Mênh mông tuyết phủ trong tranh Yamamoto Shunkyou by Phuong Nguyen

Với nhiều kiệt tác nằm trong những kho lưu trữ “quốc bảo” Nhật Bản, có lẽ chúng ta biết đến nhiều bức tranh của Yamamoto Shunkyo hơn cả cái tên ông, và bức tranh nổi tiếng nhất trên cõi mạng có lẽ là “Thác nước” - Một bức vẽ đơn giản với bút pháp Shashei (vẽ thiên nhiên trực họa, không trau chuốt) với bố cục Cao Viễn trong tranh thủy mặc, diễn tả một người đàn ông đứng trên một phiến đá, kính cẩn cúi đầu trước thác nước đổ xuống từ vực núi phía xa. Gần như phác thảo với bút pháp mộc mạc và dứt khoát, trái ngược với những bức bình phong được thếp vàng miêu tả cẩn thận gần như trường phái hiện thực khác của Shunkyou, nhưng bức tranh này lại diễn tả được thế cân bằng giữa “tĩnh” và “động”- triết lý Lưỡng Nghi trong nhân sinh quan Phương Đông.

Yamamoto Shunkyo (1871-1933) - Waterfall, 1900-1910

Yamamoto Shunkyo (1871-1933) - Waterfall, 1900-1910

Ở đây ta thấy một tu sĩ dường như đã quên đi danh tính của mình ở nơi thâm sơn cùng cốc, tâm thế tĩnh lặng trước tiếng gầm gừ của thác dữ. Giữa cái mênh mông hoang sơ ấy, con người nép mình ở một góc nhỏ như càng nhấn mạnh thêm sự tịch liêu, đẩy mạnh tương phản trước cái vô cùng của thiên nhiên hùng vĩ, cái cúi đầu khiêm nhường ấy làm bừng tỉnh một sự kính sợ thần thánh như thể từ trong thác nước Long Thần đang hiển hiện.

Bức tranh này còn gợi tôi nhớ đến dòng thơ cuối trong bài Tĩnh Dạ Tứ 靜夜思 của Lý Bạch. “Cúi đầu nhớ cố hương”, đôi khi tôi cũng có một cảm xúc tương tự khi đắm mình giữa trời biển, nhớ về quê hương mình ở rất xa, vì phận là con người bé nhỏ chân bám đất không thể vượt qua núi cao biển sâu, nhưng kì thực vẫn dưới cùng một vòm trời.

靜夜思  

床前明月光,
疑是地上霜。
舉頭望明月,
低頭思故鄉。

Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa

Đầu tường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Yamamoto Shunkyo (山元春挙) sinh vào năm 1871 tại Shiga Ken. Ông là học trò của các họa sĩ lớn vào thời Đại Chính (Taisho) như Kōno Bairei, Nomura Bunkyo và Mori Kansai. Shunkyo được biết đến như một trong những họa sĩ tiên phong kết hợp bút pháp hiện thực Tây Phương vào trong tranh Nihonga, và chủ đề chính trong những tác phẩm của ông là cảnh núi rừng hoang sơ, tinh khiết. Ông có một sự hứng thú đặc biệt trong nghệ thuật nhiếp ảnh và điều này được thấy trong tranh ông ở cách thể hiện sắc độ, bố cục, phối cảnh và tương phản ánh sáng để tạo nên chiều sâu cũng như tính hiện thực mà không lấn át những đặc trưng của tranh truyền thống Nhật Bản.

Như đã đề cập ở một số bài trước, làn sóng Nihonga được khởi xướng bởi những họa sĩ kì cựu như Seiho, Taikan, Kanzan… nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống và đặc trưng văn hóa trong mỹ thuật Nhật Bản khi đất nước mở cửa chào đón những giá trị mới từ phương Tây. Không có những đặc tả hình khối, không có sự tương phản chiaroscuro mạnh mẽ, lại càng không quá sa đà vào việc đặc tả tính chất của sự vật hiện tượng tự nhiên. Khi những họa sĩ Tây Phương tập trung vào việc thể hiện kỹ thuật được đúc kết qua hàng trăm năm học thuật, với góc nhìn tiếp cận mang tính khoa học và lý trí với tham vọng diễn đạt lại thế giới một cách chân thực qua thấu kính thị giác, thâu tóm thiên nhiên vào trong lòng bàn tay mình, thì những họa sĩ Nihonga lại có một hướng đi gần như trái ngược. Bản thân hội họa Nhật Bản cũng có một lịch sử nghìn năm với nhiều trường phái khác nhau như Rinpa, Kano… cùng những dấu ấn riêng qua từng thời kỳ bên cạnh sự ảnh hưởng qua lại với những nền văn hóa Á Đông khác trong khu vực. Trong đó có thể kể đến dòng tranh thủy mặc Trung Quốc cùng những quan điểm nhân sinh, tư duy tình cảm và thăng trầm lịch sử của chính nó. Đâu đó trong tranh của Shunkyo, ta bắt gặp bóng dáng của những bích họa sơn thủy phái Nam Tống, với tông màu trầm lạnh và nội dung ngợi ca sự hùng vĩ của núi rừng, sự nhỏ bé của loài người, con vật trong một vẻ đẹp rộng lớn khôn cùng của tạo hóa, cái thinh lặng của thời gian và cảnh sắc nửa có bóng dáng hiện thực nửa phủ nhận nó.

“Giang sơn tuyết tế đồ”, Vương Duy, họa sĩ sơn thủy nối tiếng phái Nam Tông

“Giang sơn tuyết tế đồ”, Vương Duy, họa sĩ sơn thủy nối tiếng phái Nam Tông

Mount Hōrai, 19th-20th century, Yamamoto ShunkyoHanging scroll; ink and color on paper. Núi Horai là một nơi các thiền sư ẩn dật từng lui đến tu tập. Bức tranh này là một ví dụ về sự ảnh hưởng của tranh Nam Tống đến Shunkyo

Mount Hōrai, 19th-20th century, Yamamoto Shunkyo

Hanging scroll; ink and color on paper. Núi Horai là một nơi các thiền sư ẩn dật từng lui đến tu tập. Bức tranh này là một ví dụ về sự ảnh hưởng của tranh Nam Tống đến Shunkyo

Trong triết lý mỹ thuật của tranh sơn thủy, người họa sĩ không chủ ý tái tạo hiện thực như một bản sao mà thiên về thể hiện cảm giác. Khung cảnh trong tranh sơn thủy thường mang tính ước lệ, không bị chi phối bởi quy luật viễn cận để có thể thâu tóm toàn cảnh đặng diễn đạt sự tương quan giữa cái nhỏ với cái lớn, tĩnh đối động, hùng vĩ bên trầm lắng,… từ đó toát lên những suy tư và tình cảm người họa sĩ muốn thể hiện và truyền đạt thông qua tác phẩm của mình. Có thể ví von phong cảnh hiện thực trong tranh Tây Phương là sự mô phỏng thực tế thông qua trực họa, để cho đôi mắt bắt lấy và đôi tay tái hiện sự vật hiện tượng như nó vốn là. Còn trong tranh sơn thủy, người họa sĩ đơn thuần là vẽ lại một trải nghiệm, một ấn tượng về cảnh sắc anh đã đi qua, rồi phóng chiếu nó lên tác phẩm của mình. Sự cân bằng trong tranh sơn thủy không dựa vào quy luật viễn cận hay sắc độ, hình khối như mỹ thuật Tây Phương mà dựa vào bản năng và nhân phẩm của chính người họa sĩ. Đồi núi, thác ghềnh, sông suối lẫn giữa mây mù trôi trên rừng già được sắp xếp theo một trật tự được lý tưởng hóa khó tồn tại trong hiện thực, vươn ra khỏi giới hạn của vật lý, chỉ thuần túy tinh thần. Dẫu biết vậy, ta vẫn bị cảnh tượng này thuyết phục rằng có thể đâu đó trên Trái Đất này thực sự tồn tại một khung cảnh thoát tục như thế, một nơi hoang vắng tịch liêu chưa vương dấu chân người.

Tuy nhiên Shunkyo không phải là một họa sư Trung Quốc, tuy học hỏi nhiều về công bút của phái Nam Tống, ông không muốn vẽ như Vương Duy mà trái lại trong tranh của ông đầy những dấu ấn và triết lý của mỹ thuật Nhật Bản cũng như tính dân tộc trong đó. Như bức tranh này “Đông lạnh tuyết dày”, Shunkyou sử dụng những chất liệu truyền thống ngàn năm như mực mài sumi, bột màu nghiền từ khoáng thạch tự nhiên và gofun - một loại bột vỏ sò được dùng như gesso phương Tây, vừa để bồi giấy hay lụa, vừa là điểm nhấn cho màu trắng của tuyết. Thế giới ông tạo ra có vương vấn ảnh hưởng từ người thầy là Kōno Bairei (fig.5) với cảnh tuyết tùng giữa mênh mông đồi núi phủ sương. Nhưng Shunkyou đẩy sự kịch tính trong tranh lên khi dùng vóc lụa kích cỡ khác thường, 35.5cm x 114cm, phần tiền cảnh được đặt nửa dưới, cách dụng bút được vẽ theo phương pháp nhất giác (one stroke) cùng mực mài sumi,mà thấy rõ nhất là những ngọn cỏ úa đâm lên trên tuyết dày. Hậu cảnh mênh mông mờ ảo một đỉnh núi xa sau màn sương, tưởng là rỗng nhưng lại tạo cho ta cảm giác trong khoảng không đó tồn tại một thế giới khác mắt thường không thấy được.

Một trong những dấu ấn riêng biệt của nghệ thuật Nhật Bản, mà ở đây ta cũng thấy trong tranh Shunkyou, là cảm thức Wabi Sabi. Thuật ngữ này hiện giờ đã đi xa khỏi biên giới nước Nhật và thâm nhập vào triết lý, đời sống và văn hóa đại chúng nên xin không diễn giải quá sâu. Chỉ xin tóm gọn nó là một cảm giác khi ta nhìn nhận một sự vật, một quang cảnh hay đọc một tứ thư, và trong lòng dấy nên một cảm giác u sầu lặng lẽ khiến ta nhận thức về sự cô tuyệt, khiến ta thấy được cái đẹp trong sự bất toàn. Không nhiều người trong chúng ta từng có trải nghiệm như những thiền sư xưa, đi tìm ý nghĩa cuộc đời ở nơi thâm sâu cùng cốc, và ở trong thời hiện đại này thì càng khó để đến được những nơi không có dấu chân con người mà không cần đến sự giúp đỡ của con người. Nhưng Wabi Sabi là một cảm giác, do đó, ta có thể gián tiếp đạt được nó thông qua sự chiêm nghiệm, rồi ta nhắm mắt lại và đi vào thế giới ấy để bản thân được ngập tràn trong sự cô độc tuyệt đối rồi nhìn thấy bản ngã chính mình ở kia đang lê bước mệt nhọc mà sung sướng. Trong bức “Đông lạnh tuyết dày”, sự hiện diện của con người hoàn toàn bị xóa bỏ, và phải nhìn thật gần, gần hơn nữa, mới thấy được những vệt bút tả bầy nai nặng nề bước đi trên thảm tuyết dày, hướng đến con lạch nhỏ màu ngọc bích - là nơi chào đón đôi mắt ta đến đầu tiên và cũng là nơi cuối cùng ta nhìn thấy trước khi bứt mình ra khỏi trạng thái mê hoặc bởi khung cảnh này.

Sử dụng khoảng trống một cách tài tình cũng là một đặc trưng của dòng tranh Nihonga mà dễ thấy nhất là trên những tấm cửa trượt fusuma hay những tấm bình phong Byōbu nơi bố cục tranh được chia ra và sắp xếp để làm sao khi đứng riêng biệt từng cánh cửa, trích đoạn vẫn có được vẻ đẹp và sự toàn vẹn của riêng nó. Trong bộ đôi bình phong 6 tấm (tổng cộng 12 tấm) mang tựa đề "Linh hồn diều hâu trên cành thông phủ tuyết” (Spirit of the Hawk, Snow and Pine Painting), Shunkyou vẫn sử dụng những chất liệu truyền thống như bột màu tự nhiên hòa cùng nikawa (một loại keo được làm từ xương cá hay da bò), bột vỏ sò và hậu cảnh được thếp vàng trên lụa. Trong sáu tấm đầu tiên, ta thấy một cành thông oằn mình dưới tuyết và ẩn trong màu xanh lục đậm của lưng lá - phần không bị tuyết phủ là một con diều hâu đang dõi mắt nhìn về hai con chim sẻ, được vẽ trên sáu tấm bình phong tiếp theo. Đôi chim thơ ngây đứng nép vào nhau dưới tuyết trên một cành nhỏ, không để tâm đến đôi mắt của kẻ săn màu trên cái cây bên cạnh. Màu lông vũ diều hâu được tả gần như màu nâu của cành thông nên nếu chỉ lướt nhìn qua có thể ta đã không chú ý đến sự tồn tại của nó. Đây là một tiểu tiết rất sống động, phản ánh sự quan sát tinh tế của Shunkyou về tự nhiên trước khi đặt bút xuống vẽ. Diều hâu là loài chim thường ngự trên đỉnh cây hay giấu mình trong tàn lá, thiên phú cho chúng bộ lông tối màu để tăng khả năng ngụy trang khi săn mồi. Vì vậy nếu vẽ diều hâu nổi bật trên tuyết trắng, nhất là khi đang cảnh giác săn mồi thì đã không còn tính “tự nhiên” trong đó nữa.

Khi bàn về tính “hiện thực” (realism) trong tranh của Shunkyou, có lẽ bức tranh này được xem là một đại diện tiêu biểu. Tranh Nihonga thường né tránh việc sa đà vào sắc độ, hình khối cũng như cách vạn vật trong tranh tương tác với ánh sáng và bóng tối bởi chính cái nét sương mờ hư ảo là một trong những đặc thù tiêu biểu. Nhưng trong bức tranh này, để thể hiện ánh mặt trời chiếu rọi xuống cây tùng phủ tuyết, Shunkyou đã vận dụng tính xuyên thấu của thớ lụa và dùng kỹ thuật Urahaku - phủ vàng lá lên mặt lưng của vóc lụa để gia giảm màu vàng cũng như tính phản sáng của kim loại, tạo nên một sắc vàng êm ái vừa mắt. Ở mặt trước của vóc lụa, Shunkyou vẽ tiền cảnh cây thông, tuyết trắng với những kỹ thuật ta quen nghe trong thế giới màu nước như dry brush, wet on wet… nhưng trong thuật ngữ mỹ thuật Nhật Bản thì nó được gọi là Tarashikomi - khi ta láng (hoặc nhỏ giọt) một lớp màu mới khi lớp dưới hẵng còn đang ướt để sắc màu hòa lẫn vào nhau và tạo nên những hiệu ứng ngẫu nhiên khó đoán trước. Đây là một kỹ thuật thường được sử dụng trong trường phái Rinpa vốn cầu kỳ lộng lẫy và giàu tính mỹ nghệ. Ở đây, ta có thể thấy kỹ thuật này được sử dụng trên cành thông hòa lẫn vào màu xanh malachite của tán lá và bụng của chim sẻ trong khi những cành khô thì được vẽ bằng những nét Sanshei gãy gọn, dứt khoát.

Tính hiện thực còn được thấy rõ trên bề mặt tuyết mà Shunkyo vẽ bằng bột vỏ sò gofun. Để ý thấy trượt dần về phía bên phải, màu tuyết ngày càng hòa lẫn vào màu vàng của lụa thếp vàng với điểm nhấn là một cây thông ở hậu cảnh ở phía xa bên phải được vẽ bằng những lớp màu nhạt như thể chúng đang tan vào trong sương - đây là một đặc điểm thường thấy trong phối cảnh viễn cận, khi tiền cảnh được vẽ đậm, rõ nét còn hậu cảnh sẽ được vẽ mờ hơn để hướng sự tập trung vào phía trước cũng như tạo nên sự cân bằng. Ở nơi phủ tuyết đôi chỗ được chủ ý vẽ dày và sáng hơn với màu trắng đục gần như sữa, ngầm thể hiện hướng sáng và nơi ánh mặt trời chạm đến. Trong khi ở những phần tuyết đổ xuống thì lớp màu trắng này được pha loãng ra để thấy được một phần hậu cảnh cũng như cành và lá cây thông. Nếu phóng đại hình ảnh, ta sẽ bắt gặp những “giọt tuyết gofun” khắp bề mặt cành cây, trên diều hâu và đôi sẻ, tạo một ảo giác về tính “động” cũng như chiều sâu mà ta không thường gặp trong tranh Nihonga truyền thống. Shunkyou yêu mến nhiếp ảnh và đã tự học cho đến khi thuần phục, và chắc hẳn những đam mê khác biệt đã cộng hưởng để góp phần tạo ra bản sắc của riêng ông giữa làn sóng Nihonga với vô số họa sĩ đầy tham vọng cùng chí hướng - phục hưng mỹ thuật truyền thống.

Xuyên suốt sự nghiệp của Shunkyou, ông đã tham gia nhiều triển lãm tiếng tăm như Bunten và Tentei (dưới thời Học viện Mỹ Thuật Nhật Bản/Bijutsu Shinsa Iinkai và Học Viện Mỹ Thuật Hoàng Gia/Teikoku Bijutsu-in) và là một giáo sư mỹ thuật tại trường đại học mỹ thuật Kyoto. Ông cũng là một họa sư sống ổn với nghề, xưởng vẽ của ông luôn đông đúc những học viên trẻ muốn dấn thân vào con đường hội họa và có thể sánh ngang với xưởng vẽ của Takeuchi Seiho. Ông có nhiều khách thượng lưu và thường xuyên có tác phẩm được đặt vẽ với số tiền rất lớn vào đương thời. Bức “Diều hâu” trên đây thuộc về một bộ sưu tập tư nhân sau khi đã qua tay nhiều phòng tranh và phiên đấu giá. 12 tấm bình phong được bảo vệ trong một hộp gỗ sồi sơn mài lớn, bên ngoài có khắc tên tác phẩm cùng chữ ký Shunkyo Jidai cùng con dấu đỏ. Người ta tìm thấy bên trong một chiếc hộp tomobako nhỏ chứa một biên nhận trị giá 5000 yên - số tiền đủ để mua năm căn nhà lớn tại trung tâm Kyoto thời đó.

Cảnh núi rừng sâu thẳm đắm chìm trong tuyết trắng là một motif thường thấy trong tranh của Yamamoto Shunkyou. Vào thời kỳ đầu, những tác phẩm của ông thường đơn sắc, chủ yếu dùng mực sumi và bột vỏ sò. Trải dài cùng tháng năm, ông đã nghiên cứu thêm những cách vẽ mới, như dát vàng lên mặt lưng lụa, những kỹ thuật dụng bút khác nhau và trở nên phóng túng hơn với màu sắc bên cạnh việc hoàn thiện lối vẽ lẫn suy tư tình cảm trong cách ông sắp đặt bố cục và lựa chọn đối tượng.

"Yuki no Asa", Yamamoto Shunkyo, 1925

"Yuki no Asa", Yamamoto Shunkyo, 1925

Không có nhiều thông tin về đời tư của Yamamoto Shunkyo, ông được biết đến như một họa sĩ cống hiến cả đời cho mỹ thuật và thường chỉ vẽ cảnh tuyết sơn, nhưng trong một số ngoại lệ hiếm hoi, ta thấy một bức chân dung được chính tay ông chấp bút. Một ngày đầu năm, người phụ nữ gương mặt buồn bã với mái tóc vấn vội phủ trên vai một chiếc khăn choàng, ở góc dưới bên trái là một phần của chiếc dù đen. Có lẽ cô vừa đi lễ đầu năm về, trên mái tóc vấn vương vài bông tuyết.

Để kết lại bài viết đã quá dài này, xin trích dẫn một bài Hài Cú của thi sĩ Kajiwara Hashin mà theo tôi thể hiện được thật hoàn hảo tinh thần của Shunkyo

Không còn trời
không còn đất
chỉ còn
bông tuyết rơi
- Kajiwara Hashin

Bài viết có tham khảo thông tin, hình ảnh từ Gallery Kagedo

Bốn núi bủa vây, và những suy tưởng về số bốn by Phuong Nguyen

“Bốn núi”, ink wash and sumi on tea-dyed paper, 2020

“Bốn núi”, ink wash and sumi on tea-dyed paper, 2020

Bốn núi là một trong bộ tranh Haiku tôi hợp tác cùng với Pháp Hoan, và cũng là một trong những bài tôi đặc biệt yêu thích với sự chiêm nghiệm ngày một tỏ tường hơn sau mỗi lần đọc lại. Haiku quả thực có một sức mạnh riêng của nó, vì chỉ vỏn vẹn ba dòng, đọc xong không cần đến mười giây, nhưng sự cô đọng đó chừa ra một khoảng trống, không chỉ giản đơn là phần còn lại của trang giấy mà cả trong lòng, để ta phải tìm một ý nghĩa riêng đặng lấp đầy nó. Mỏng mà nặng. Đây là một trong những tác phẩm thuộc về category đó.

Bốn núi bủa vây

một sáng thức dậy

thấy mình là cây.

-Pháp Hoan

Gần đây tôi có một số suy nghĩ về bài thơ này cũng như ý nghĩa đằng sau cụm từ “Bốn núi”

Số bốn trong văn hóa phương Đông là một con số kỳ lạ. Trước tiên, nó là một con số chứa đựng trật tự và sự tiếp diễn, trong tự nhiên ta có bốn mùa, một năm chia làm bốn quý, một tháng chia làm bốn tuần… Trong Nông Lịch - một loại lịch cổ xưa dựa theo những quan sát từ tự nhiên mà vùng Đông-Nam Á mà các nước chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa sử dụng - thì lại có thêm khái niệm về Thiên Can Địa Chi cùng nhau hợp lại tạo thành Lục Thập Hoa Giáp là chu kỳ 60 năm, đây là một trong những tinh hoa không gì thay biến được trong văn hóa Á Đông và tới nay vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày, quyết định phương hướng và thời gian, những dịp lễ hội, cúng kiến, cưới xin, sanh đẻ….

Nhưng ở đây tạm bỏ qua để tiếp tục diễn giải về số 4. Có 10 Thiên Can và 12 Địa Chi. 10 can này (canh, tân, nhâm, quý, giáp…) tượng trưng cho các số 0,1,2,3 và cũng chính là 10 năm, và mỗi chu kỳ của nó bắt đầu ở những năm tận cùng mang số 4, như 1984, 1994… Giáp Tý chính là năm khởi đầu cho một chu kỳ 60 năm mới. Trái Ngược với tư duy phương Tây khi khởi đầu thường được gắn với số 1 thì trong Lục Thập Hoa Giáp số 4 (hành Mộc, tính dương) mới chính là khởi nguồn.

Kinh dịch diễn giải, "lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng". Trong tư duy phương Bắc nơi mà thành tố âm - dương là nền tảng cho mọi suy tưởng, rằng vũ trụ và vạn vật sản sinh từ “lưỡng nghi” phân đôi thuần túy và do đó số chẵn được ưu ái, thì hẳn nhiên số 4 một lần nữa trở thành một biểu tượng quan trọng do gắn liền với tứ linh. Dễ thấy những cụm từ như tứ sinh, tứ chính, tứ quý, tứ trụ, tứ mã,... Nói tóm lại, số 4 là một con số không hề tầm thường mà dường như sở hữu một sức mạnh chi phối quy luật vận hành của tự nhiên mà con người đúc kết ra sau nghìn năm cộng sinh, quan sát cách thế giới xoay vòng. Nếu nói số 4 sở hữu thần khí trong nó hẳn cũng không ngoa.

Tuy nhiên trong thực tế thì số 4 lại là con số người Á Đông sợ hãi nhất, bởi cách phát âm của nó gần với cái chết (Tử). Rất nhiều bệnh viện, chúng cư ở Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc… loại bỏ hẳn tầng 4, và các tầng có mang số 4 vì khi con số 4 không đứng một mình nó còn tiềm ẩn những thông điệp đáng sợ hơn. Ví dụ như số 14 đọc lên nghe như "muốn / sắp chết" (要死), và 74 như "chắc chắn sẽ chết" hoặc "sẽ chết trong giận dữ "(氣死).

Tu

Theo ảnh này, thì từ nguyên của số 4 四 có khởi thủy từ Giáp Cốt Văn 甲骨文 - một loại cổ thư Trung Quốc từ thời Ân - Thương (1766 - 1122 TCN) được viết trên mai rùa (Giáp) và xương thú (Cốt). Ban đầu thì số 4 được viết đơn giản chỉ gồm bốn nét hoành, sau đó thì vay mượn từ “hơi thở” - hình tượng hóa một sống mũi đang thực hành sự thở - và sau thời gian dài sử dụng, “mượn mà không trả” thì số 4 đã chính thức được viết thành 四 cho đến nay.

Trong Thế giới Mật Tông (1), Osho đã đề cập đến sự thở như một nhịp cầu dẫn đến vũ trụ.

Tantra: “Hơi thở ra là sự chết. Hơi thở vào là tái sinh. Hơi thở vào được sinh ra lần nữa, và hơi thở ra lại mang ta về cõi chết.”


Hãy hiểu hơi thở dừng lại, bạn đang chết. “Bạn vẫn đang là nhưng bạn chết”, chết trong khoảnh khắc. Thời gian của một đời người rất ngắn ngủi. Chỉ trong một hơi thở và không bao giờ biết được rằng: “Mình đã chết bao nhiêu lần trong quá khứ, đang chết bao nhiêu lần trong hiện tại và tiếp diễn bao nhiêu lần như thế trong tương lai.”…

Hơi thở ra đồng nghĩa với sự chết. Hơi thở vào đồng nghĩa với tái tạo. Trong mỗi hơi thở có đầy đủ sự sống và sự chết. Cái chết hiện hữu trong mỗi sát na, mỗi khoảng cách; còn khoảng giữa hai hơi thở là đời sống ngắn ngủi.

-Osho

Như vậy, là hiển nhiên hoặc không, hàm chứa trong số bốn với thanh âm nhắc nhở ta về cái chết, là hơi thở, là một vòng tròn liên tục và tuần hoàn của sinh và diệt.

Trong Phật học, vạn vật sinh ra đã mang trong mình Bốn nỗi khổ lớn: sinh, lão, bệnh, tử. Đây là lẽ tự nhiên và là quy luật cuộc đời không ai thoát khỏi. Có lẽ không chỉ con người và vạn vật trên Địa Cầu mà cả vũ trụ bao la này. Thành - Trụ - Hoại - Diệt. Từ đâu sự sống hiển hiện rồi sinh sôi? Từ đâu thái dương hệ thành hình? Ở trung tâm sự sống là một hố đen hủy diệt. Những hành tinh và mặt trời trẻ trung tỏa sáng rực rỡ rồi sẽ có ngày già đi và tàn lụi. Vật chất tự thân nó đã chứa đựng phản vật chất. Trong một tương lai xa xăm khôn cùng mà thân phận con người bé nhỏ không thể khái quát nổi, vũ trụ rồi sẽ chìm vào trong băng giá và lặng yên, một giấc ngủ dài sâu tịch huyền. Cái chết.

Ở trên ta đã đọc về từ nguyên của số Bốn 四 và rõ ràng nó là khắc họa, tượng hình hóa hình ảnh sống mũi và sự thở. Nhưng trong Hán tự hiện đại, thì số Bốn 四 trông giống như chữ Nhân 人 bị nhốt chặt trong một hình vuông. Nói cách khác, con người sinh ra đã bị trói chặt trong Bốn nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử và không có cách nào anh ta có thể trốn chạy khỏi nó.

Tuy nhiên, vì có nỗi khổ tồn tại nên con người mới đi tìm sự cứu rỗi. Bên cạnh cái chết là tái sinh, nỗi khổ chính là tiền đề của Phật Giáo, hoàng tử Gautama Siddhartha vì muốn thoát khỏi KHỔ nên mới từ bỏ ngai vàng đi bôn ba khắp nơi. Trong hành trình tìm sự khai sáng, Đức Phật đã có bốn lần gặp gỡ: một người già, một người bệnh, một xác chết, và rồi một thiền sư dưới một gốc cây. Ngài đã suy tưởng về tuổi già, bệnh tật, cái chết, rồi ngồi xuống thiền định cùng nhà sư này. Trốn chạy khỏi cuộc sống không phải là cách để thoát khỏi luân hồi, mà chỉ có đối diện với nó, tu tập, thực hành một cuộc sống đầy tình thương và lòng trắc ẩn mới cứu rỗi được linh hồn con người. Vậy là bên cạnh bốn nỗi thống khổ, ta cũng có bốn chân lý cao cả - Tứ Diệu Đế - là kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật và cũng là cái gốc của Phật Giáo.

unnamed (2).jpg

Bản thân chữ Nhân 人 cũng là một chữ vô cùng đơn giản cổ xưa từ thời Giáp Cốt Văn cho đến nay vẫn được viết như vậy, không có nhiều thay đổi. Chỉ khác là trong Giáp Cốt Văn thực tế lấy từ góc nhìn nghiêng của một con người, tay rủ trước người cúi khom lưng, chiếu từ xung quanh thì dễ thấy đây là hình dáng thường ngày của con người chúng ta, càng trưởng thành càng chùng xuống. Vì lao tâm khổ tứ và dưới sức nặng của thời gian, tuổi tác.

Theo Chiếu Viễn (2), kết cấu chữ Nhân gồm một nét phẩy và một nét mác. Phía bên trái là dương, bên phải là âm, do vậy nét phẩy bên trái, nét mác bên phải hợp thành chữ Nhân 人. Trong thuyết Âm Dương, tinh thần con người thuộc về tính Dương, đối nghịch với thể xác thuộc về Âm. Trong niềm tin của các nước Á Đông thì thể xác chỉ như một vật chứa đựng, có thể bị tổn thương, bị hủy hoại, rã thành đất cát, còn tinh thần hay linh hồn mới là chủ thể, quyết định Ta chính là Ta. Không chỉ những bậc thánh hiền Đông Phương mà trong cả Tây Phương đều đồng thuận rằng một cuộc sống viên mãn không được quyết định bằng vật chất mà chính một đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú mới là cái mang đến cho ta hạnh phúc đích thực. Chiếu theo tháp Maslow, nơi đáy tháp là những nhu cầu hằng ngày giúp thân thể sinh hoạt, tồn tại, và nơi đỉnh tháp chính là Tỉnh Thức - khi ta muốn đạt đến cảnh giới cao cả nhất trong cuộc đời. Đấy mới chính là Đắc đạo.

Khi một con người không còn ham muốn học hỏi mà chỉ chạy theo tiền tài, danh vọng, đuổi theo những ham muốn thỏa mãn dục vọng cá nhân đến mức suy đồi đạo đức thì tự bản thân họ đã từ bỏ đi Đạo làm Người. Chữ Người 人 bị đảo ngược, tạo thành chữ Nhập 入.

“Nhập” chính là: nhập mê, nhập vào dục vọng, nhập vào ngu dốt, cuối cùng tiến nhập vào địa ngục.

Như vậy, hàm trong Tứ 四 là Nhập? Hay Nhân? Là con người bị trói buộc trong Khổ Tứ - sinh, lão, bệnh, tử hay đang được bao bọc trong bốn chân lý cao cả - Tứ Diệu Đế, để cuối cùng bứt mình khỏi luân hồi, tan biến vào hư không, đến sự cứu tuyệt rỗi đối?

Bốn núi bủa vây theo cảm nhận của tôi chính là bốn bức tường trong số Bốn. Một con người bơ vơ giữa thung lũng, nhìn lên trời xanh, đôi tay anh đã bao lần trèo lên vách đá đến chai sần nhưng vô vọng.

Hóa thành cây. Từ bỏ đi hơi thở. Từ bỏ đi những tham, sân, si, những gì trói buộc ta với hồng trần để tâm thân thanh thản cùng thiền định, chính là cánh cửa để bước ra khỏi thung lũng đó.


Bài viết có tham khảo tài liệu

(1)Thế giới Mật điển (Osho)

(2) Chiết tự chữ Nhân từ tác giả Chiếu Viễn

弱法師 / Yoroboshi / Nhà sư khất thực by Phuong Nguyen

yoroboshi

Trích đoạn môt bức tranh của Shimomura Kanzan, được xem là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của ông và cũng là bảo vật quốc gia được lưu trữ tại Tokyo National Museum, "Nhà sư khất thực / Yoroboshi / 弱法師", được vẽ bằng bột màu tự nhiên và thếp vàng rực rỡ trên bộ mười hai tấm bình phong. Cách dụng màu tươi sáng và sang trọng cùng chất liệu vàng ròng tràn đầy hậu cảnh khiến ta cảm thấy nghịch ngạo trước hình ảnh cây mận quạnh quẽ chưa đến độ trổ hoa rực rỡ và thân phận khổ hạnh, hàn vi của một nhà sư mù.

Là một trong những người tiên phong trong phong trào Nihonga - phục dựng mỹ thuật Nhật Bản trước sự gia nhập của mỹ thuật Tây Phương khi nước Nhật mở cửa, Kanzan kế thừa và phát triển kỹ thuật bản thân từ những trường phái đã xuất hiện trước đó như Rinpa, Kano, và cả dòng tranh Phật Giáo từ thời Muromachi với nhiều biểu hiện chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa. Tuy nhiên ông cũng không từ chối tính hiện thực của phương Tây mà ông học được khi đi du học ở Anh quốc, và kết hợp chúng khéo léo để tạo thành bản sắc Kanzan trong tranh của mình.

 

Bức tranh "nhà sư khất thực" được dựa trên một bở kịch Noh cùng tên tên là Yoroboshi. Chuyện kể về một chàng trai mang tên Shuntoku-maru có xuất thân danh giá từ làng Takayasu đã xui xẻo trở thành nạn nhân của một tin đồn ác ý, và cha anh - Takayasu Michitoshi - đã không mảy may nghi ngờ và quá sức thất vọng, ông chối bỏ Shuntoku rồi đuổi anh ra khỏi nhà. Sự hối hận dâng lên trong ông từng ngày và ông đã tìm đến Phật giáo, làm vô số những công việc thiện nguyện và cúng dường, mong rằng những việc này sẽ mang lại phước lành cho người con trai lang bạt của ông, trong kiếp này và cả kiếp sau. Vào một mùa xuân, ông đã đến chùa Tenno-ji (Nay là Shinteno-ji tại Osaka) làm công quả trong bảy ngày, và ở ngày cuối cùng, một nhà sư mù lang thang mang tên Yoroboshi xuất hiện. Người này, chính là cậu con trai Michitoshi đã đuổi đi năm nào.

Khi Yoroboshi hòa cùng dòng người xếp hàng để chờ nhận thức ăn, những cánh hoa mận bung nở rơi xuống tay áo anh, dù không thấy được quang cảnh này, gương mặt anh tỏ hiện một niềm hạnh phúc ngời sáng trước hương thơm trên vạt áo. Michitoshi nói với anh rằng, những cánh hoa này cũng là một phần của đồ cúng đó. Yoroboshi đồng ý, và bắt đầu giảng giải cho cha anh (khi này họ chưa nhận ra nhau) về những bài Kinh Phật và xuất xứ của chùa Tenno-ji. Để tránh sự tò mò của người khác, Michitoshi đợi đến khi việc cúng dường đã hoàn tất, khi đêm về để thổ lộ với Yoroboshi về thân phận của mình. Michitoshi gợi í cho con trai ông hãy thực hành jisso-kan, một nghi thức Thiền khi con người dụng trí tưởng tượng về cõi Niết Bàn trong khi quan sát mặt trời lặn. Yoroboshi trong lúc tọa thiền đã nghĩ đến khung cảnh tuyệt đẹp nơi bãi biển Ninawa nơi anh từng sống, và anh nói, Khung cảnh tuyệt đẹp trải dài đến vô biên này, tồn tại trong suy nghĩ của tôi. Nhưng rồi sự bình lặng đi qua, anh trở nên đau khổ và điên loạn khi nhận ra sự bất lực khổ sở của bản thân với đôi mắt mù. Trước mặt anh đây là ngày hay đêm thì có khác gì. Mặt trời lặn hay mọc đều tuyền một bức màn đen. Anh gào khóc, lăn lộn trong tuyệt vọng. Sau đó, cha anh tiết lộ rằng ông chính là cha của Shuntoku-maru đây. Yoroboshi hoảng sợ và xấu hổ bởi hoàn cảnh mù loà, bần cùng này thật chỉ làm cho cha anh thêm xấu hổ, anh bỏ chạy, nhưng cha anh đã đuổi kịp, ông nắm lấy tay anh và chào đón anh trong vòng tay. Sau đó, họ cùng nhau quay về quê hương ở làng Takayasu.

 

Kanzan đã lựa chọn trích đoạn tại chùa Tenno ji cho bức tranh của mình. Dựa vào hình ảnh cành mận ta có thể đoán thời gian câu chuyện xảy ra vào đầu xuân khi mận vừa nở hoa, tiết trời lạnh giá, mà nhà sư mù chỉ khoác trên mình một chiếc áo vá tả tơi. Yoroboshi, dù sống trong sự dèm pha, khổ cực, mù lòa, nhưng gương mặt anh sao thật thanh thản khi anh đón nhận trên bàn tay những cánh hoa rơi. Hoàn cảnh đáng thương đã đưa anh đến sự Giác Ngộ. Và thật may mắn khi sau đó là một kết cục đẹp.


Trái đỏ by Phuong Nguyen

Red fruits.jpg

"Trái đỏ", watercolor on tea-dyed paper

Dựa theo bài thơ "1992" của Pháp Hoan.


1992

Như trái cây đỏ
tôi bám
vào tử cung của mẹ
tim tôi đập
máu tôi chảy
trên cành nhánh cây đời

tôi không ngừng
lớn lên mỗi ngày
đến khi tôi chín‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍

‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍và

‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍tôi

‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍rụng‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍

vào thế giới con người.


Mình đã ngẫm nghĩ về bài này rất lâu trước khi vẽ. Nó gợi nhớ về 36 tuần mang thai em Fede bé nhỏ. Người bạn của mình từng sinh đôi đã khuyên rằng hãy tận hưởng thời gian khi còn mang bầu nha Phương, những ngày khi sự tồn tại của bào thai còn nhỏ bé này đặc biệt và riêng tư lắm. Hạt đậu bé nhỏ trong bụng mình đang lớn lên trong im lặng, em phản hồi không ai ngoài một mình Mẹ thôi. Lúc đầu, mình tính vẽ một quả lựu đầy hạt đỏ với một em bé trong đó, nhưng rồi một chiều cuối thu đi dạo gần nhà, mình thấy một cây hồng. Lá đã rụng gần hết, mục nát trên thềm cỏ ướt, chỉ còn lác đác vài chiếc chuyển màu héo úa bám hờ trên cành khô, trĩu xuống dưới sức nặng của những quả hồng chín mọng rực rỡ.

Mình đã cảm thấy cây hồng này thật đẹp. Và nó giống một người Mẹ.

Sự tái sinh của Akanemaru by Phuong Nguyen

131888869_5242791435734887_7106886927016528309_o.jpg

Akanemaru là một nhà sư lang bạt khắp Nhật Bản với đam mê khắc nên một tuyệt tác để đời, vào một đêm định mệnh, anh đã bị cướp phế một tay. Mất đi bàn tay dùng để điêu khắc, anh không còn thiết sống, nhưng anh đã tìm lại được nghị lực sau khi một nhà sư cho anh xem những bức tượng trong sân chùa, được đúc thành hình nhờ hạt nước rơi trong im ắng, đều đặn đã ngàn năm. Anh ở lại chùa rèn luyện đôi tay, và một lần nữa sau nhiều năm nỗ lực, anh trở thành điêu khắc gia nổi tiếng. Trong hành trình đi tìm Phượng Hoàng để khắc nên bức tượng cho Thiên hoàng với cái án tử treo trên đầu, giữa một cơn hưng cảm anh đã khắc nên bức tượng Quan Âm giữa thị chúng với người mẫu là cô gái đầu đường xó chợ Buchi (hơi giống Caravaggio đã vẽ nên Madonna qua hình ảnh người tình cuối của ông - 1 cô gái làng chơi. Sự cao quý, mỉa mai thay lại mượn hình dáng kẻ thấp hèn nhất trong xã hội đương thời)

Bức tượng Quan Âm này cũng như tài năng của Akanemaru đã được một Quan đại thần tên Kibi để mắt đến, ông cứu Akanemaru khỏi án tử trong gang tấc, đổi lại cho bức Quan Âm và rằng anh phải trung thành tuyệt đối dưới trướng ông. Sau đó ông cho anh vào kho bảo vật để tìm manh mối về Phượng Hoàng, và tại đây anh đã nhìn thấy những tái sinh của chính mình. Thành một con phù du trôi dạt trên biển lớn, rồi một con rùa sống ở sông Trường Giang, cho đến ngày con người bắt anh lên làm thịt, đánh cái mai anh thành chiếc lược, chấm dứt trăm năm phận rùa. Linh hồn thoát ra, nhập vào một quả trứng, nở thành một con chim nhỏ, tại kiếp này, anh được gặp Phượng Hoàng.

131892436_5242791869068177_7552661466565828849_o.jpg
131928043_5242793235734707_6221432398505617502_o.jpg

Akanemaru thức dậy khỏi giấc mơ về hậu kiếp, hình ảnh Phượng Hoàng rực rỡ còn in dấu trong mắt, và anh đã khắc nên một bức tượng sống động rất vừa lòng Thiên Hoàng và sự nghiệp anh từ đấy cất cánh bay cao. Anh trở nên tự mãn, tham lam quyền lực, không còn màng đến chính nghĩa, cho đến ngày anh gặp lại Buchi, cô gái đầu đường xó chợ từng là hình mẫu cho Quan Âm hôm nào. Cô nhắc anh nhớ lại sự xảo quyệt chốn công đường đã chia rẽ tình cảm hai người, và giờ đây anh lại về dưới trướng vị tướng từng đánh cô què quặt. Anh tự hỏi Akanemaru của ngày xưa ở đâu? Niềm đam mê khắc tượng đã từng khiến thời gian như ngưng đọng khi anh khắc Quan Âm phải chăng đã tan biến? Rồi anh gặp lại Gaou - tay tướng cướp đã chặt một tay của anh - y đã trả giá cho những tội ác của mình, hoàn lương, và nay là một cao thủ khắc tượng với tài năng không thua kém gì Akanemaru. Họ bị buộc phải so tài trước sự chứng giám của hoàng cung. Và Akanemaru, vì không chấp nhận thua cuộc trước Gaou đã đem chuyện xưa kể lại, chặt cụt tay của Gaou để trả thù. Trái tim thanh cao của anh giờ nhuốm đầy hận thù và tham vọng. Rồi ngày tận đến, anh chết cháy khi cố gắng cứu bảo tượng từ trong đám lửa, Phượng Hoàng đến bên anh, bảo đã đến lúc anh phải về bên nó. Anh vẫn còn cố sức làm người, anh van vỉ xin ông trời hãy cho anh được làm con người ở kiếp sau để tiếp nối những gì kiếp này chưa hoàn thành. Phượng hoàng chỉ cười đáp lại, lộ trình làm người của ngươi đã kết thúc rồi, Akanemaru. Từ nay đến tận cùng và tận cùng của thời gian, ngươi sẽ đi qua nhiều kiếp tái sinh, nhưng sẽ không bao giờ được làm con người nữa.

Và rồi Akanemaru cháy rụi, tất cả còn lại, chỉ là một cái sọ trắng.


Nguyên tác : Hi no Tori by Osamu Tezuka