi đã có một thứ tương tự rồi."

Một điều không thay đổi sau hàng trăm năm là các nghệ sĩ vẫn rất nhạy cảm về credit - cuối cùng thì ai mới là người được tán dương và hưởng thành quả? Tại các xưởng kỹ nghệ Florentine từ xưa, công việc sáng tạo đa phần hoạt động trong sự kín đáo âm thầm, tác phẩm tranh tượng thường phải đi qua nhiều bàn tay thợ học việc trong quá trình tạo tác, nhưng trên thành quả thì chỉ có một chữ ký của người thầy.

Vai trò người thợ không tên bây giờ được giao lại cho các Robot. Rất nhiều khách hàng yêu cầu rằng danh tính của họ phải được bảo mật. Giacomo Massari, một trong những người sáng lập tập đoàn Robotor, ông chủ của đội ngũ robot điêu khắc chia sẻ, “Họ muốn duy trì cái ấn tượng rằng tác phẩm của họ vẫn được thực hiện thủ công với đục và búa. Thật buồn cười”

Đứng giữa công trường mịt mù bụi cát, đeo kính râm để tránh ánh mặt trời phản chiếu từ hàng tấn khối cẩm thạch đang được vận chuyển xuống từ ngọn núi Apennine cách đó không xa, ông Massari cho rằng từ bỏ kỹ thuật bằng tay truyền thống là cách duy nhất để cho các tác phẩm điêu khắc cẩm thạch của Ý tồn tại và tiếp tục phát triển.

Sự phồn thịnh của Carrara đã từ rất lâu đến từ nguồn cung cẩm thạch dồi dào cho giới nghệ sĩ. Bùng nổ vào những năm Phục Hưng, Michelangelo đã từng lang thang khắp các khu mỏ tại đây, có khi hàng tuần liền để kiếm cho kì được một tảng đá hoàn hảo mà ông đã dùng cho kiệt tác để đời Pietà. Đến thế kỷ thứ 18, vô số các xưởng kỹ nghệ điêu khắc đã mọc lên để phục vụ cho phong trào Tân Cổ Điển.

Tuy nhiên đến thời Hiện đại và nay là Đương đại, cẩm thạch Carrara không còn được ưa chuộng. Sắc trắng mờ phủ đầy gân xám của chúng bây giờ thường được dùng để lát sàn phòng tắm, kệ bếp, hay khá hơn là phù điêu trong nghĩa trang.

Ông Massari nói rằng nhiều họa sĩ không còn mặn mà với cẩm thạch vì cần quá nhiều thời gian để hoàn thành một tác phẩm bằng tay. Hằng tháng trời, có khi tính bằng năm. Người trẻ tại Carara cũng không muốn theo đuổi con đường này, phần cũng vì hàng tá nguy cơ sức khỏe khi bạn phải hằng ngày hít thứ bụi này vào phổi. Có lời đồn rằng Canova, một điêu khắc gia Tân Cổ Điển, đã làm biến dạng xương ức sau một thời gian dài cong lưng với đục và búa.

Tại một công xưởng dưới chân núi nơi các kỹ sư đang thử nghiệm một robot mới hàng khủng, ông Massari chỉ vào một bức tượng là bản sao của “Psyche được hồi sinh bởi nụ hôn của thần tình yêu", một kiệt tác Tân Cổ Điển. “Canova cần đến 5 năm để hoàn thành nó, chúng tôi chỉ cần 270 giờ đồng hồ.”

Massari và các cộng sự của ông khởi đầu chỉ mua vài con robot từ các hãng công nghệ địa phương. Nhưng dần dần lượng khách hàng tăng lên, trong đó có các tai to mặt lớn như Jeff Koons, Zaha Hadid và Vanesa Beecroft (đây là một số ít đồng ý công khai danh tính), kéo theo đó là các hợp đồng “ngày càng điên rồ", họ bắt đầu phải tạo ra các cỗ máy riêng với phần mềm tự thiết kế và các bộ phận đặt mua từ Đức.

Kỹ sư Basadella nói rằng ông từng có nhiều bạn học là những thợ điêu khắc tài ba, nhưng không ai sống nổi với nghề, bởi sự khéo tay lành nghề ngày nay chẳng có gì mới và cũng không ai đoái hoài nữa. Một con robot có thể cho ra kết quả không tưởng nếu chúng được tạo nên với “sự tinh tế về mỹ thuật", Basadella nói trong khi đang hiệu chỉnh hình ảnh 3D của một khối cẩm thạch được scan vào máy tính tại phòng điều khiển.

“Những con robot của chúng tôi là một tác phẩm nghệ thuật.”

Ông thậm chí dần trở nên thân thiết với một vài “đồng nghiệp". Basadella đang làm mọi thứ có thể để sửa chữa một robot đời đầu nay đã “già yếu và mỏi mệt” , ông muốn cứu nó khỏi con đường đến bãi phế liệu.

“OK, nó không biết nói, cũng chẳng có linh hồn, nhưng từ từ anh sẽ thấy gắn bó với nó".

Robot rất nhanh và tuyệt vời chính xác, nhưng không hoàn hảo. Một lần, một con robot đâm một nhát quá mạnh tay và xẻ dọc bức tượng “Hermaphrodite say ngủ" từ trán đến đầu gối, Basadella suýt ngất xỉu. Đây là một bản sao được đặt hàng bởi điêu khắc gia Hoa Kì Barry X Ball. Nàng Hermaphrodite thực sự đang say ngủ tại bảo tàng Lourve, trên một chiếc giường cẩm thạch được tạc nên bởi Bernin.

Trong khi Basadelle yêu mến những con robot của ông đến mức ông còn viết nên cả một tờ horoscope dành riêng cho chúng, nhiều cư dân tại Carrara lại không mấy mặn mà. Michele Monfroni, một điêu khắc gia sống tại Carrara cho hay, “Nếu Michelangelo nhìn thấy bọn robot này chắc ông sẽ phát tiết đến độ giựt hết tóc!” Nay 49 tuổi, Monfroni sống tại xưởng của ông tại một ngọn núi gần đó nơi ông vẫn đang tạo ra các bản sao của Hercules, tượng thiên thần và đôi khi là huy hiệu cảnh sát bằng tay. “Robot là việc kinh doanh, điêu khắc đến từ đam mê.”

Monfroni nhặt cây búa lên lần đầu năm 7 tuổi và có lẽ từ đó ông chưa bao giờ đặt nó xuống. Ông từ chối thuê thợ robot với niềm tin rằng dùng đôi tay trần để “kéo" một bức tượng ra khỏi tảng cẩm thạch mới là cái đặt nền tảng cho điêu khắc thực sự. Dẹp sứ mệnh cứu rỗi di sản qua một bên, Italy không chừng sẽ mất hết uy tín nếu một ngày các loại hình nghệ thuật truyền thống tuyệt diệt, ông cho biết.

Dùng một tảng đá bọt núi lửa, Monfroni nhẹ nhàng mài nhẵn gò má của một bức tượng cẩm thạch mang dáng hình một người phụ nữ bán khỏa thân - đây là món quà từ chồng của người mẫu và họ sẽ đặt cô ở bể bơi gia đình. “Điêu khắc là thứ anh có trong lòng, nếu anh dùng máy móc thì chính anh cũng hóa thành một cỗ máy.”

Marco Ciampolini, một sử gia và cũng là director của một bảo tàng khu vực, lại không cho rằng việc sử dụng máy móc là hoàn toàn khước từ quá khứ, bởi nhiều nghệ sĩ bậc thầy trong đó có Michelangelo, từng giao phần lớn công việc cho những người thợ.

“Khái niệm về một nghệ sĩ ẩn dật, lao động trong cô độc là một cái nhìn lãng mạn bắt đầu vào thế kỷ 19.” Tuy chào đón công nghệ tiên tiến và vui vẻ chấp nhận rằng chúng sẽ góp một phần tích cực vào công việc điêu khắc, ông cho rằng giá trị nghệ thuật chỉ thực sự tồn tại khi có bàn tay con người trong đó.

“Chỉ có con người mới biết điểm dừng.”

Tại công xưởng Robotor, Massari chia sẻ rằng ông không hoàn toàn phủ nhận quan điểm đó bởi vì bàn tay con người là một phần vô cùng quan trọng, cho dù nó chỉ chiếm 1%.

Trong một căn phòng gần đó, một tá điêu khắc gia con người khom lưng bên cạnh những bức tượng còn dang dở, trong đó có tác phẩm của điêu khắc gia hóm hỉnh người Ý Maurizio Cattelan. Họ đang hoàn thiện và chỉnh sửa những lỗi vụn vặt mà ngay cả một cỗ máy siêu thông minh cũng không thể tránh được. “Một điều hay về robot là chúng chẳng thể làm tất cả mọi thứ", Emanuele 26 tuổi, từng là một học sinh điêu khắc cho hay khi anh đang nhẹ nhàng mài nhẵn bề mặt một lá bắp cải.

“Nhưng chỉ trong ba hay bốn năm nữa thôi, chúng sẽ làm được tất", Lorenzo Perrucci, người đồng nghiệp 23 tuổi tiếp lời trong khi anh đang khoét những chiếc lỗ nhỏ trên một miếng bọt biển cẩm thạch. “Và lúc đó tôi sẽ phải tìm việc khác. Chắc là điều khiển robot.”

________

Phương dịch từ New York Times, bản dịch để chia sẻ thông tin và phi lợi nhuận.

Original article:

Ký ức bủa vây by Phuong Nguyen

"To be able to forget means sanity", Jack London.

Hồi lâu lắm rồi khi còn ở Sài Gòn, buổi sáng đi ra đầu hẻm mua cơm, nhác thấy trên 1 chiếc lá cây mai chiếu thủy có một đàn sâu nhỏ đang toả ra từ chân lá. Đến chiều, vẫn chiếc lá đó đã bị gặm nát non nửa, diệp lục tố bị nuốt trọn lộ ra từng chiếc gân lá trắng nhởn như xương. Những con sâu ấy cũng đã to lên một chút. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, hình ảnh ấy chỉ xẹt ngang nhãn cầu một phút ngắn ngủi nhưng dường như nó đã ghim sâu vào kho dữ liệu ký ức, để rồi nhiều năm nhiều năm sau đó, một bàn tay vô hình trong não bộ cào tầng tầng lớp lớp những ký ức mới hơn để lộ ra một trầm tích cũ...

Đó là điều huyền bí về bộ não, bạn chẳng hiểu sao có một số thứ bạn không bao giờ nhớ được, lại có một số không thể nào quên, còn có những ký ức khác tưởng đã trôi dạt, thất lạc vĩnh viễn, vậy mà như những mạch nước ngầm âm ỉ, một ngày nào đó chúng thình lình rỉ ra ở những kẽ nứt chính bạn cũng không ngờ đến.

Con người là một bình chứa ký ức. Bạn là ai, bản thể của bạn như thế nào, tôi nghĩ một phần tùy thuộc vào việc bạn nhớ và quên những gì. Có những sự kiện dù rất dữ dội, đáng nhớ, nhưng cơ thể bạn đã chọn cách quên nó đi vì biết rằng nó không có lợi cho sự sinh tồn. Một con người với tâm lý khoẻ mạnh là khi họ có thể quên đi những việc cần phải quên. "To be able to forget means sanity."

Nhưng chúng ta đâu phải là một cái máy tính, ta không thể lựa chọn nhớ hoặc quên cái gì - nhiều khi nó diễn ra bên ngoài phạm vi tỉnh thức. Và đôi khi khả năng này trật đường rày, vượt ngoài tầm kiểm soát, một ký ức bất lợi trỗi dậy như dịch bệnh, không ngừng nhân lên, chúng như loài sinh vật sống nhung nhúc dưới da, cồn cào trong xương tủy, ngấu nghiến đến khi ta tê liệt. Tôi nghĩ những người bị PTSD hiểu rất rõ cảm giác này.

Nếu bức này là về sự "nhớ", thì mình đang vẽ một bức có lẽ để đặt bên cạnh nó về sự "quên"

Khi những ký ức dẫu thân thương nhất mà ta muốn giữ mãi bên mình vẫn vô tình tuột đi mất...


Long ago, when I was still in Saigon, we used to have a huge bonsai of water jasmine. One day I noticed a small group of worms wriggling out from the base of a leaf. By afternoon, that very same leaf had been chewed halfway through, and its green color had been consumed entirely, revealing the white veins, thin and brittle as bones. Those little worms had grown a bit bigger too. A chill ran down my spine. That image flashed briefly across my eyes yet it seemed to have embedded deep within my memory.

The brain works in a mysterious way, how some things remain etched in our minds forever, while others elude our recollection entirely. And yet, there are memories that we believed were lost to the currents of time, only to resurface unexpectedly, like a subterranean stream flowing silently, until it emerges from the crevices of our consciousness, catching us off guard with its sudden presence.

Human is a vessel of memory. Who you are, your very presence, is shaped in part by what you remember and what you forget. There are events that are intense, unforgettable, yet your mind chooses to forget them, knowing they may hinder your growth and survival. A healthy psyche is one that can forget what needs to be forgotten. "To be able to forget means sanity."

But we are not mere machines, we cannot choose to remember or forget at will - sometimes it happens beyond the realm of consciousness. And sometimes this forgeting mechanism goes haywire, an unfavorable memory rising like a disease, incessantly multiplying, like a living organism crawling under the skin, gnawing deep into the flesh, until we are consumed whole. I believe those who suffer from PTSD understand this feeling all too well.

If this painting is about the failure of forgeting, I'm planning to paint its sister painting to be placed along side, where the mind goes haywire in the opposite way. Dementia

Tiểu Mãn by Phuong Nguyen

Loài lưỡng cư giấu mình trong bãi lau sậy cất tiếng kêu gợi tình, bươm bướm chập chờn vỗ cánh giữa những cánh hoa diên vĩ vàng đương nở bung rực rỡ, chuồn chuồn kim bâu lấy nhau trên mặt hồ lấm tấm bèo xanh, và cách chúng chỉ vài chiếc lá sen, một con ếch cái đang lặng lẽ giương mắt nhìn.

Một ngày trong tiết Tiểu Mãn.

Ngày dài ra và nóng dần lên khi đã vào hạ, đôi khi lác đác cơn mưa. Khi xưa đọc 7seeds mình không thấy related lắm với những nhan đề tiết khí, chỉ đến khi sống ở một nước ôn đới bốn mùa mới thấy nghìn năm đã qua, nếp sống con người có nhiều đổi thay, nhưng nhịp sống của muôn loài thì vẫn vậy. Người xưa chỉ là quan sát rồi ghi chép lại.

Xuân đến thì nở hoa, sau cơn mưa đầu hạ, những loài ấu trùng lột xác, vươn cánh bay lên từ đáy ao, khao khát yêu đương rồi đẻ trứng, hoàn thành nhiệm vụ sinh học mà chúng đã âm thầm lặp đi lặp lại, từ trăm triệu năm.

Vòng đời của chuồn chuồn có thể kéo dài đến sáu năm, nhưng phần lớn chúng không chết già, mà chết vì bị ăn. Ấu trùng chuồn chuồn bơi trong ao hồ là nguồn dinh dưỡng cho lưỡng cư và cá hay nhện nước, nếu chúng sống được đến khi đập cánh thì xung quanh vẫn muôn trùng thiên địch.

Sắp đến mùa ve sầu nẻ đất chui lên. Ấu trùng ve giấu mình trong lòng đất 17 năm, chúng hoá thân, mọc cánh, kêu vang mùa hè, rồi chết đi khi mùa thu chưa kịp đến.

20 năm rồi mới được nghe tiếng ếch kêu sống động đến thế. Nhớ khi xưa nhà mình mới cất lên giữa một đầm lầy, bao quanh là ruộng rau muống, đêm không ngủ nổi vì tiếng ếch nhái, tiếng dế kêu rỉ rả. Rồi một ngày xe tải chở cát đến lấp hết ao hồ đi, những toà nhà mới mọc lên, con đường san phẳng rồi phình to theo năm tháng. Tiếng ếch kêu cũng không còn.

Thực ra, đây giữa lòng đô thị cũng không có chỗ cho chúng sinh tồn.

Hệ sinh thái bé nhỏ tương đối khoẻ mạnh này là một cái ao nhân tạo, trong botanical garden của khoa sinh trường đại học.

Mono no Aware by Phuong Nguyen

Mono No Aware 物の哀れ

Commissioned artwork. In Private Collection

watercolor on tea-dyed Fabriano paper

40 x 110 cm, 2021

Bức tranh lớn đầu tiên từ khi bắt đầu cầm cọ, mất gần 4 tháng để hoàn thành năm ngoái. Thiên nhiên là chủ đề chính, nhưng khách mong muốn diễn đạt được cả nỗi sầu muộn bi ai khi thiên nhiên nhận thức được bản thân đang lụi tàn, bị bóp nghẹt dưới sự xâm lấn của loài người.

Trên hai tấm giấy là bốn mùa trải rộng, mẹ thiên nhiên bị lột trần chỉ còn lại bộ xương ngự ở mùa xuân hạ rực rỡ, vươn tay ra mong muốn chạm đến con người đang đứng phía bên mùa thu đông lạnh và buồn. Thiên nhiên, dù đang hấp hối rồi một ngày chết đi sẽ luôn có cách để lại một lần nữa tái sinh. Con người thì không. Với ý tưởng ban đầu mình sẽ vẽ chân dung của chính người khách nhìn thẳng vào bộ xương như một sự tự quán chiếu, nhưng rồi anh muốn thay đổi, vẽ chân dung của thành viên trẻ nhất trong gia đình là đứa cháu của anh. Bởi anh cho rằng vấn đề môi sinh dù đang ở tình trạng báo động, nhưng con người tham lam ngu ngốc sẽ không dừng lại, và thế hệ tiếp theo, con cái của chúng ta, sẽ phải trả giá cho những gì ta tàn phá hôm nay.

Bốn mùa từng là chủ đề tranh cổ điển ca ngợi cái đẹp của tự nhiên, nhưng nay môi sinh không ngừng biến đổi từng năm, nó trở thành một lời cảnh tỉnh. Sự đều đặn tuần hoàn của thời tiết hay còn gọi là thời kỳ Holocene là nền tảng đầu tiên cho con người bắt đầu nông nghiệp, chấm dứt cuộc sống du canh du cư, từ đó những nền văn minh thành hình. Mất đi bốn mùa, cũng có nghĩa là không còn đảm bảo được lương thực, không thể lường trước được những thảm họa tự nhiên, pháo đài kiên cố mang tên nhân loại sẽ đổ sụp như cát mịn.

Mono no Aware, một cụm từ miêu tả sự xúc động trước cái đẹp của tự nhiên và nỗi bi ai thoáng qua khi nhận ra tính vô thường của nó. Đây cũng là cái tên do khách chọn.

Vẽ xong cảm giác như vừa trải qua 1 chuyến đi dài!