ITO JAKUCHU (PHẦN 1): Tổng quan về cuộc đời by Phuong Nguyen

Title: White Plum Blossoms and Moon

Artist: Itō Jakuchū (Japanese, 1716–1800)
Period: Edo period (1615–1868)
Date: 1755
Culture: Japan
Medium: Hanging scroll; ink and color on silk

Ito Jakuchu | 伊藤 若冲 (1716 - 1800) hiện được xem là một trong những danh hoạ quốc bảo của Nhật Bản. Mặc dù sở hữu bút pháp điêu luyện người đương thời hiếm ai sánh bằng và không dễ dàng sao chép, nhưng Ito Jakuchu vốn không phải là con nhà nòi và bắt đầu sự nghiệp hội hoạ khá muộn. Ông sinh ra và lớn lên vào giai đoạn trung kỳ Edo, khi nước Nhật đã bế quan toả cảng, tại quận Nishiki vốn là phố chợ sầm uất lâu đời tại Kyoto. Gia đình ông là hàng rau có tiếng đã hoạt động qua ba thế hệ, và Ito Jakuchu, thân là con trưởng, sẽ là người thừa kế thứ tư. Vì lẽ đó mà cuộc đời thanh thiếu niên của ông không có nhiều ghi chép, ông vốn chỉ học gảy bàn tính, kỹ năng giao thương, quản lý tiền bạc là những kỹ năng cần thiết cho con buôn kẻ chợ. Khi Ito Jakuchu vừa tròn 23 tuổi thì cha ông qua đời và ông chính thức trở thành Masugen đời thứ tư, thay cha gánh vác cơ nghiệp. Nhưng bản tính ông có phần ẩn dật không hợp chốn thương trường, cũng không đam mê vật chất lẫn những thú vui trai gái xa hoa. Ngoài việc đảm đương cơ nghiệp gia đình (mà ông không mấy mặn mà), ông thường xuyên lánh vào núi ở những thiền tự hẻo lánh, có khi mấy tháng trời biền biệt không thư gửi, gia đình ngỡ ông đã mắc bệnh qua đời.

Không rõ ông bắt đầu vẽ từ khi nào, nhưng chắc chắn không sớm như những hoạ gia cùng thời, chẳng hạn Maruyama Okyo vốn đã thể hiện thiên phú hội hoạ từ rất trẻ. Nhiều ghi chép cho rằng ông bắt đầu vẽ khoảng năm 20 - 25 tuổi, như một thú vui quạnh quẽ trong những ngày tháng tu hành nơi thâm sơn cùng cốc. Theo những ghi chép của tu sĩ Daiten (1745-1805) người bạn thân thiết của Ito Jakuchu cho ta thấy, ngoài việc vẽ tranh, Ito Jakuchu không bày tỏ sự hứng thú đối với bất kì điều gì khác. Ông không thích học, viết chữ rất vụng, những kỹ năng cần thiết để quản lý hàng rau Masugen dù đều đã học qua nhưng ông lại khá vất vả khi phải bắt tay vào công việc đó. Ông càng không mặn mà với lạc thú, không thích đi đến tửu lầu hay tham dự tiệc ra mắt, vật chất xa hoa cũng không đoái hoài. Bản tính ông chỉ thích làm việc trong cô độc, ngày qua ngày miệt mài vẽ tranh, lấy việc nhìn thấy đôi tay ngày càng trở nên điêu luyện làm niềm vui.

Ba mươi năm đắm chìm trong hội hoạ với ông trôi đi thật nhanh như thể chỉ thoáng qua một ngày. Vào thời điểm này hầu hết các hoạ sư thường xuất thân hoặc theo học trường phái Kano hoặc Rimpa, vốn là hai trường phái danh tiếng nhận được rất nhiều hỗ trợ về tiền bạc lẫn quyền lực, nhưng ông cho rằng những hoạ gia cùng thời chỉ chăm chăm vào việc phô diễn kỹ năng, tái hiện cảnh sắc hời hợt, vẽ theo thị hiếu của giới thượng lưu nhằm leo lên nấc thang danh vọng. Họ không còn quan sát tự nhiên mà chỉ sao chép thầy thợ một cách cứng nhắc, vì thế không thể truyền đạt, nắm bắt được cái thần hồn của thiên nhiên sống động. Ở đây cũng cần nhấn mạnh là Ito Jakuchu không hề phủ nhận trường phái Kano, cái ông chỉ trích là thái độ cũng như mục đích không đứng đắn của nhiều hoạ sĩ đã đẩy trường phái này vào lối mòn dẫn đến suy tàn. Ito Jakuchu không đoái hoài đến tiền tài danh vọng, ông muốn trở nên xuất chúng, hơn nữa ông cho rằng dù có cố đến đâu ông cũng không thể sánh bằng những bậc thầy khởi sinh trường phái Kano, ông phải tìm ra con đường riêng cho bản thân mình. Tuy vậy Jakuchu vốn là một người xuất thân không dính dáng gì đến hội hoạ, ông như một người đi lạc trong rừng thẳm mà không có lấy một chiếc la bàn, thành ra những mối quan hệ thân tình cũng như những người thầy đầu tiên chính là tầng đá vững chãi đặt nền móng cho sự nghiệp về sau.

Danh tính hoạ sư ông theo học chưa bao giờ được xác thực, nhưng dấu tích triện thư cũng như bút danh ông dùng trong thời gian đó gợi ý ông đã từng theo học một học giả đương thời là Ooka Shunboku. Ông là một trong những học giả hiếm hoi nghiên cứu về lịch sử phát triển của hội hoạ Trung Hoa tại Kyoto, và đã tái hiện nhiều tác phẩm của các danh hoạ xưa nhằm mục đích khảo cứu cũng như hoàn thiện bộ sách đại cương gồm 6 quyển in mộc bản "ehon" về Trung Quốc hoạ. Có lẽ chính từ Shunboku, Jakuchu đã học hỏi phong cách hội hoạ của các hoạ sư Trung Hoa trước đó một cách tường tận để rồi từ từ phát triển nên phong cách cá nhân độc lập khỏi trường phái Kano. Một trong những người bạn thân tình nhất với Jakuchu là tu sĩ Daiten, họ kết giao từ những ngày tháng tu hành. Về sau này Daiten trở thành trụ trì ở chùa Shokoku-ji tại Kyoto và nhờ đây mà Jakuchu đã được tận mục sở thị nhiều bức hoạ Trung Hoa nằm trong kho bảo vật mà thường dân không thể tiếp cận. Daiten cũng chính là người đã nghĩ ra Pháp danh "Jakuchu" - "Nhược xung" cho người bạn thân của mình. Jakuchu có nghĩa là "hư không", được trích từ đoạn 45 trong Đạo Đức Kinh: Đại doanh nhược xung, kì dụng bất cùng.

Tuy vậy, nỗ lực hệ thống một cách đầy đủ các tác phẩm thời kì đầu của Ito Jakuchu hầu hết chỉ là phỏng đoán, mang tính ước lệ bởi một đặc thù là các hoạ sĩ thời đó không đề ngày tháng trên tranh mà chỉ có thể căn cứ theo dấu triện, thường là biệt hiệu, vốn hay thay đổi. Thêm vào đó với bản tính cầu toàn, Ito Jakuchu có lẽ không muốn để thế giới nhìn thấy những tác phẩm xưa trước khi tài năng của ông đến độ chín muồi. Hơn nữa, sau vụ đại hoả hoạn thiêu rụi phần lớn cố đô Kyoto 1788, cả hàng rau Masugen và xưởng vẽ của ông đều đã bị san bằng, và trong đám tro tàn đó có lẽ là những tác phẩm đời đầu của ông. Những tác phẩm cũ nhất có năm sáng tác đáng tin cậy là năm 1755, khi ông đã quá bốn mươi tuổi. Đây là khi người con thứ trong gia tộc Ito là Hakusai chấp nhận thừa kế hàng rau Masugen, và nhờ vậy mà Jakuchu đã được giải thoát khỏi trách nhiệm gánh vác cơ nghiệp để toàn tâm toàn ý theo đuổi con đường hội hoạ.

Bức Hoa mận dưới trăng (1755) là một trong ba tác phẩm đầu tiên có thể tra cứu được năm sáng tác. Cảnh đêm huyền hoặc được thắp sáng bởi những đoá mận trắng bung nở dưới ánh trăng, và đối lập với sự mong manh của hoa là đường nét gồ ghề, lởm chởm gợi tả một cổ thụ già. Bức vẽ thứ hai là "Đôi Phượng Hoàng trước cảnh bình minh" (1755) là tác phẩm tranh trục cuộn lớn nhất trong tất cả những tranh hoa điểu của ông. Là một hoạ sư chuyên vẽ về thiên nhiên, ông rất xem trọng việc quan sát và ghi chép cách muôn loài sinh hoạt nhằm tái hiện được chúng sống động và chân thật nhất, tuy nhiên, vì Phượng Hoàng là loài chim thần thoại không có thực, ông viết trong lạc khoản rằng "đã vẽ chúng thật phóng túng và thả từng nét cọ đi theo trí tưởng tượng". Tranh vẽ về chim Phụng từng là một chủ đề khá quan trọng và được ưa chuộng bởi các hoạ gia cung đình Trung Hoa. Nhờ vào mối quan hệ thân tình với chùa Shokokuji, Ito Jakuchu có thể đã xem vài bức tranh vẽ Phượng Hoàng từ thời Minh được lưu trữ trong kho bảo vật để tìm cảm hứng. Bức thứ ba vẽ một con hổ, được sáng tác cùng năm 1755. Cũng giống như bức vẽ Phượng Hoàng, hổ khi đó không có tại Nhật Bản, nên Ito Jakuchu đã tham khảo những bức tranh hổ được sáng tác trước đó bởi những hoạ gia cung đình Trung Quốc. Có thể thấy sức ảnh hưởng từ hội hoạ Trung Hoa là một thành tố quan trọng trong việc định hình phong cách cá nhân Ito Jakuchu, không thể lẫn với trường phái nào khác tại Nhật Bản lúc bấy giờ.

Ở tuổi 40, Jakuchu đã hình thành bản sắc cá nhân với kỹ thuật điêu luyện, chặt chẽ, chủ đề phong phú nhưng bút pháp nhất quán, không hỗn loạn. Ông tự nhận rằng điều duy nhất khiến ông khác biệt so với những hoạ gia khác chính là khả năng tái hiện thiên nhiên sinh động rực rỡ, và người thầy dạy cho ông điều này không gì khác ngoài chính tự nhiên. Không còn trách nhiệm với gia tộc nên trong những năm này ông đã cho ra một số lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú, từ tranh cuộn đến cửa trượt thư phòng, bình phong, trước khi dành toàn bộ tâm tư vào thực hiện kiệt tác để đời - bộ tranh Doshoku sai-e (The Colorful Realm of Living Beings) gồm 30 trục cuộn, thể hiện muôn loài rực rỡ sống động trong bầu sinh quyển tự nhiên của chúng. Khi hoàn thành kiệt tác này, ông đã hiến tặng toàn bộ cho Thiền viện Shokoku-ji tại Kyoto cũng chính là nơi người bạn vong niên Daiten trụ trì. Và nguyện vọng của ông đã thành hiện thực. Toàn bộ bộ tranh Doshoku sai-e nay là di sản quốc gia nằm trong bộ sưu tập của hoàng gia Nhật Bản.

Lâm mô "Two roosters and a hen", Ito Jakuchu by Phuong Nguyen

Kế thừa và nuôi dưỡng những điều đẹp đẽ từ quá khứ.

Phương lâm mô bức tranh "Two roosters and a Hen" (trên), hoạ bởi Ito Jakuchu, 1796 (dưới)

Mực mài trên giấy Fabriano artistico

Bức tranh gốc được vẽ vào những năm cuối đời khi ông khoảng 80 tuổi và đã sử dụng nghệ danh Beito-o (lão già vẽ tranh đổi gạo)

Một góc nhìn về Mid Journey từ Yoann Lossel by Phuong Nguyen

Đây là bài viết về chủ đề AI trong nghệ thuật được viết bởi Yoann Lossel - một hoạ sĩ tài năng người Pháp mà mình đọc được vài tháng trước. Nhân sự kiện nhiều hoạ sĩ đang lên tiếng trước việc tác phẩm của họ bị đưa vào hệ thống training AI mà không có sự đồng thuận (trong đó có chính tác giả), mình dịch lại bài viết này.

Bản dịch đã được sự đồng ý của tác giả Yoann Lossel.

Original text: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=697740898390882&id=100044649338879

Hình minh hoạ: Vitruvian Man, từ một "human genius", Leonardo da Vinci

--------------------------------------------------------------

Midjourney / AI in art Part 1 : Ấn tượng đầu tiên

Điều làm tôi trăn trở nhất trước sự xuất hiện của MidJourney và AI trong lĩnh vực đồ hoạ không hẳn là về khả năng chuyển hoá câu lệnh thành hình ảnh với rendering nhìn rõ lừa bịp; cái tôi lo lắng nhất là chúng ta đang giao phó trí tưởng tượng cho một cỗ máy. Ta thường đọc được chỗ này chỗ kia rằng AI chỉ là một công cụ thôi và tình thế này không khác gì so với khi photoshop hay máy ảnh mới xuất hiện (Tôi sẽ trình bày rõ hơn ở phần 2) Tuy nhiên, Midjourney không đơn giản là một phương tiện tinh chỉnh hiệu ứng mỹ thuật, đây là một con artist-bot được lập trình để sáng tác theo yêu cầu dựa trên bộ dữ liệu hình ảnh đồ sộ tạo nên từ thành quả lao động của chúng ta. Đây không chỉ là một công cụ mà là một sự chuyển hoá mô thức trong lãnh vực thiết kế đồ hoạ.

Midjourney (và AI art nói chung) sẽ tác động đến chúng ta theo những mức độ khác nhau. Từ vị trí một người quan sát, anh có thể cảm thấy thích thú trước cuộc hành trình này và thậm chí còn để lạc mất tâm trí trong thế giới kì dị, tăm tối mang âm hưởng từ tranh Beksinski, được tô điểm bằng đường nét uốn lượn mềm mại vay mượn từ tác phẩm của Mucha, và những cảnh tượng kì ảo bất cân xứng khiến ta liên tưởng đến những video game nổi tiếng, và không chỉ dừng lại ở đó.

Tuy nhiên, là một hoạ sĩ, ta biết rõ sự sáng tạo là một con đường quanh co khúc khuỷu mà Midjourney đang lợi dụng điều đó. Chính sự khó nhằn này truyền cho chúng ta cảm hứng, thôi thúc ta vượt qua những giới hạn của chính bản thân, buộc ta phải tưởng tượng ra những thứ không có thật, hay là ghi nhớ những điều thực có tồn tại để rồi có thể tái hiện chúng. Đó là một nguồn sức mạnh kéo chúng ta đi lên, mang đến cho ta năng lượng đầy tràn sức sáng tạo để định hướng, đưa ra những sự lựa chọn. Nghệ thuật không chỉ là một vật thể của lạc thú tạo ra để thoả mãn người xem, đó là một quá trình hoàn chỉnh mà để chúng vận động ta phải bỏ vào trí tuệ, tri giác và xúc cảm, rồi sau đó thâu tóm tất cả lại, biến những giai đoạn rời rạc này thành một tổng thể nhất quán. Không phải ai cũng có khả năng này, nó đòi hỏi kinh nghiệm như tất cả ngành nghề khác - nhưng ai cũng có thể một ngày nọ, thử điều gì đó mới mẻ, cầm cây bút lên vẽ vời, tận hưởng một chút niềm vui sáng tạo. Đây thực chất là một tác động mang chiều hướng tích cực và lành mạnh, không chỉ với từng cá nhân mà còn cả cộng đồng.

Tuy nhiên, Midjourney đặt chúng ta vào một thế bị động hơn trước rất nhiều và tôi lo lắng rằng thay vì thúc đẩy tiềm năng sáng tạo trong ta, MJ sẽ chỉ khiến chúng trở nên tê liệt. Khi ta ủy thác khả năng sáng tạo cho một cỗ máy, ta đang tước đi một vai trò rất quan trọng của nghệ thuật trong việc vun đắp trí tuệ loài người, trong việc tạo ra những thiên tài và dập tắt đi cơ hội kiến tạo nên một thế giới đầy những sáng tạo rực rỡ.

Chúng ta có thể vui thú hoặc thất vọng với những buổi hội hè đang diễn ra bây giờ. Nhưng theo thiển ý của tôi, đừng nên nghĩ về chúng đơn giản như một thành tựu mà ta còn phải dè chừng những hậu quả mà chúng có thể ảnh hưởng đến việc phát triển con người trên một phương diện rộng lớn hơn rất nhiều.

Ngoài ra còn vô số những vấn đề liên quan mà ta thấy rõ trước mắt:

- Vấn đề về bản quyền?

- Làm sao để phân biệt, phân loại những nghệ sĩ sử dụng AI để tạo thành một phần hay tất cả tác phẩm của họ? Nhiều cuộc thi đã vướng phải vấn đề này rồi.

- Một phần rất lớn dữ liệu của MJ được trained dựa trên những tác phẩm có bản quyền, nghĩa là chúng không thể được sử dụng miễn phí, vậy nhưng chúng đã bị đưa vào hệ thống. Tệ hơn thế nữa MJ không phải là một phần mềm phi lợi nhuận, phiên bản đầy đủ cần phải đóng phí thành viên để sử dụng.

- Và một lần nữa, quá trình sản xuất (nghệ thuật) đang được tăng tốc, giảm chi phí, nhằm mục đích sinh lợi cho những tập đoàn tư nhân nhưng lại chà đạp lên công sức lao động của rất rất nhiều người khác.

- Hãy giả định rằng trong tương lai, tác phẩm do AI tạo ra sẽ nhiều hơn tất cả những gì con người từng sáng tạo, và chúng sẽ bắt đầu tự sáng tạo dựa trên bộ dữ liệu mới này (ngày càng độc lập với sự sáng tạo của con người). Tôi tò mò muốn biết ý kiến của bạn về viễn cảnh này.

--------------------------------------------------------------

Midjourney / AI in art Part 2 : Con người kiệt xuất (human genius)

Một người phải hiểu rõ về tính năng của công cụ chứ không thể mơ hồ về khả năng của chúng. Mỗi công cụ đều khác nhau, không thể gom vào chung một rổ. Ngay cả khi chúng khá tương đồng thì vẫn có sự khác biệt ở công sức ta bỏ vào cũng như công việc mà chúng được giao phó. Một cây bút chì và mây tính đều là công cụ (ta có thể dùng chúng để tạo ra cùng một văn bản) nhưng sức ảnh hưởng của hai thứ này đối với nền văn minh thì lại không giống nhau.

Khi nói về sự xuất hiện của AI, ta thường hay nghe những ý kiến so sánh với khi máy ảnh xuất hiện rồi đe doạ hội hoạ truyền thống - nhưng tôi cho rằng chúng hoàn toàn không liên quan. Máy ảnh đã khiến nhiều hoạ sĩ chân dung thất vọng, đặc biệt những người đi theo trường phái cực thực (hyperrealism) nhưng ở đây ta đang nói về một cuộc cách mạng về phong cách. Một chiếc máy ảnh không phải là một công cụ (tool), nó chính xác hơn là một chất liệu biểu đạt (medium) mà ta sử dụng để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Nó không có một bộ dữ liệu đồ sộ, không thể tự tổng hợp nên hình ảnh theo hiệu lệnh, không có một chủ đề (MJ, về một khía cạnh nào đó có một chủ đề, nó tổng hợp dựa trên yêu cầu của người sử dụng) Khi bạn cầm trên tay chiếc máy ảnh, bạn phải sử dụng trí tưởng tượng và đặt ý định của mình vào trong từng khoảnh khắc cho đến khi bạn chạm đến hình ảnh lý tưởng trong đầu.

Bạn có thể lần mò tinh chỉnh một bức ảnh tạo ra bởi MJ nhiều tiếng liền. Nhưng bạn cũng có thể không dùng nó mà vẫn đạt được mục đích, và ở giữa hai cách tiếp cận này là một hố sâu cách biệt khổng lồ. So sánh nhiếp ảnh với MJ giống như so sánh bản đồ giấy và GPS. Nếu bạn chưa bao giờ học cách định vị trước khi GPS xuất hiện, bạn đã bỏ qua nhiều kỹ năng vốn có thể hữu ích trong đời sống ngày thường, chẳng hạn như ước lượng khoảng cách, quản lý không gian và thời gian. Đây là những kỹ năng đóng góp vào khả năng tự chủ, khiến bạn bớt lệ thuộc hơn một chút, bên cạnh đó nó còn giúp phát triển tư duy phản biện. Giao phó trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo cho AI trong khi bạn còn chưa hề phát triển chúng cũng tương tự như thế. Tiềm năng trong bạn sẽ suy yếu

Tất nhiên MJ có thể là một công cụ thú vị dùng để theo đuổi nghệ thuật. Nhưng trước đó người nghệ sĩ cần phải đi một chặng đường sáng tạo rồi đã. Một người có thể đi đường tắt, nhanh chóng tạo ra sản phẩm sử dụng với AI, thậm chí trở nên nổi tiếng mà không cần phải trăn trở với những suy nghĩ này. Nhưng điều quan trọng là con đường quanh co đưa ta đến đích là cái giúp ta phát triển tiềm năng chưa hiển lộ, và những cá thể đầy tiềm năng này sẽ góp phần phát triển cộng đồng mà họ sống trong đó.

Tất cả những thứ ta tạo ra để ủy nhiệm một công việc nào đó, những thứ giúp ta đi nhanh hơn một chút, làm việc ít đi một chút rồi sẽ xuất hiện. Đây không phải là một tình huống giả định với chữ "nếu" mà là "khi nào" chúng sẽ diễn ra.

Câu hỏi ta cần phải đối mặt, đặc biệt với những hoạ sĩ chuyên nghiệp, bạn nghĩ gì về vấn đề này, bạn sẽ phát triển ý kiến của mình ra sao, dựa trên những thông tin, cơ sở nào? Và rồi làm cách nào ta có thể đối thoại với nhau về chúng?

--------------------------------------------------------------

Midjourney / AI in art part 3 : Về Nghệ thuật và thủ công, William Morris và phong trào Avant-Garde

Tôi thường đọc được rằng hoạ sĩ cần phải tự chất vấn phương pháp tiếp cận nghệ thuật của mình và rằng ta cần phải thay đổi bản thân, tự cách tân để đối đầu với sự xâm lấn của AI trong lãnh vực mỹ thuật.

Vai trò của nghệ nhân đã suy giảm rất nhiều sau sự xuất hiện của công nghiệp hoá, khắc nghiệt đến mức họ không bao giờ tìm được một vị trí tương tự trong xã hội mới. Người thợ thủ công giờ đây hoặc phải chấp nhận thực tế rằng giá trị những sản phẩm họ làm ra ngày càng rẻ mạt và vô nghĩa, hoặc với những người còn chút niềm tin, họ xoay sở hành nghề mặc cho vô số những khó khăn về kinh tế bủa vây. Mà đâu chỉ vậy, họ còn phải liên tục nghĩ những lí do mới để bảo vệ ngành nghề và thuyết phục người mua - những người không ngừng so sánh sản phẩm họ làm ra với những thứ được sản xuất hàng loạt trong công xưởng cơ khí hoá.

Đối diện với áp lực phải tự thích nghi và làm mới bản thân mình, phần lớn nghệ nhân trở thành thợ gia công đồ nội thất cho IKEA, dựng những chiếc tủ sách theo phong cách industrial từ ván ép; hay thợ nong nhẫn tại những kiosks bán nữ trang trong siêu thị; hay là thợ may ráp áo khoác cho những hãng thời trang sang trọng nhưng bản thân họ thì chôn vùi trong căn chòi xập xệ lạnh giá. Phẩm giá của nghề thủ công nay đã suy tàn, tay nghề thất truyền, và thành phẩm thì thường kém tinh xảo hơn xưa rất nhiều, chúng bị bỏ rơi khi người thợ chú tâm vào những cách sản xuất khác đơn giản hơn, nhanh hơn mà lại cho ra số lượng lớn hơn rất nhiều sản phẩm.

Xu hướng tiêu dùng của đám đông đã bị thay đổi bởi sự bão hoà của sản phẩm công nghiệp, chúng trở thành một loại hình thẩm mỹ đương đại, và ta vẫn liên tục đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Một sai lầm phổ biến ở đây là người ta dùng hay tưởng bở rằng gu thẩm mỹ này là tự thân họ khám phá, nhưng thực chất không phải như vậy. Ta dần trở nên quen thuộc và ưa chuộng những gì ta thấy đầy rẫy xung quanh sau một thời gian dài. Nó giống như một cái ti giả được tẩm độc vậy.

Người hoạ sĩ tưởng rằng vị trí của anh ta được bảo vệ và rằng số phận anh ta sẽ không kết thúc như những người anh em nghệ nhân. Nhưng sự tách biệt giữa hai ngành nghề này không hề rõ rệt - trong quá khứ tại tất cả thành phố thuộc lãnh thổ Châu Âu, người hoạ sĩ và người thợ đi chung một con đường. Những biến động về văn hoá có thể hoặc làm suy thoái, hoặc thiết lập lại vị trí của người làm nghề dựa trên những tiêu chuẩn mới. Khi ta thoả hiệp với lời mời gọi đi theo phong trào cách tân avant-garde, ta đang chấp nhận sự suy tàn của công việc nghệ thuật và ta dần trở thành một phần của lịch sử như những người anh em thợ thủ công trong quá khứ.

Nếu ta tự hỏi bản thân rằng ta có nên thay đổi phong cách theo một chiều hướng avant-garde hơn để tiếp tục tồn tại dưới tư cách một nghệ sĩ, như một cách đối kháng với sự phát triển thần tốc của công nghệ, ta đã mặc nhiên công nhận rằng ta đang sống trong kỷ nguyên siêu cạnh tranh và ta phải rượt theo sau gót chân những công nghệ đó. Mỉa mai thay, sự phát triển công nghệ này há chẳng phải là để phục vụ cho con người?

Đây thực là cách mà ta muốn tư duy? Đây là cái mà ta đang theo đuổi ư?

Chẳng phải sẽ thú vị hơn khi ta có thể tạo nên một thế giới nơi ai cũng có thể có thể sống đúng với khả năng của họ, trong đó có những người thợ thủ công, những người hoạ sĩ từ chối đi theo con đường cách tân, và ta có thể mở rộng ra những ngành nghề khác nữa. William Morris đã đặt ra vấn đề này từ hơn một thế kỷ trước. Chúng ta cần được đảm bảo rằng thông qua sản phẩm ta làm ra ta có thể nhìn thấy nhân phẩm của chính mình, và rằng ta có thể tìm thấy ý nghĩa trong việc mình làm, rằng những thứ ta tạo ra hữu ích và đẹp đẽ (hai từ này được dùng trong văn cảnh của William Morris) Tôi đã bị thuyết phục rằng ta không thể tránh sự xâm lấn của công nghệ và những xu hướng cách tân sắp tới, nhưng trong lòng tôi luôn có một vị trí nhất định dành riêng cho nghệ thuật và thủ công, nó đem đến cho ta một cái nhìn về những gì ta có thể đạt được nhờ có sự đoàn kết giữa những người làm nghề và tài năng đa dạng của họ.

Lá Chuối - Itō Jakuchū 伊藤若冲 by Phuong Nguyen

"Lá chuối", 1790s
Itō Jakuchū 伊藤若冲

Vào những năm 1790, Jakuchū đã hơn 70 tuổi.

Dù là một hoạ sư danh tiếng bậc nhất ở cố đô, khách hàng của ông thường trong giới văn nhân quý tộc, chỗ bạn bè thân hữu nhiều học giả, thiền sư, Jakuchū về già không sống cuộc đời phong lưu mà lại nhiều phần khổ cực.

Vụ cháy lớn vào năm 1788 tàn phá cố đô Kyoto đã thiêu rụi hàng rau gia truyền vốn là chỗ dựa kinh tế lớn nhất để ông toàn tâm mà theo đuổi hội hoạ từ khi còn trẻ. Mẹ mất, em trai mất, nhà cửa cơ nghiệp không còn. Thật may mắn nhờ có những người bạn vong niên mà phần nhiều là thiền sư, trụ trì tại nhiều ngôi chùa lớn tại Kyoto, ông vẫn còn nơi an trú, tuy vậy để tiếp tục nuôi sống bản thân ông buộc phải nhận thêm nhiều lời yêu cầu vẽ tranh mới. Ở tuổi 75, ông vẫn thường xuyên đi lại giữa Kyoto đến Osaka để vẽ tranh đặt hàng, nhỏ thì vài bức tranh cuộn treo trong trà thất, to thì mấy tấm cửa trượt, bình phong. Cho đến khi những chuyến đi này khiến ông thấm mệt rồi đổ bệnh, Jakuchū mới nhận ra nay ông đã già rồi không thể nhận lời đi xa được nữa, và có lẽ cũng đã quá yếu để vẽ những bức tranh to lớn lộng lẫy vốn cần nhiều thời gian và sức lực. Ông chuyển vào sống hẳn trong chùa Sekihoji vào những năm cuối đời. Thời gian này ông vẽ nhiều tranh thủy mặc, bút pháp phóng túng trừu tượng, thiên về tả ý, đôi khi ông vẫn sáng tác thêm vài bức tranh màu để đôi tay trí óc không quên đi những ngón nghề điêu luyện ngày cũ. Và ông còn có thêm vài học viên với nghệ danh lấy cảm hứng từ tên ông: Jakuen, Ichū và Sochū. Họ phụ giúp ông trong việc sinh hoạt ngày thường, chuẩn bị dụng cụ vẽ tranh, đồng thời cũng học hỏi những kiến thức từ người thầy của mình để phong cách của ông không thất truyền.

Một sự thú vị là vào những năm cuối đời này, Ito Jakuchu thường dùng nghệ danh beito-o, có nghĩa là một ông già vẽ tranh để đổi lấy gạo. "Bei" là gạo, "to" là đơn vị đo lường tương đương 18lt, và "o" là một ông già. Thật khó tưởng tượng một hoạ sư được kính trọng nhất tại Kyoto lại có một nghệ danh khiêm nhường như vậy! Nhưng xét lại phần lớn cuộc đời ông đã thường tránh xa phồn hoa phố thị, nhiều phần ẩn dật, lại là một Phật tử, nghệ danh này phản ánh tâm tư một người hiểu rõ cái tài mình có sau cuộc đời dài cần mẫn lao động nhiều cống hiến, dù giao du với tầng lớp quý tộc tăng lữ nhưng đôi chân chạm đất không tự phụ nghĩ rằng mình thanh cao sống trên những khốn khó căn bản đời người như cơm ăn, áo mặc. Nó cũng hé lộ cách ông nhìn nhận hoàn cảnh mình lúc bấy giờ, già yếu hàn vi, nhưng vẫn hóm hỉnh, nhẹ nhàng.

Bức lá chuối này, có lẽ là một trong những bức tranh ông được đặt hàng vẽ để trang trải tuổi già đó.

Điều mình yêu thích nhất là chú giải về dấu triện son ở góc trái bên dưới, được in rất mềm gần như lẫn trong gân lá để sự hiện diện của nó không quá nổi trội, như một lời tâm tình của tác giả gửi đến ai nhìn ra nó. Senga zeppitsu 千画絶筆, có thể hiểu là "Hàng ngàn bức tranh, mỗi bức tôi đã vẽ như thể đó là tác phẩm cuối trong cuộc đời này"