Teatro Anatomico by Phuong Nguyen

"Teatro anatomico" - giảng đường giải phẫu học trong khuôn viên trường đại học Bologna. Được thành lập từ thế kỷ thứ 11, nơi đây thường được gọi là trường đại học đầu tiên ở Châu Âu và suốt 10 thế kỷ nó chưa bao giờ ngưng hoạt động nên cũng là ngôi trường xưa nhất thế giới hiện còn vận hành.

Ngày nay thì cả phố cổ Bologna như 1 campus khổng lồ, mỗi ban ngành khác nhau nằm trong một palazzo khác rải rác khắp nơi , nhưng giảng đường giải phẫu này đặc biệt nằm trong khuôn viên trường nguyên bản cổ xưa.Từ teatro cũng có thể được hiểu như là sân khấu, bởi cách thiết kế giảng đường này khá tương đồng với sân khấu nhạc kịch: hàng ghế cho khán thính giả được xây cao lên trong khi vị trí diễn giả nằm ở trung tâm thấp nhất để người xem dù ở vị trí nào trong phòng cũng có thể quan sát toàn vẹn. Tuy nhiên ở đây thì không có đàn hát nhảy múa gì cả, nó được xây vào năm 1673 bởi kiến trúc sư người Bolognese Antonio Paolucci chỉ nhằm một mục đích duy nhất: giảng dạy về giải phẫu học. Vào thời đó thì việc mổ xác là phi pháp, bởi họ cho rằng đây là một sự báng bổ thánh thần và phàm kẻ nào bị phanh thây sẽ không được cứu rỗi vào ngày Phán Xét, thành thử cấm tiệt, dẫn đến hệ quả là sự hiểu biết về giải phẫu học vô cùng hạn chế. Và mỗi năm vài lần, trong sự kiện vô cùng hiếm có khi họ tìm thấy một người chết được đặc cách hiến mình cho y học trong tình trạng toàn vẹn, còn "tươi mới" và có lẽ quan trọng nhất là không có mầm mống bệnh truyền nhiễm, các sinh viên, giáo viên, bác sĩ, y tá từ khắp nơi sẽ đổ xô về chen chúc trong khán phòng này, và ở cái bàn cẩm thạch nơi chính giữa căn phòng sẽ có một xác người nằm đó, được phanh ra một cách nghiêm cẩn trịnh trọng. Trong căn phòng được dựng bằng gỗ vân sam lèn kín người, giữa mùi nồng của máu thịt hôi tanh và đầy nội tạng đó, những kiến thức đầu tiên về cơ thể người, về giải phẫu học đã được ghi chép lại.

Trần nhà được khảm hình ảnh mười bốn chòm sao và thần Apollo - vị thần bảo trợ của y học - ngự ở tâm điểm. Chủ đề chiêm tinh học được lựa chọn dựa vào một niềm tin cổ xưa rằng mỗi bộ phận trên cơ thể ta đều được phù hộ bởi sao trời, và trước khi kê đơn thuốc, người y sĩ (hay thầy đồng) sẽ viện đến những chòm sao nhằm cầu xin lời chỉ dẫn từ chư vị thánh thần.

Vào thế chiến thứ 2, giảng đường này đã bị dội bom và hủy hoại nặng nề. Công việc trùng tu đã được bắt đầu ngay sau đó và chỉ cần 6 tháng để căn phòng trở lại nguyên dạng. Đội ngũ chuyên gia còn cẩn thận phân tích tình trạng lớp gỗ xưa, phủ lên chúng những lớp bảo vệ đặc biệt nhằm chống lại mối mọt và nhất là những mầm bệnh virus có thể đã tích tụ trong căn phòng sau bao nhiêu thế kỷ phục vụ cho công việc giải phẫu học.

ITO JAKUCHU phần 4: Parinirvana by Phuong Nguyen

Gần bước sang độ tuổi lục tuần, Ito Jakuchu dành hết tâm tư cho thủy mặc, bút pháp của ông thời gian này nhiều phần giản lược so với những tác phẩm thời kỳ trước, ông ngày càng rời xa việc tả thực mà nghiêng về phần tả ý. Nét cọ của ông ngày càng phóng túng ít trau chuốt, ông phó mặc kết quả của bức tranh cho sức lan tỏa tự thân của mực và nước trên nền giấy gasenshi, và đặc biệt ở chính điểm này, tư tưởng của ông đã dịch chuyển từ lối vẽ cầu kỳ sang trọng của họa gia cung đình sang lối vẽ tả ý của tầng lớp văn nhân họa ở Trung Quốc, với bút pháp khảng khái bình dị, mượn đường nét giản lược thể hiện tâm ý và nội hàm bên trong vạn vật tự nhiên.

Tuy nhiên, các tranh thủy mặc của Ito Jakuchu dù đi theo đường lối tả ý về sau đều được xây dựng trên một nền tảng vững chắc vừa kỹ thuật dụng bút, vừa đôi mắt quan sát tinh tường được tôi luyện hơn ba mươi năm, nên đường nét trong tranh thô nhưng không vụng, giản kiệm mà không tỏ vẻ cẩu thả khinh suất. Đường nét dứt khoát, tạo hình đơn sơ, đậm nhiều hơn nhạt mà vẫn thể hiện được cốt cách thanh tao và sự mềm mại thanh thoát của sự vật tự nhiên. Tiêu biểu có thể kể đến bộ đôi Mẫu đơn và Quả Bầu, được ông sáng tác vào khoảng những năm 50 tuổi. Cả hai giống cây này đều đã được ông khắc họa trong bộ Doshoku Sai-e với lối công bút cầu kỳ sang trọng, miêu tả chính xác, tỉ mỉ hình dáng thật của chúng. Tuy nhiên trong phiên bản thủy mặc thì chúng lại mang một dáng hình hoàn toàn khác. Tranh ông thường không đa dạng sắc độ mà chỉ hai màu đen trắng, trong đó màu trắng đã là màu của giấy, với một sắc độ xám duy nhất trung hòa. Tạo hình hoa lá, hòn đá, quả bầu đều khá đơn giản với những nét nhất giác gãy gọn, thường mang tính hình học cao, gợi nhớ đến một bức tranh nổi tiếng của thiền sư Sengai Gibon, nơi ba hình thái căn bản vuông tròn, tam giác này là cái cấu thành nên thế giới rộng lớn, phong phú vô cùng trong vũ trụ.

Một số tranh thủy mặc của Ito Jakuchu có thể xếp vào dòng tranh thiền họa, bởi cách ông sắp xếp chủ đề bất đối xứng trên nền giấy mỏng mênh mông khoảng trống, kết hợp với bút pháp Nhất giác gợi nên cảm thức tàn khuyết sabi, bên cạnh thiên nhiên là chủ đề yêu thích, ông cũng thường vẽ chân dung những huyền thoại lớn như Bồ Đề Đạt Ma, Bát Tiên Bất Tử trong Đạo giáo, Hàn Sơn Thập Đắc… Trong đó không thể không nhắc đến bức tranh thủy mặc độc đáo và kì lạ nhất của ông là Thái Niết Bàn - Vegetable Nirvana, nay nằm tại bảo tàng quốc gia Kyoto. Bức tranh miêu tả lại một trong những khung cảnh kinh điển nhất trong điển tích Phật giáo khi Đức Phật Thích Ca nhập cõi Niết Bàn ở Kusinagara, dưới gốc hàng cổ thụ sa la. Ngài nằm xuống nghiêng về bên phải, đầu hướng về phương Bắc và viên tịch giữa đêm thâu giữa tiếng khóc than của tôn giả Anan, các vị Bồ Tát, Tỳ Kheo, cư sĩ, ngay cả muông thú cũng tề tựu trong nỗi thống khổ tiếc thương Đức Phật. Khung cảnh trầm mặc linh thiêng này lại mang một dáng dấp dị thường có phần hài hước trong phóng tác của Ito Jakuchu, bởi ông thay thế tất cả nhân vật thành các loại rau củ. Tám cội sala biến thành tám cây bắp, các Đại đức, tỳ kheo và muông thú mượn hình dáng vô vàn các loài cây trái từ đào, mận, chanh, bí ngô, cà tím đến gừng, khoai lang, măng và nấm… Ở phía trên góc trái ta nhác thấy hình ảnh hoàng hậu Maya trong hình ảnh một trái gấc đỏ! Và nằm ở trung tâm, Đức Phật Thích Ca chính là một củ cải trắng cỡ đại và Ngài đang nằm trên một chiếc rổ đan úp ngược, trên đầu củ cải vẫn còn ngọn lá, là một chi tiết Ito Jakuchu tinh tế không bỏ qua nhằm thể hiện chính xác tư thế Đức Phật nằm trong nguyên tác.

Sinh ra và lớn lên ở phố chợ trong một hàng rau nổi tiếng, và đã nhiều năm đích thân điều hành công việc giao thương như người chủ gia đình, Ito Jakuchu hẳn nhiên rất quen thuộc với các loại rau củ, nắm bắt tường tận không chỉ dáng hình mà đặc tính nội hàm của chúng. Và ông cũng nảy sinh một cảm tình đặc biệt với những thứ rau củ bình dân này. Ta thường nghĩ rằng thực vật là những tạo vật vô tri vô giác, nhưng trong tranh của Ito Jakuchu, những đường nét đậm nhạt của mực sumi đơn sơ mà sống động đã thổi hồn vào chúng, đặt vào chúng những xúc cảm rất con người, như lòng thành kính, nỗi tiếc thương…. Đây là một góc nhìn rất đặc trưng của người Nhật, của Thần đạo, rằng thần linh hiện diện khắp nơi trong tự nhiên; trong hòn sỏi, nắm đất, trong thác nước, mạch ngầm, trong ngọn cỏ, nhụy hoa, trong chiếc lá rơi, trong rong rêu, kiến mối, trong tự nhiên có tám triệu vị thần, và khi ông cho chúng đóng vai của chư vị thánh thần, ông trao gửi cho chúng một thứ hơn cả nhân tính, đó là Thần Tính. Việc lựa chọn củ cải làm hình tượng của Đức Thích Ca cũng là một sự thú vị, bởi trong ẩm thực của người Nhật, củ cải là một thứ rau củ khá thông dụng, ta có thể bào sợi, bào nhuyễn ăn sống cùng sushi, tàu hũ tươi, cũng có thể muối chua, và chắc chắn củ cải là thứ không thể thiếu trong các món súp và món hầm. Nói không ngoa, củ cải là thức rau quan trọng nhất trong bếp Nhật. Phật hiện diện ở khắp nơi, ngay cả trong chiếc rổ nhỏ chứa đựng các loại rau củ náu mình trong một góc tối và mát mẻ nơi chạn bếp.

Theo nhiều sử gia, động lực để Ito Jakuchu tạo ra tác phẩm này có lẽ đến vừa để tôn vinh lịch sử gia đình và hàng rau gia truyền, vừa để tưởng niệm cái chết của mẹ ông. Ito là một người rất trọng nghĩa tình gia đình, chẳng hạn như sự kiện cúng dường 33 bức tranh của bộ Doshoku Sai-e đã được sắp xếp sao cho trùng khớp với đám giỗ 33 năm khuất núi của cha ông. Để ủng hộ cho giả thiết này, một nhà nghiên cứu mang tên Hayashi Susumu đã chỉ ra rằng hình dáng chẻ đôi của củ cải nhìn như đôi chân là một biểu tượng cho sự phì nhiêu, sinh sản và bởi vậy mà nó là ẩn hình cho tính nữ. Bên cạnh đó, hình ảnh củ cải nằm trên chiếc rổ đan gợi nhớ đến một vị thần nữ trong truyện cổ Kojiki, vị thần này đã nhảy một điệu nhảy hết sức gợi tình trên một chiếc rổ, thu hút sự chú ý và dẫn dụ nữ thần mặt trời Amaterasu khỏi hang nơi nàng ẩn náu. Thêm vào đó, một củ cải hai chân vào thời Edo là một món đồ cúng dường thông dụng đến Thần Tài Daikokuten, người mang đến vinh hoa phú quý. Và theo đó, dụng ý của Ito Jakuchu trong bức tranh này có lẽ không chỉ đơn thuần là lòng tưởng nhớ đến người mẹ đã khuất, mà còn chứa đựng nỗi cầu mong rằng cơ nghiệp gia đình sẽ phát triển phồn thịnh. Dù đã tách rời khỏi hàng rau Masugen, trong lòng Jakuchu gia đình vẫn chiếm một vị trí hết sức quan trọng, mật thiết và ông luôn lặng lẽ dõi theo họ theo cách riêng của mình.

ITO JAKUCHU Phần 3: Con đường Thủy Mặc by Phuong Nguyen

Sau khi hoàn thành kiệt tác để đời là bộ tranh Doshoku Sai-e và chuyển giao toàn bộ cho thiền viện Shokokuji, cuộc sống của Ito Jakuchu những năm sau đó có phần bình lặng. Tại Edo bấy giờ ông được xem như là một trong những danh họa nổi tiếng nhất bên cạnh Maruyama Okyo. Tuy nhiên trái ngược với Okyo sau khi thành danh vẫn trung thành với phong cách cá nhân, thu nhận rất nhiều môn đồ rồi thành lập một họa phái riêng, thì Ito Jakuchu quay lại với cuộc sống ẩn dật. Tuy nhiên danh tiếng của Ito đã vang xa, những năm sau đó ông có vài yêu cầu vẽ cửa trượt cho vài ngôi chùa tại Osaka và Shikoku mà hầu hết đều là những chủ đề ông đã quen thuộc như gà trống và hoa cỏ tự nhiên trên những tấm cửa trượt thếp vàng. Trong đó có bộ cửa trượt Hanamaruzu tại thần điện Kotohira-gu thuộc Shikoku, khắc họa 201 các loại kì hoa dị thảo. Thời gian còn lại, ông thử nghiệm những chất liệu sáng tác mới.

Một trong số đó là tranh in mộc bản taku-hanga. Từ đây ông đã vẽ nên một cuộn tranh mang tên “Yokyoshu" (伊藤若冲画) miêu tả hành trình xuôi dòng Yodo trên con thuyền nhỏ cùng người bạn thân là tu sĩ Daiten. Phương pháp in âm bản này mô phỏng kỹ thuật tranh mài đá (stone rubbing) thời xưa từ Trung Quốc, khi mà đường nét được khắc chìm thay vì nổi nên khi in trên giấy đường nét sẽ mang màu trắng trên nền đen, và nó đối nghịch với tranh mộc bản thông dụng thời edo. Không nhiều nghệ sĩ theo đuổi phương pháp này vào thời của Ito Jakuchu và có thể xem như đã suýt soát thất truyền. Ông có thể đã tìm cảm hứng cho những tác phẩm này từ người thầy khi xưa là Ooka Shunboku, người đã cho ra rất nhiều tranh in âm bản trong những tập ehon.

Image source: THE MET

Xuyên suốt cuộn tranh dài là quang cảnh cố đô hai bên dòng sông Yodo nối liền Kyoto với Osaka, nền trời đen như mực gợi tả nên một quang cảnh hư ảo hiếm thấy trong những sắc tranh đương thời, gợi tả một bầu không khí trầm mặc buổi đêm, đâu đó là bản làng nho nhỏ giữa ngọn đồi, mái chùa nhấp nhô giữa thung lũng đầy cây tuyết tùng trải dài bên dòng sông lớn, và trên bầu trời điểm những bài vịnh được chấp bút bởi người bạn thân của mình.

Vào những năm 50 tuổi, Ito Jakuchu hầu như không còn sáng tác thêm một bức tranh màu nào nữa mà chỉ chuyên tâm vào dòng tranh thủy mặc. Ông dường như không muốn dậm chân tại chỗ, bấu víu vào ánh hào quang đã đi qua cuộc đời mình. Doshoku Sai-e đánh dấu tài năng rực rỡ của ông với dòng tranh công bút hoa điểu, sau khi thành tựu này đã được ghi nhận, ông lẳng lặng gấp nó lại, bước qua một trang mới. Đây là thời kỳ mà ông dấn sâu hơn nữa vào cuộc đời cư sĩ, và thủy mặc là một hướng đi phù hợp với tâm nguyện đó.

Là một họa sư tự học, Ito Jakuchu nghiên cứu bút pháp thủy mặc qua phương pháp lâm mô truyền thống. Những mối quan hệ thân tình trong giới tăng lữ đã giúp ông được vào nhiều kho bảo vật của đền tự, nơi lưu trữ rất nhiều những bức tranh từ danh họa Trung Quốc thời xưa. Khởi đầu, ông lâm mô rất nhiều tranh chủ đề tôn giáo, trong đó có bộ tranh Thập Bát La Hán. Một số những bức tranh gốc từ họa sĩ Trung Quốc không xác định vẫn còn được lưu trữ tại Osaka, đối chiếu với tác phẩm của Ito Jakuchu, có thể thấy ông rất tôn trọng nguyên bản, nhưng đã có sự phóng tác cá nhân trong cách đi bút mà sau này sẽ định hình thành bản sắc riêng của ông. Một tác phẩm khác trong thời kỳ này của Ito Jakuchu là bộ tranh đôi Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Bồ Tát, cũng là lâm mô từ nguyên bản của Wu Daozi, một họa gia kiệt xuất thời nhà Đường. Khi quan sát các tác phẩm này của ông, ta nhận ra phẩm chất khác của Ito Jakuchu đó là trong phần lạc khoản, ông thường ghi chú lại xuất xứ cũng như bày tỏ lòng trân trọng đến những họa gia đời trước, chẳng hạn trong tác phẩm Hổ và Trúc, là một motif ông đặc biệt yêu thích và đã vẽ lại nhiều lần, phần lạc khoản viết rằng, “Vẽ từ tự nhiên mà không có mẫu vật là bất khả. Vì đất nước ta không có loài hổ dữ, tôi chỉ có thể mô phỏng dáng hình chúng từ nguyên tác của họa sư Mao-I.” Ông cũng đã ghi chú tương tự trong các tác phẩm khác như Phượng Hoàng, Tam Thế Phật.

Những tác phẩm này đều được vẽ trên nền giấy gasenshi, tiền thân là giấy Tuyên, một loại giấy mỏng mềm có xuất xứ từ Trung Quốc. Từ thời Edo các nhà làm giấy tại Nhật đã thành lập nhiều công xưởng, đưa vào sản xuất đại trà để đáp ứng nhu cầu của các họa sĩ địa phương. Đây là loại giấy mà Ito Jakuchu yêu thích, nhờ tính nhuận mực mà phù hợp cho việc vẽ thủy mặc và thư pháp.

Tác phẩm thủy mặc nguyên bản đầu tiên và nổi bật nhất của Ito Jakuchu là bộ cửa trượt và tranh trục cuộn cho chính điện Dai-shoin thuộc thiền viện Rokuonji. Các tác phẩm này được trưng bày trang trọng trong thiền viện ở những góc nhỏ như tủ âm tường chigaidana và hốc tokonoma, đồ sộ nhất phải kể đến bộ cửa trượt bốn tấm cho năm căn phòng lớn, lần lượt mang tên gọi: Giàn nho, Tùng và Hạc, Chim Sáo và Cây Chuối, phòng thứ tư gồm ba bộ tranh là Gà Trống và Cúc Đại, Gà Mái, Thu Hải Đường và căn phòng cuối cùng là Tre Trúc. Ông nhận lời cho dự án đầy tham vọng này khi mới 45 tuổi, trùng với thời điểm ông đang hoàn thiện mười bức tranh đầu tiên trong bộ Doshoku Sai-e, và bút pháp ở những tác phẩm thủy mặc này thì lại vô cùng tương phản với bộ tranh màu. Nếu như những bức tranh màu được vẽ trên mặt lụa của ông khắc họa thiên nhiên sinh động và chân thật với những nét cọ được tính toán kĩ lưỡng, dày đặc chi tiết, hòa sắc lung linh, đường nét mỏng manh đan quyện vào nhau, thì các tác phẩm thủy mặc của ông lại thường đi theo hướng tả ý với bút pháp nhất giác phóng túng có phần trừu tượng, thể hiện qua những vệt bút khô dày gãy gọn, sắc độ khi êm đềm, khi đậm đặc tương phản, toàn bức tranh lại mênh mông khoảng trống, đẫm tính Thiền.

Vì nhiều khoảng trắng, qua các bức tranh này ta thấy được sự tinh tường của ông trong việc sắp đặt bố cục của các chủ thể trong tranh như cành cây, hòn đá, từng chiếc lá và tư thế chim muông để chúng khéo léo dẫn dắt đôi mắt người xem mà vẫn không khiên cưỡng làm khô cứng vẻ tự nhiên của chúng. Trong bức giàn nho, bố cục được ông dàn trải sao cho tầm nhìn của ta khởi đầu từ góc phải trên xuống dần góc trái bên dưới, trong tấm cửa trượt cuối cùng tưởng trống trơn, ông điểm xuyết một chi tiết nhỏ mà tinh tế vô cùng là chú chim nhỏ vút bay vào khoảng không đang ngoái đầu nhìn lại để tạo thế cân bằng.

Bố cục này cũng được ông lựa chọn cho bức tranh thứ hai là Tùng và Hạc. Thân tùng thô ráp với những vệt bút đậm dày nghiêng về phía một con hạc trắng nghiêng mình ở trung tâm bức tranh, và đổ lên người nó là những cành cây dày lá. Các nhà sư đã tán thưởng bức tranh này với bút pháp tươi mới, bởi thay vì tỉ mẩn vẽ từng chiếc lá với một cây cọ nét mỏng, vốn là cách vẽ tùng thường thấy, ông gợi tả sự lởm chởm và khô cứng của lá kim bằng cách dùng cọ hake, một loại cọ mỏng, rộng bản để đi những mảng lớn, gợi nhiều hơn tả mà vẫn giữ được tinh túy của loài cây. Nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết nên cụm từ “tự nhiên trừu tượng” (abstract nature) để miêu tả bút pháp đặc trưng này của Ito Jakuchu, nhưng một lần nữa, bút pháp này là một sự kế thừa và phát triển từ quá khứ. Trong bức tranh Tre Trúc, giáo như Tsuji Nobuo cho rằng ông đã học hỏi thủ pháp vẽ tre này từ tăng họa sư Trung Quốc tên gọi Mục Khê. Tuy nhiên Ito Jakuchu đã đưa phong vị cá nhân của mình vào khi ông kết hợp những mắt tre tròn dẹp giữa những đốt tre được vẽ bằng hai nét song song uốn lượn, ông kéo chúng lên cao rồi nhấc bút đột ngột để vệt bút đen thình lình tan vào khoảng trống.

Bức tranh Thu Hải Đường có lẽ là bức đặc sắc nhất. Ông khắc họa bụi hoa khá gần với hình ảnh thực của loài cây này và nó gợi ta nhớ đến kỹ năng công bút điêu luyện trong các tranh màu, khác với sự phóng túng trừu tượng vừa đề cập ở những bức trên. Thu hải đường vốn là loài cây bụi mọc rất thấp, và ông thể hiện đặc tính này khi dàn trải chúng ở phần dưới bốn tấm tranh, chiếm tỉ lệ chỉ khoảng một phần sáu, còn lại phía trên là khoảng không mênh mông, chẳng hề điểm xuyết thêm ong bướm. Sự bất cân xứng này tưởng gây cảm giác chông chênh, nhưng chúng lại gợi nên trong lòng người xem một sự tĩnh mịch lạ thường. Đây có lẽ là bức tranh khởi đầ thể hiện rõ nhất tính Thiền mà ông theo đuổi trong giai đoạn sau của cuộc đời. Cần nhắc lại rằng khi thực hiện dự án đồ sộ này, ông đang đồng thời vẽ những bức đầu tiên của bộ Doshoku Sai-e, để ta có thể thấy sự đa dạng trong cách tiếp cận chất liệu, bút pháp và ông đã có thể phát huy cả hai lối tiếp cận thật toàn vẹn trong cùng một lúc. Một họa sư đa tài, người không thỏa hiệp chỉ với một phong cách.

Infantile Amnesia by Phuong Nguyen

Infantile Amnesia"
Ink on natural dyed Fabriano paper.

- Infantile amnesia: the inability of adults to recollect early episodic memories, is associated with the rapid forgetting that occurs in childhood.

A portrait of Federico at 4 years old. Inspired to finished this old drawing after Federico reunited with my parents after 3 years apart and he couldn't remember them at all, despite our constant efforts to see each other virtually.

______

He sniffs the flower of maturity
And memories from when he first emerged into this world
drift into oblivion

the sweet scent of mother's milk
the clumsy embrace of father
joyful tears and laughters of grandparents
all fossilized under the pressure of time
his distant past now a buried amber.

the warmth of the womb, his holiest shrine
the voyage through the narrow strait
the first gasp of air at life's gate
all faded away under the blinding light
the innocence, the pureness
locked away in a hidden chamber

-

Sometime I wonder, if by a miracle, these memories were to stay with us always, could we have been a bit more graceful to each other?
if one can remember the extraordinary pain and glory of birth
one will not have the heart to kill...

ITO JAKUCHU Phần 2: Tình bạn với tu sĩ Daiten và Doshoku Sai-e by Phuong Nguyen

Bên cạnh con đường nghệ thuật mà Ito Jakuchu đã dành trọn cuộc đời theo đuổi, cần kể đến con đường tu hành mà ông đã lặng lẽ bước đi từ trước khi nhận ra thiên hướng hội họa. Bẩm sinh là người có thiên hướng cô độc, thời còn trẻ ông khước từ những thú vui trần thế, không thích giao du tiệc rượu, trai gái, và cơ nghiệp gia đình ông được thừa kế lại đòi hỏi Ito Jakuchu trở thành con người hoàn toàn trái ngược bản chất. Sau một lần ông lui về ở ẩn sâu trong vùng núi Tamba, một toán gian thương đã âm mưu cướp lấy hàng rau Masugen khi người thừa tự không có mặt ở đó. Jakuchu không hề mong muốn rằng lối sống của mình gây phiền hà kẻ khác, nên khi vừa nhận được tin, ông tức tốc quay về Kyoto và thậm chí viện đến các cận thần của Shogun để dàn xếp những tranh chấp này. Gần hai thập kỷ sau đó, Ito Jakuchu dành toàn tâm toàn trí cho cơ nghiệp gia đình, mặc dù lối sống này là một gánh nặng tinh thần không hề nhỏ đối với con người chỉ muốn lánh xa trần thế. Như một kết quả hiển nhiên, ông tìm đến Phật giáo và cuộc sống tu hành đã an ủi linh hồn ông, nuôi dưỡng tình cảm trong ông, mang đến những cảm hứng sâu sắc mà sau này sẽ định hình đường lối nghệ thuật của ông. 

Vào độ tuổi 30, trong những ngày nhập môn tu tập Ito Jakuchu đã gặp người bạn thân và cũng là người hướng dẫn ông trên con đường tu hành: tu sĩ Rinzai (Lâm Tế tông) Dai Ten (1719 – 1801) Đây là một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời Ito Jakuchu, bởi Daiten không chỉ là người đã chỉ dạy Ito Jakuchu về Phật Pháp, Thiền học, ông còn là người viết biên khảo về Jakuchu dựa trên những quan sát và trao đổi tâm tình với người bạn thân của mình. Toàn bộ những nghiên cứu về Jakuchu hiện nay khá chi tiết và đầy đủ đều nhờ vào những văn bản mà Daiten để lại. Có thể nói, nếu không có Daiten, hẳn số phận của Ito Jakuchu đã hoàn toàn khác và hậu thế sẽ chẳng biét đến một họa gia kiệt xuất như thế. 

Cuối những năm 30 tuổi, chỉ vài năm trước khi người em Hakusai trưởng thành tiếp nhận hàng rau Masugen, Ito Jakuchu chuyển về sống tại dinh thự thuộc sở hữu của gia tộc bên dòng sông Kamo. Từ đây, phóng tầm mắt về phía đông là những triền đồi xanh mướt ở Higashiyama, dọc theo đó là con nước sông Kamo xuôi về phương nam bên cạnh cố đô tấp nập với những con phố thẳng tắp như bàn cờ. Xưởng vẽ này được ông dặt tên là  Shin’enkan, với chữ Shin nghĩa là “Tâm" và “en" là “viễn", mượn ý từ một câu thơ trong bài “Ẩm Tửu" được chấp bút bởi thi nhân nổi tiếng thời Tấn và Lưu Tống mang tên Đào Tiềm.  

Kết lư tại nhân cảnh, 
Nhi vô xa mã huyên. 
Vấn quân hà năng nhĩ? 
Tâm viễn địa tự thiên. 

Nhà cỏ giữa nhân cảnh, 
Không thấy ồn ngựa xe. 
Hỏi ông: "Sao được vậy ?" 
Lòng xa, đất tự xa. 

Chính tại nơi này, trong một thập kỷ tiếp theo ông sẽ dành trọn thời gian và tâm trí để hoàn thành kiệt tác để đời của mình. 

Xuyên suốt sự nghiệp Ito Jakuchu, chủ đề mà ông khai thác sâu rộng, gây được tiếng tăm lẫy lừng chính là những bức tranh đầy màu sắc về gà trống. Phần lớn những tranh hoa điểu thuộc trường phái Kano, Rinpa thời gian này kỹ thuật điêu luyện nhưng đều thể hiện chim muông trong trại thái “tĩnh", các tư thế của chúng thường tôn trọng quy ước và không có nhiều sự khác biệt giữa những loài khác nhau. Ito Jakuchu, là người học trực tiếp từ tự nhiên thì cho rằng mỗi loài gia cầm không chỉ đa dạng về hình dáng, lông vũ mà còn ở cách chúng giang cánh, bước đi, cái tinh túy của mỗi loài chính là ở sự khác biệt này... Nghiên cứu sâu rộng, tỉ mỉ đến cách sắp xếp từng chiếc lông vũ, ông chọn thể hiện chúng trong trạng thái “động", khi chuyển động của chúng dường như bị ngưng lại trong khoảnh khắc.  Tương truyền cảm hứng cho bộ tranh Doshoku Sai-e đã đến từ chính đàn gà được nuôi trong vườn nhà, ông đã nói với tu sĩ Daiten rằng: “những chiếc lông vũ của loài gia cầm tầm thường được nuôi thả đầy nơi thôn quê làng xã này mới rực rỡ và đẹp đẽ làm sao, ta sẽ bắt đầu tất cả từ đây.” 

Thông tin đầu tiên về bộ tranh này được được ghi nhận vào năm 1760, tu sĩ Daiten đã viết một thông báo đến giới mộ điệu rằng Ito Jakuchu sẽ vẽ nên ba mươi bức tranh hoa điểu để truyền lại cho hậu thế, và 15 bức đã hoàn thành. Chính Daiten là người đặt tên, viết lời giới thiệu cho từng bức tranh. Ito Jakuchu là người không hoạt ngôn, kín tiếng, nhưng nhờ có Daiten hiểu rõ tâm tư và tài năng của người bạn thân không tiếc lời ca ngợi mà danh tiếng về bộ tranh đã lan tỏa nhiều năm trước khi hoàn thành. Trong một biên khảo, ông đã trích dẫn lời Ito Jakuchu trong quá trình vẽ nên bộ tranh Doshoku Sai-e: 

“Những thứ ta gọi là tranh bây giờ chẳng khác gì bản sao của những bản sao, tôi chưa từng thấy một bức tranh được vẽ dựa trên những sinh vật sống. Các họa gia đương thời chỉ nghĩ xem với những kỹ thuật cóp nhặt được thì nên vẽ làm sao để tranh bán chạy, nhưng tôi đến nay vẫn chưa thấy một ai thể hiện được một kỹ thuật và tinh thần siêu việt. Tôi khác họ, bởi tôi có những khát vọng cao cả hơn thế.” 

Sau đó, Daiten chia sẻ thêm rằng, “Jakuchu không có một tài năng nào hơn ngoài hội họa, ông không có tham vọng nào khác, cũng không bày tỏ sự hứng thú với lạc thú ở đời mà chỉ ngày ngày nỗ lực rèn luyện bản thân, mong muốn qua những bức tranh này ta có thể chạm đến một thế giới huyền ảo. Chính vì thế mà Jakuchu có thể tái hiện thật chân thực và sinh động muôn loài, không chỉ hình dáng bên ngoài của chúng mà cả linh hồn tiềm ẩn bên trong. Để thể hiện được sức sống của chúng, ông khéo léo sắp đặt bố cục, tập trung vào từng chi tiết nhỏ bé với những màu sắc đẹp đẽ và rực rỡ nhất. Cung cách làm việc này, là cái mà những thợ vẽ ta đấy đầy rẫy ngày nay không thể nào sao chép nổi.” 

Bộ tranh Doshoku Sai-e gồm có ba bức Thích Ca Tam Thánh và 30 tấm tranh lụa lớn thể hiện muôn loài rực rỡ được vẽ theo phong cách tranh hoa điểu của hội họa cung đình Trung Hoa. Trong bộ tranh này vốn có thêm vài tác phẩm thủy mặc, nhưng đến cuối cùng Ito Jakuchu đã loại chúng ra và chỉ tập trung vào tranh màu sử dụng màu khoáng vẽ trên mặt lụa. Khác với các tác phẩm chủ đề tôn giáo thường khắc họa chân dung chư Phật mười phương, cõi Tịnh Độ cùng các điển tích Phật Giáo, các sinh vật huyền thoại cao quý như long phụng... các bức tranh của Ito Jakuchu lại hướng về một thế giới tự nhiên gần gũi hơn với con người trần thế. Đặt chúng trong một khung cảnh mô tả lại bầu sinh quyển tự nhiên, ông khắc họa các loại gia cầm từ gà, vịt ngỗng đến các loài biết bay chim như sẻ, chìa vôi, bên cạnh đó còn có côn trùng, lưỡng cư, các sinh vật hải dương gồm các loài cá thường gặp quanh vùng biển Nhật Bản và loài giáp xác. Ito Jakuchu vốn sinh trưởng ở phố chợ tấp nập hàng rau hàng cá nên hẳn từ đây ông có được đôi mắt quan sát tự nhiên sắc sảo, nhưng bên cạnh đó bộ tranh này còn cho thấy tư tưởng Thiền trong ông, khi ông chọn thể hiện những sự vật mắt thấy tai nghe, những sinh vật bé nhỏ mà ta thường lướt qua trong cuộc sống thường nhật.  

Ito Jakuchu bắt đầu vẽ bộ tranh vào khoảng năm 1755 và ông mất ba năm để hoàn thành 12 bức tranh đầu tiên, 12 bức tiếp theo cùng bộ Thích Ca Tham Thánh (gồm có ba bức tranh rời thể hiện Đức Thích Ca Mâu Ni ngự trên đài sen, bên cạnh là Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử xanh và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà) trong vòng 4,5 năm sau đó, và vào khoảng năm 1770, ông hoàn thành 6 bức cuối cùng. Bộ tranh Thích Ca Tam Thánh, theo lời Ito Jakuchu, là lâm mô tác phẩm cùng tên của một họa gia chuyên vẽ tranh Phật thời Tống tên Chang Ssu-kung. Bộ tranh được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1775 tại tu viện Shokokuji, nơi Daiten trụ trì. Bộ Thích Ca Tam Thánh được treo ở trung tâm và 30 bức còn lại xung quanh trong đại điện, ngụ ý muôn loài quây quần cùng nhau ca tụng cõi Tịnh Độ và những bài giảng của Phật Thích Ca. Đây là một motif khởi nguồn từ thời Kamakura, và hẳn Ito Jakuchu đã dựa theo đó để thực hiện bộ tranh của mình ở một quy mô vô tiền khoán hậu. 33 bức tranh tổng cộng cũng là một con số quan trọng trong Phật Giáo, bởi Quán Thế Âm Bồ Tát vốn được thờ phụng rộng rãi trong thời Edo cũng có 33 hóa thân. Là một cư sĩ, Ito Jakuchu hẳn không ngẫu nhiên mà chọn hoàn thành bộ tranh với con số này. 

Trong chứng thư mà có lẽ Daiten đã chấp bút thay cho người bạn của mình (Ito Jakuchu khá vụng về chữ nghĩa) có nêu lên rằng, “Từ khi nhe nhóm ý tưởng trong đầu, tôi đã biết rằng bộ tranh Doshoku Sai-e này không để dành cho thế giới trần tục (có lẽ ý ông là không để buôn bán nhằm sinh lợi cho bản thân) mà dể dâng lên chư thần. Nay tôi xin dâng toàn bộ bộ tranh này đến thiền viện Shokokuji, mong rằng với sự bảo hộ của thiền viện bộ tranh này sẽ được gìn giữ cẩn thận cho hậu thế.” 

Bên cạnh đó, ông còn có một yêu sách nhỏ là sẽ được chôn cất tại Shokokuji sau khi qua đời. Quyết định dâng tặng bộ tranh này đến thiền viện và mong muốn được an táng tại đó có lẽ đến từ cái chết đột ngột của người em trai Sojaku, bởi chứng thư kia được viết chỉ 11 ngày sau tang lễ. Là một Phật tử, Ito Jakuchu có lẽ đã rất trăn trở về cuộc đời hữu hạn này và muốn chuẩn bị hậu sự của mình thật chu đáo để ông có thể an lòng tập trung vào công việc sáng tạo trong những tháng năm còn lại của cuộc đời. 

Sau sự kiện ra mắt bộ tranh tại thiền viện Shokokuji, danh tiếng của Ito Jakuchu nay càng lan xa, vô số họa nhân cùng thời và các ngài chức cao trọng vọng đã thân chinh đến tận Kyoto để tận mắt chiêm ngưỡng. Một trong số những người mến mộ tài năng của ông là hoàng tử Nikko Jungogu Kojun, con trai Thiên Hoàng Nakamikado. Hoàng tử từng theo học Hán văn từ Daiten và khi biết đến bộ tranh Doshoku Sai-e, ông đã đến thăm thiền viện vào năm 1783, toàn bộ các bức tranh vốn ngày thường được cuộn lại và bảo quản trong kho bảo vật đã được treo lên để hoàng tử thưởng lãm. 

Bộ tranh Doshoku Sai-e may mắn còn nguyên vẹn sau trận đại hỏa hoạn năm 1788 và một cơn địa chấn khủng khiếp vào năm 1830. Tuy nhiên thiền viện Shokokuji đã bị hủy hoại phần lớn, dù được phục dựng nhưng không bao giờ có lại sức ảnh hưởng lớn rộng khi xưa. Vào năm 1889, thị trưởng Kyoto đã quyết định trao tặng toàn bộ 33 bức tranh Doshoku Sai-e đến Hoàng Gia Nhật Bản, như một lời cảm tạ sau khi Hoàng Gia chi một khoản tiền lớn để tu bổ thiền viện Shokokuji. Điều này có nghĩa rằng không những bộ tranh nay sẽ được bảo tồn thật chu đáo, nó sẽ không rơi vào tay người ngoại quốc. Theo một số ghi chép, hai nhà sưu tập lớn đến từ phương Tây là William Sturgis Bigelow (Người sưu tập rất nhiều tác phẩm khác của Ito Jakuchu và là người đầu tiên trưng bày các bức tranh của ông tại Bảo tàng mỹ thuật Boston) và Ernest Fenollosa đã từng đề nghị mua lại bộ tranh Doshoku Sai-e nhưng trụ trì khi đó của Shokokuji đã kiên quyết từ chối. 

Năm 1926 là năm đầu tiên bộ tranh này được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng Gia Nhật Bản mở cửa rộng rãi đến công chúng. Và năm 1989 là năm đầu tiên tại Mỹ có một triển lãm quy mô lớn dành riêng cho một họa gia Nhật Bản - Ito Jakuchu, 13 trong số 33 cuộn tranh được trưng bày, mở đầu cho những nghiên cứu sâu rộng hơn về cuộc đời Jakuchu, góp phần đưa tên tuổi của ông và bộ tranh Doshoku Sai-e ra khỏi biên giới nước Nhật.