Palestine

Khát khao: Cảm hứng từ lực hấp dẫn by Phuong Nguyen

Khát khao: Cảm hứng từ luật hấp dẫn
Fadwa Tuqan
Bản dịch từ Chris Millis and Tania Tamari Nasir

——

Đã hết giờ và tôi lại đơn côi trong căn nhà vắng bên vệt bóng đổ dài
Luật trời giờ đây vỡ tan dưới định mệnh phù phiếm
Chẳng còn gì níu giữ đồ vật của mình
Chẳng còn sức nặng nào để ghì chúng xuống
Mọi thứ bay đi tứ tán, rơi vào tay kẻ khác
Từ cái bàn, chạn tủ đến chiếc ghế xoay.  

Chỉ còn lại mình tôi đơn côi bên vệt bóng đổ dài
Không còn mẹ cha
Không còn anh chị
Ngôi nhà từng tràn ngập tiếng cười
Giờ còn lại gì ngoài cô độc và nỗi tiếc thương.

Bao vụn vỡ của tháng năm
đè nặng trên lưng, khiến tôi chùn bước, mắt mờ đi trước những chân trời.

Tôi nhớ vị cà phê và hương thơm khí trời
Sự thiếu vắng giờ đây là cơn say tôi đắm chìm suốt đêm ngày.

Hết giờ rồi và căn nhà chỉ còn lại tôi
Cô đơn bên cái bóng của chính mình.

Tôi nhớ tình bạn từ trang sách
Sự ủi an chúng mang đến qua trắc trở và niềm vui.

Tôi nhớ xiết bao chiếc đồng hồ cũ của mẹ, những bức ảnh gia đình từng ngự trên tường
và mùi trầm hương
vấn vương trong sợi tro tàn lặng lẽ,

Hết giờ rồi, chỉ còn lại mình tôi quạnh quẽ
chịu đựng giày vò bởi giờ giới nghiêm
đau đớn, không, nó hủy diệt tôi, những đứa trẻ đang bị giết chết ở gần nhà.

Tôi sợ ngày mai
Tôi sợ những thủ đoạn ẩn mật số phận còn che giấu
Chúa ơi, xin đừng để con thành gánh nặng, bị ghẻ lạnh.
Con đợi ngày về vùng đất lặng thinh. Con đợi chờ cái chết
Vì hành trình này đã quá dài rồi thưa Chúa
Mong quãng đường còn lại sẽ ngắn và hồi kết sẽ qua nhanh.

Thẻ căn cước (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Thẻ căn cước"
Mahmoud Darwish
bản dịch tiếng Anh bởi Denys Johnson-Davies

---

Hãy ghi lại.
Ta là một người Ả Rập
Số căn cước của ta là năm mươi nghìn
Ta có tám người con
Và đứa thứ chín sẽ đến khi mùa hè đi qua.
Vậy có gì khiến các người giận dữ?

Hãy ghi lại.
Ta là một người Ả Rập
Cùng những đồng chí của mình làm việc tay chân nơi mỏ đá
Ta còn tám người con
Ta phải mang bánh mì về cho chúng
và sách vở, áo quần
đào lên từ đất đá …
Ta không xin bố thí ở cửa nhà các người
Cũng không quỵ lụy cúi đầu trước bất kì ai
Vậy có gì khiến các người giận dữ?

Hãy ghi lại!
Ta là một người Ả Rập
Mang một cái tên mà chẳng còn tước hiệu
Là con bệnh của một đất nước
nhung nhúc người dân giận dữ
Gốc rễ của ta
đã đâm sâu từ trước khi thời gian bắt đầu
trước khi những thời đại khởi sinh
Trước hàng cây bách và cội ô liu già
Trước khi cỏ lên mầm lan tỏa.
Cha của ta… đến từ một gia đình chỉ biết cày bừa
Nào có xuất thân từ tầng lớp vinh hoa
Và ông nội ta… từng là một nông dân chân chất
không thuần chủng, cũng chẳng hề danh giá
Nhưng người dạy cho ta lòng tự hào của ánh dương
trước khi chỉ cho ta mặt chữ
và nhà ta khiêm tốn như căn chòi người gác cửa
đắp nên từ cành khô củi mục
Địa vị của ta thế này có thỏa mãn các người?
Chỉ còn một cái tên mà chẳng còn họ!

Hãy ghi lại
Ta là một người Ả Rập.
Màu tóc: Đen
Màu mắt: Nâu
Đặc điểm nhận dạng:
Đầu choàng khăn Keffiyeh cùng một chiếc Igal*
Và ta sẽ tẩn ngay kẻ nào cả gan chạm vào đó.
Địa chỉ:
Một ngôi làng xa xôi chẳng còn ai nhớ đến
Một con đường không còn cả cái tên
Tất cả đàn ông trong làng phơi lưng ngoài đồng hay mỏ đá
Vậy có gì khiến các người giận dữ?

Hãy ghi lại.
Ta là một người Ả Rập
Các người đã cướp mất vườn nho tổ tiên ta
và tất cả đất đai ta từng canh tác,
cùng các con của mình.
Các người chẳng chừa lại gì cho con cháu của ta
ngoài những hòn đá cuội…
Vậy Nhà nước có lấy luôn chúng không?
Như các người từng tuyên bố.

Vì vậy!
Hãy ghi lại ngay đầu trang thứ nhất:
Ta không căm thù bất kì ai
cũng không xâm phạm bất kể điều gì.
Nhưng, nếu ta đói
Da thịt kẻ cướp sẽ thành miếng mồi
Nên hãy cẩn thận…
Hãy cẩn thận…
Trước cơn đói
Và cơn cuồng nộ của ta!

---

*Keffiyeh và Igal: Khăn choàng biểu tượng của Palestine với hoa văn mắt lưới, thường có màu đen trắng và được cố định trên đầu bằng một chiếc vòng vải màu đen gọi là Igal. Chiếc khăn này đã trở thành một biểu tượng phản kháng của người Palestine cũng như những người ngoại quốc ủng hộ họ.

Bài thơ "Thẻ căn cước" xuất hiện lần đầu trong tập thơ "Lá Olive" vào năm 1964, khi Mahmoud Darwish chỉ mới 23 tuổi, và khi ông đọc bài thơ này lần đầu tiên trước công chúng nó đã đã tạo được tiếng vang lớn. Bài thơ được viết theo thể tự do với ngôn từ rất đơn giản và dễ hiểu, miêu tả lại cảnh một người Arab đang bị khảo cung bởi binh lính Israel - một trải nghiệm mà hầu hết người Arab Palestine đã đi qua sau sự biến al-Nakba 1948. Bài thơ này có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Mahmoud Darwish và được phát sóng rộng rãi không chỉ trong cộng đồng Palestine mà cả Israel, tuy nhiên phải đến năm 2016 khi nó được đọc lên trên đài radio của quân đội Israel (Israel Army Radio) thì mới gây phản ứng dữ dội từ những người cầm quyền.

"Tổ ấm" là gì? (Mosab Abu Toha) by Phuong Nguyen

“Tổ ấm” là gì?
Mosab Abu Toha

——-

Đó là hàng cây tỏa bóng con đường đến trường
trước khi bị đào trốc gốc.
Đó là bức ảnh trắng đen của ông bà ngày thành hôn
trước khi tường nhà sụp đổ.
Đó là tấm thảm cầu nguyện của chú
nơi đàn kiến ngủ say qua ngày đông lạnh giá,
trước khi bị đánh cắp
rồi đưa vào viện bảo tàng.
Đó là chiếc lò than nơi mẹ từng nướng gà và bánh mì thơm
trước khi một quả bom rơi
thổi tung nhà tôi thành cát bụi.
Đó là quán cà phê tôi từng lui tới xem những trận bóng và chơi ---

Con tôi ngắt lời: Một từ bốn ký tự có thể chứa đựng từng đó sao, thưa cha?

———

Mosab Abu Toha ( 1992 - ) Nhà thơ trẻ người Palestine sinh ra tại trại tỵ nạn Al-Shati (thường được gọi là Beach camp) ở miền bắc dải Gaza vào năm 1992, không lâu trước khi hiệp ước hòa bình Oslo giữa Israel và Palestine được kí kết. Anh là giáo viên dạy tiếng Anh tại trường học của Liên Hiệp Quốc UNRWA từ năm 2016 đến 2019, năm 2020 anh đến Havard theo diện khách mời theo chương trình lưu trú của hiệp hội Scholars At Risk (Học giả trong tình thế rủi ro) Anh sinh sống cùng gia đình tại Beit Lahiya, và anh là người sáng lập Thư Viện Edward Said, thư viện lưu trữ đầu sách tiếng Anh duy nhất trong khu vực.

Tháng 11 năm 2023, anh đã bị bắt giữ bởi quân lực Israel trong khi cùng gia đình chạy nạn từ miền bắc Gaza đến miền Nam với niềm hy vọng rằng họ có thể băng qua biên giới Rafah tiếp nối Ai Cập bởi con trai 3 tuổi của anh là một công dân Mỹ. Mặc dù anh được đặc cách vượt biên dưới sự bảo đảm của lãnh sự quán Mỹ, gia đình anh đã bị chặn lại tại một trạm kiểm soát của binh lính Israel, và bởi vì anh là một nhà thơ phản chiến có tiếng nói tại Gaza cũng như cộng đồng quốc tế, họ đã nhắm vào anh và tống giam cùng với 200 dân thường khác. Hiệp hội PEN tại Mỹ và Quốc tế đã lên tiếng, gây áp lực và đến ngày 21 tháng 11 họ đã trả tự do cho anh từ nhà tù Negev, anh đã bị tra tấn và theo lời luật sư của Anh, ngay sau khi rời khỏi nhà tù họ phải đưa anh đến ngay bệnh viện để chữa trị.

Bài thơ này nằm trong tuyển tập thơ “Things you may find hidden in my ears” của Mosab, xuất bản năm 2022.
 

Nỗi sợ (Najwan Darwish ) by Phuong Nguyen

"Nỗi sợ"
Najwan Darwish
bản dịch tiếng Anh: Kareem James Abu-Zeid

----

Tôi sẽ bị trục xuất khỏi thành phố
trước buổi đêm: họ tuyên bố vì
tôi chưa trả tiền cho không khí.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi thành phố
trước tối mùa vọng: họ tuyên bố rằng
tôi chưa trả tiền thuê ánh nắng
và những bóng mây.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi nơi đây
trước hừng đông: họ cáo buộc tôi
gieo sầu muộn vào đêm thâu và rằng
tôi đã quên nguyện cầu trước những vì tinh tú.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi thành phố
trước khi trôi ra từ tử cung mẹ,
bởi những gì đã làm suốt bảy tháng hoài thai
là viết nên những lời thơ chờ đợi cuộc sống.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi sự sống
bởi họ nghi ngờ tôi là một phần của hư không.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi hư không
bởi họ nghi ngờ tôi là đồng bọn của sự sống.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi cả hư không lẫn sự sống
bởi tôi được sinh ra để trở thành

một kẻ lưu vong.

----

(Hoài Phương dịch)

Najwan Darwish (1978 - ) Nhà thơ Palestine sinh ra và lớn lên tại Jerusalem. Anh từng theo học luật và đã hành nghề luật sư trong vài năm trước khi quyết định dành trọn thời gian cho thi ca và đã xuất bản nhiều tập thơ. Anh cũng là cố vấn văn học cho nhiều hoạt động nghệ thuật thị giác, sân khấu kịch trường, và biên tập nhiều tạp chí về văn học Palestine và cộng đồng Arab.

Cơn đau chuyển dạ (Fadwa Tuqan) by Phuong Nguyen

Cơn đau chuyển dạ
Fadwa Tuqan



Gió cuốn phấn hoa bay đi trong đêm
qua những căn nhà và ruộng đồng đổ nát
Địa cầu run rẩy trong tình yêu,
và quặn đau trong cơn gò chuyển dạ,
nhưng kẻ xâm lược muốn chúng ta
tin vào sự khuất phục và quy hàng.
Ôi cực quang trên bầu trời Arab
hãy nói cho những kẻ cướp đất kia rằng,
sinh con là sức mạnh hắn sẽ chẳng bao giờ biết đến
bởi nỗi đau trên thân thể người mẹ,
và bao sẹo dầy trên dải đất này
khởi sinh sự sống
vào thời khắc của hừng đông
khi đóa hồng đỏ máu
bừng nở trên vết thương đau.

(Hoài Phương dịch)


Ở Jerusalem (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Ở Jerusalem"
Mahmoud Darwish
Bản dịch Anh ngữ: Fady Joudah

---

Trong thành cổ Jerusalem, giữa những bức tường
tôi dạo bước qua từng kỷ nguyên mà chẳng còn
ký ức dẫn đường. Ở đằng kia, một ngôn sứ đang thuyết giảng về
lịch sử những vị thần… họ bay đến thiên đường
và khi trở lại, nỗi chán nản buồn thương đã vơi, ​bởi tình yêu
và hòa bình rất thiêng liêng, và chúng đang đến.

Tôi tự vấn bản thân khi bước xuống triền đồi: 
Họ đã tranh cãi sôi nổi thế nào 
về những gì ánh sáng đã nói với hòn đá?
Có phải từ tảng đá mờ đó mà chiến tranh đã bắt lửa bùng lên?

Tôi bước đi khi còn ngủ say. Nhìn khi ngủ say. Sau lưng
chẳng có ai. Trước mặt không bóng người.
Ánh sáng này chỉ dành cho tôi. Bước đi. Nhẹ hẫng. Vút bay
thành một ai khác. Tôi thay hình đổi dạng. Ngôn từ
nảy nở như cỏ cây từ vòm miệng ngôn sứ Isaiah
“đừng mong an toàn nếu trong lòng ngươi không có đức tin”
Tôi bước đi như một kẻ khác. Vết thương như đóa hồng trắng
giữa trang kinh. Hai bàn tay hóa cánh chim câu
chao liệng trên thánh giá, trên thân chúng gánh cả địa cầu.
Tôi không bước đi, mà vút bay, tôi hóa thành một ai khác,
tôi thay hình đổi dạng. Thời gian và không gian chợt tan biến. Tôi là ai
Tôi chẳng còn là tôi Ngày Chúa Về Trời. Nhưng rồi
tôi chợt nghĩ: giữa đơn côi, ngôn sứ Muhammad
đã cất lời bằng tiếng Ả Rập cổ xưa. “Và rồi?”
Điều gì sau đó? Một nữ quân nhân gào lên:
Lại là ngươi! Ta đã giết ngươi rồi mà?
Tôi trả lời: Cô đã giết ta… và cũng như cô, ta đã quên rằng
mình
phải chết.

---
(Hoài Phương dịch)

"Không thể" (Maya Abu-Alhayyat) by Phuong Nguyen

“Không thể”
Maya Abu-Alhayyat
chuyển ngữ tiếng Anh Fady Joudah

———

Đến phút cuối rồi tất cả sẽ rơi,
những ai từng cất lời “mày không thể”
sẽ thất thế trước tuổi già và buồn chán,
hoặc một trí tưởng tượng nghèo nàn.

Rồi sớm muộn, mọi chiếc lá sẽ rơi.
Và bạn đợi đến lượt mình sau cuối,
để thuyết phục thế giới rằng
bạn chẳng hề là mối nguy hại
đến cuộc đời của cái cây.  

Chuyển ngữ tiếng Việt Hoài Phương

Maya Abu-Alhayyat (1980 - ) Nhà thơ trẻ, tiểu thuyết gia, dịch giả người Palestine sinh ra và lớn lên tại Beirut, Lebanon và Jordan. Cô cũng là một người chuyên sáng tác và sản xuất các chương trình cho thiếu nhi. Năm 2008, cô quay về định cư tại khu vực bị chiếm đóng tại Jerusalem

Giữa vòng vây (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Giữa vòng vây"
Mahmoud Darwish
Bản dịch Anh ngữ Marjolijn de Jager

----

Bên phía dốc của ngọn đồi, đối điện là đêm buông và họng súng của thời gian
Kề bên khu vườn hắt bóng dài đổ nát
Chúng ta làm công việc của tù nhân,
và những kẻ không nghề ngỗng:
vun đắp nên niềm hy vọng.
Một đất nước đang chờ đón bình minh. Ta ngày càng dại khờ
sau dằng dặc ngóng trông giờ phút của chiến thắng:
Ta không biết đến màn đêm vì đạn pháo sáng lòa
kẻ thù đã cẩn thận thắp lên cho chúng cho ta
giữa đêm đen hầm tối.

*

Nơi đây không tồn tại cái “tôi”
Adam nhớ ra: thịt đất trong anh từng là cát bụi.

*

Anh mở lời bên lưng chừng cái chết:
Chẳng còn gì để mất, không cả một dấu vết:
Tự do ở rất gần. Tương lai đã ở trong tay.
Và sớm thôi tôi sẽ đi xuyên qua đời mình,
Tái sinh không điều gì ràng buộc, mồ côi,
Màu trời sẽ là cái tên của cuộc đời mới…

*

Này người đang đứng ngoài cửa, hãy vào đây,
Ngồi xuống cùng tôi uống ly cà phê Ả rập này
Rồi khi bình minh tới,
Chúng ta chắc chắn sẽ trở thành
những người đàn ông như anh vậy!

*

Khi những phi cơ biến mất, chim bồ câu trắng
Cất cánh bay, rửa sạch gò má chốn thiên đường
Với đôi cánh tự do huy hoàng, chúng đoạt lấy
thinh không và đùa chơi. Bay cao hơn, cao hơn nữa, hỡi bồ câu trắng
đến một nơi thật xa. Ôi giá như, bầu trời
là thật. (Một người bay giữa hai quả bom mở lời)

*

Hàng cây bách sau lưng người lính, tháp giáo đường canh giữ
cho bầu trời đừng đổ sụp. Đằng sau hàng rào kẽm gai
Người lính đứng đái – bên cỗ xe tăng thận trọng canh gác -
ngày thu đi qua và sắc vàng đổ xuống
con đường thênh thang như thánh đường ngày Chủ nhật.

*

(Gửi kẻ giết người) Nếu ngươi từng ngẫm về gương mặt người đã chết
nghĩ thật cẩn thận, ngươi sẽ nhớ đến mẹ của ngươi
trong lò hơi ngạt, và ngươi sẽ được giải phóng khỏi lí lẽ của súng đạn
Ngươi sẽ sực tỉnh nhận ra: đây không phải là con đường
để tìm lại căn tính.

*

Cô độc. Chúng ta cô độc đến thẳm sâu trầm tích
Chỉ đôi khi được viếng thăm bởi cầu vồng.

*

Ta còn những người anh em bên kia dải đất rộng
Những người anh em hiền hòa. Họ yêu thương ta. Họ dõi theo trong nước mắt
Và rồi thật lặng lẽ, họ kháo nhau rằng:
“Ôi… nếu chúng đã bị phong tỏa rồi…” câu nói đứt đoạn :
“Xin đừng bỏ đi, đừng bỏ mặc chúng tôi.”

*

Mất mát của chúng ta: mỗi ngày hai đến tám người tử đạo
Mười người trọng thương.
Hai mươi tòa nhà.
Năm mươi cội ô-liu...
được thêm vào sai lầm hệ thống, và chúng sẽ đi vào
Những bài thơ, vở kịch, những tấm toan dang dở.

*

Một người phụ nữ nói với đám mây: hãy che chở người tôi yêu
vì máu của anh đã thấm nặng tấm áo này.

*

Con yêu, nếu như con là mưa
hãy thành cây, phì nhiêu xanh tốt
Con yêu, nếu con không là cây
hãy thành hòn đá, thấm đẫm hơi sương
Con yêu, nếu con không là đá
Hãy hóa thành ánh trăng, quay về trong giấc mơ những người con yêu
(Một người đàn bà thầm thì trong lễ tang
bên người con trai đã chết)

*

Này bọn lính gác! Các người chưa chán ngán sao?
đợi chờ những hạt muối của chúng ta lấp lánh trong giọt mồ hôi
và đóa hồng rực sáng trong vết thương hở toác
Các người chưa chán ngán sao? Hỡi lính gác?

*

Chỉ cần một chút mênh mông màu xanh và vĩnh cửu
là quá đủ
để vơi đi gánh nặng thời cuộc
và rửa sạch vũng lầy ở nơi đây.

*

Xuống ngựa hay không là quyết định của linh hồn
Và trên đôi chân trần hắn nhẹ nhàng tiến bước
đến bên tôi, tay trong tay, như hai người bạn cũ
Chia cho nhau chiếc bánh mì xưa
Và nửa ly rượu hồng từ thời cổ đại
Cùng nhau dấn bước trên con đường dài
Cho đến một ngày cuộc đời rẽ hướng
Sẽ đến phiên tôi đi qua bên kia bờ tạo hóa
rồi ngồi xuống trên một tảng đá cao.

*

Giữa chốn hoang tàn đổ bóng xanh rêu phủ
Bọn sói lang say ngủ trên da lũ dê con
Cũng như tôi và những thiên thần, nó mơ rằng
cuộc đời chẳng ở nơi nào xa xôi mà ở đây, ngay lúc này.

*

Trong vòng vây, thời gian hóa thành không gian
bị biến dạng bởi chính sự vô cùng của nó
Trong vòng vây, không gian trở thành thời gian
nơi cả hôm qua lẫn ngày mai đều thất lạc.

*

Người tử đạo rảo quanh khi tôi còn sống chờ ngày mới
Hỏi rằng: Anh đã ở đâu? Hãy lấy lại từng lời
anh đã gửi cho ta, nhét chúng vào trong từ điển
để ủi an những người ngủ say khỏi âm vang rì rầm.

Người tử đạo khai sáng rằng: bên kia của mênh mông
ta chẳng kiếm tìm
những thiếu nữ đồng trinh bất tử, bởi ta yêu cuộc sống
dưới trần gian, giữa những hàng thông và cây vả
Dẫu giờ đây tất cả ngoài tầm tay, ta vẫn ngưỡng vọng
với tài sản cuối cùng: dòng máu chảy trong khung trời xanh thẳm.

Người tử đạo cảnh báo: Đừng nhẹ dạ khi chúng cất tiếng tru
Hãy tin cha ta và hàng lệ người tuôn rơi khi nhìn vào di ảnh
Chúng ta đã đổi vai, sao con đi trước ta hỡi con trai
Đáng ra là ta, ta phải là người chết trước!

Người tử đạo bước quanh: vài món nội thất và nơi chốn, là tất cả những gì ta có quyền hành thay đổi
ta đặt một chú linh dương lên giường,
và vầng trăng khuyết vương trên đầu ngón tay
để làm nguôi ngoai nỗi đau này.

*

Vòng vây tồn tại bởi chúng muốn thuyết phục ta chọn một chế độ nô lệ vô hại, với tự do toàn vẹn nhất.

*

Kháng cự như một cách trấn an thể trạng trái tim anh
của hai quả tinh hoàn và căn bệnh dai dẳng:
căn bệnh của niềm hy vọng

*

Trong tàn dư của hừng đông, tôi bước đến phía bên ngoài
Và giữa những gì đêm để lại, là tiếng chân vang vọng trong cõi lòng.

*

Gửi lời chào đến người bạn đường chia sẻ cùng tôi
cơn say của đêm nay, ánh sáng từ cánh bướm,
giữa bóng tối đen ngòm sâu trong hầm tối.

Gửi lời chào đến những bằng hữu đã nâng cốc
trong đêm đen đặc đánh vào giữa khoảng không
Và cả những bóng ma.

*

Bằng hữu luôn sửa soạn cho tôi bữa tiệc cuối
một nấm mồ êm ái dưới cây sồi
một bia mộ phủ bóng thời gian trôi
và tôi đợi họ nơi nghĩa trang ngày tang lễ
những ai đã chết rồi, ai?

*

Việc viết như một con chó bập vào khoảng không
Viết về những vết thương mà chẳng rơi giọt máu hồng.

*

Một tách cà phê nóng. Những con chim nhỏ, hàng cây xanh
Trong sắc thiên thanh, mặt trời nhảy nhót trên tường thành
như những chú linh dương
Giữa đám mây bay là hơi sương muôn vạn dáng hình
những gì còn lại cho ta dưới vòm trời. Và điều gì trong ký ức lơ lửng
đã vén màn hừng đông, đầy quyền uy và tráng lệ,
hé lộ rằng chúng ta là người khách
giữa mênh mông vĩnh hằng.

----

Bản dịch Việt ngữ: Hoài Phương

Mahmoud Darwish thường xuyên làm thơ trong vòng chiếm đóng, và chủ đề này quay lại thường xuyên dưới cùng một cái tên, cùng một nỗi buồn, cùng một sự căm giận thê lương, qua những lời tự sự, những câu chuyện khác. Ông làm thơ khi quay về làng đã hóa thành đất hoang dưới sự dày xéo của xe tăng và xe ủi. Ông làm thơ khi trở thành người không còn căn cước, không cả quê hương. Ông làm thơ khi bị giam lỏng và khi ở trong tù, khi sinh sống ở Beirut và lính IDF đánh bom và vây hãm năm 1982. Tâm sự của ông cũng là tâm sự của hàng triệu người khác, và cũng là câu chuyện của Palestine: lưu vong, luôn trong vòng phong tỏa.

Đây là một bài thơ dài và gần như mỗi đoạn không liên quan gì đến đoạn trước đó, có thể hiểu là những ghi chép rời rạc trong những cuộc chạy loạn khi ông ở giữa vòng vây.

Nếu rồi đây tôi phải chết (Refaat Alareer) by Phuong Nguyen

"Nếu rồi đây tôi phải chết"
Refaat Alareer

---

Nếu rồi đây tôi phải chết
mong rằng bạn hãy sống tiếp
để kể nên chuyện đời tôi
hãy bán đi những gì tôi để lại
đổi lấy tấm áo vải
và vài cuộn dây
(sẽ thật hay nếu có vạt dài và mang sắc trắng)
để một đứa bé Gaza khi trông lên cõi vĩnh hằng
đợi chờ người cha đã ra đi trong ánh chớp -
mà không kịp nói lời chia tay
đến cốt nhục của ông
lẫn bản thân mình -
sẽ thấy cánh diều bạn kết thành cất cánh bay
đến thiên đường
và trong tâm tưởng em sẽ thấy một thiên thần
trao cho em những yêu thương.
Nếu rồi đây tôi phải chết
hãy để nó mang đến niềm ước vọng
trong lời chuyện kể.

---

Refaat Alareer (1979 - 2023) Ông sinh ra và lớn lên ở dải Gaza và là nhà thơ, giáo sư dạy tiếng Anh tại trường đại học Gaza. Ông được gọi là "tiếng nói của Gaza" nhờ vào những hoạt động xã hội không ngừng nghỉ. Tiếng Anh là đam mê của ông, và ông đã hướng dẫn hàng ngàn người trẻ làm thơ bằng cả tiếng Arab lẫn tiếng Anh vì ông tin rằng đó là cách mà người trẻ có thể thoát khỏi vòng kiềm kẹp đói nghèo phủ lên Gaza, đó là cách họ có thể vươn ra khỏi vòng chiếm đóng, vượt qua những bức tường, khiến thế giới lắng nghe họ. Ông cũng giảng dạy cho sinh viên sự khác biệt giữa Judasim và Zionism, sau những chuyến công tác tại Mỹ và được tiếp xúc với những người Do Thái khác hơn những người Israel họ thường gặp ở Gaza - thường là binh lính hung hăng được trang bị võ trang đến tận răng. Những người Do Thái ông gặp gỡ tại Mỹ đã chào đón ông vào nhà, dùng bữa cùng nhau và lắng nghe ông chân tình, những trải nghiệm đẹp đẽ này đã để lại trong ông những dấu ấn sâu đậm. Ông là người đồng sáng lập Gaza Write Back và We are not numbers.

Refaat Alareer đã qua đời hôm nay ngày 7 tháng 12 sau một trận không kích mà theo Euro-med monitor là nhắm vào nhà riêng của ông có chủ đích. Ông đang ở đó cùng người chị và bốn đứa cháu, cả tòa nhà đổ sụp xuống và không một ai sống sót.

Bài thơ cuối cùng này ông viết vào ngày 1 tháng 11 và đăng trên nền tảng X, như một lời chia tay.

Lá thư từ ngục tối (Sami al-Qasim) by Phuong Nguyen

"Lá thư từ ngục tối"
Sameeh Al Qassem

--

Thật đau đớn, Mẹ ơi
khi biết rằng nước mắt mẹ rơi
những lúc bạn bè đến
và hỏi về con.

Nhưng Mẹ ơi, con tin rằng
Sự huy hoàng của cuộc đời
sinh ra từ ngục tối
Và người thăm cuối
sẽ không phải một cánh dơi mù lòa
lúc nửa đêm.

Đó phải là ánh sáng…

---

Bản dịch Việt Ngữ: Hoài Phương

Samih al-Qasim (1939 - 2014) Nhà báo, nhà thơ người Palestine - Israel. Ông sinh ra trong một gia đình người Druze (Một tộc người Arab thuộc nhóm sắc tộc nói tiếng Ả Rập theo đạo Druze) Ông sinh ra tại Jordan khi cha ông phục vụ trong binh đoàn Ả Rập của vua Abdullah. Gia đình ông quay về Palestine vào năm 1941 và sinh sống tại Galilee. Sau sự biến al-Nakba, gia đình ông không rời đi mà ở lại tại Nazareth, do đó ông đã theo học dưới hệ thống giáo dục của Israel đến khi trưởng thành. Khởi đầu, ông làm việc như là một giáo viên tiểu học tại Galilee và al-Kamer, nhưng vì những tác phẩm thi ca và các hoạt động chính trị xã hội mà đã bị buộc nghỉ việc. Ông là một trong những người đầu tiên trong cộng đồng người Druze chống lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Israel - một chính sách chia để trị. Ông bị buộc đi lính vào năm 1960, nhưng từ chối cầm súng và bị bắt bỏ tù cho đến khi trưởng đội đồng ý cho ông làm những việc bàn giấy không phải mang vũ trang. Ông bắt đầu làm việc sau đó như một nhà báo dưới tòa báo trực thuộc đảng cộng sản Israel, cho đến khi bị bắt đi tù lần nữa. Chọn lựa ở lại trong ách chiếm đóng của Israel là một thử thách, nhất là khi ông vẫn thường xuyên làm thơ phản chiến và hoạt động xã hội đòi quyền lợi cho người Palestine, tuy nhiên ông không hối hận vì điều này, ông nói rằng: "Tôi chọn ở lại đây không phải vì không yêu bản thân mình, mà vì tình yêu tôi dành cho vùng đất lớn lao hơn tất cả."

Ước tính mỗi năm, có khoảng 300 - 700 đứa trẻ dưới 18 tuổi, trẻ nhất là 12 tuổi ở Gaza và Tây Ngạn bị chính quyền Israel bắt bỏ tù không cần xét xử và không được có cả luật sư. Chúng có thể bị bắt vì những lí do ngớ ngẩn, như đi lạc vào khu vực của dân chiếm đóng, đôi khi có thể là...ngay trên mái nhà của chúng.

https://www.dci-palestine.org/children_in_israeli_detention

Palestine, nhật ký của một vết thương (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Palestine, nhật ký của một vết thương"
Mahmoud Darwish
gửi đến Fadwa Tuqan

---

Chúng ta không cần lời gợi nhớ:
Bởi núi Carmel luôn ở trong lòng
trên hàng mi là Galilee mênh mông thảm cỏ.
Đừng nói rằng: Giá tôi có thể đến bên người như dòng sông.
Đừng nói
Bởi như thịt xương, ta và quê hương là một.

Trước tháng sáu, ta như loài chim trụi cánh
nên tình yêu không úa tàn trong trói buộc.
Chị ơi, hai mươi năm ròng
việc của chúng ta không phải viết nên những bài thơ
mà là chiến đấu.

Trong đôi mắt chị bóng tối dần buông
- như một ác thần
hiện thân từ khoang miệng của tháng Sáu
phủ lên đầu ta vầng thái dương -
sắc màu của đọa đầy
và mùi vị của kinh cầu.
Cách hắn giết rồi hồi sinh, thật xuất sắc!

Đêm trào dâng trong đáy mắt -
thẳm sâu linh hồn nơi bóng tối dần tan:
Ngay lúc này ở đây ta bầu bạn
trên nẻo đường về
ròng rã từ thế kỷ khô hạn.

Rồi ta hiểu điều gì sinh ra tiếng hót sơn ca
là lưỡi lê sáng lòa trên gương mặt kẻ xâm lấn.
và thứ đắp nên sự câm lặng của nấm mồ
là một lễ hội… một vườn cây của sự sống.

Chị ngâm lên bài thơ, tôi thấy những ban công
và tường thành của chúng hóa hoang mạc
quảng trường trải dài đến khoang bụng núi đồi:
Đó nào có phải âm nhạc ta nghe thấy.
Cũng chẳng phải màu sắc ngôn từ:
Trong căn phòng ấy là hàng triệu người hùng.

Dải đất này thấm đẫm thịt da người tử đạo.
Là miền đất hứa của lúa mì và những vì sao.
Thế nên, hãy tôn thờ!
Bởi ta là hạt muối, là dòng nước phù sa.
là những vết thương vẫn ngoan cường chiến đấu.

Chị ơi, cổ họng ta ứ nghẹn nước mắt
và trong đôi mắt ta sôi sục lửa hồng:
Ta tự do.
Không còn phải đấu tranh trước thành trì vua chúa.
Những người đã và sẽ chết trước Cánh cổng của Ngày
ôm chầm lấy ta, họ xem ta như vũ khí.

Ôi hỡi vết thương lì lợm!
Quê hương ta không phải hành lý
Và ta nào phải khách vãng lai
Ta là người tình, đất nước này là người yêu dấu.

Nhà khảo cổ bận rộn phân tích hòn đá.
Và giữa những huyền thoại đổ nát, anh tìm kiếm đôi mắt
để nhìn cho ra
rằng ta chỉ là gã du mục lang thang, mù lòa
không có đến một chữ trong mẫu tự văn minh.
Nhưng khi nhàn rỗi ta vun đắp mầm cây
rồi ngâm lên những khúc ca đầy thân ái.

Đã đến lúc đánh đổi ngôn từ cho khế ước
để chứng minh tình yêu nơi đất nước và tiếng sơn ca:
Giữa thời cuộc này vũ khí nuốt trọn đàn guitar
Trong tấm gương dung nhan ta ngày càng nhạt nhòa
vì trên lưng ta một thân cây đang chầm chậm vươn tỏa.

----

Bản dịch Việt Ngữ: Hoài Phương

Ảnh: Samih al-Qasim, Fadwa Tuqan và Mahmoud Darwish thời trẻ chụp ảnh cùng nhau, cả ba đều là những nhà thơ lớn của Palestine.

trích đoạn "Khí oxy không dành cho người đã chết" (Hiba Abu Nada) by Phuong Nguyen

trích đoạn từ "Khí oxy không dành cho người đã chết"
Hiba Abu Nada
---
1.
Ta che chở cho con
Giữa tiếng khẩn cầu và những lời nguyện
Ta ban phước cho láng giềng con và tháp giáo đường
được bảo vệ
khỏi đạn pháo

từ giây phút
thống tướng truyền tin
cho đến khi chúng chuyển mình
thành cuộc đột kích.

Ta che chở cho con
và những đứa bé
đổi đường đạn bay
bằng nụ cười của chúng.

2.

Ta che chở cho con
và những đứa trẻ đang ngủ say
như đàn gà con cuộn mình
trong tổ ấm.

chúng không bước đi
giữa những giấc mơ
bởi tử thần
đang dần tiến bước
đến trước căn nhà.

3.

Ta che chở cho người cha
của những đứa trẻ, người cha chống đỡ cột nhà
khi nó đổ sụp dưới quả bom rơi.
Ông khẩn cầu bên lề cửa tử:
Hỡi đấng từ bi, xin hãy đợi thêm một lúc
Vì những đứa trẻ mà con đã biết yêu cuộc đời
Xin hãy mang đến một cái chết
đẹp dịu dàng như các con của con vậy.

4.

Ta che chở cho con
khỏi cái chết, khỏi đớn đau
bảo bọc con giữa vòng vây phong tỏa
trong khoang bụng cá voi khổng lồ.

Con đường ta ngợi ca Chúa dưới quả bom rơi
Cất lời kinh cầu cho nhà dân và những thánh đường
Và mỗi lần phương Bắc oằn mình trong pháo kích
Lời thỉnh cầu vọng đến từ phía Nam.

5.

Ta che chở cho con
khỏi thương đau, sầu muộn
cùng với bảy di ngôn
ta bảo vệ
vị quả cam ngọt
khỏi những quả bom phosphorus
và màu của tầng mây
khỏi khói đen vẩn đục.

Ta che chở cho con cùng lời mặc khải
rằng bụi mù rồi sẽ tiêu tan
những người đã yêu và đã chết kề bên
rồi một mai sẽ cất lên tiếng cười.


----

"Bài thơ cuối"
Hiba Abu Nada

Đêm ở Gaza tối tăm
trừ vệt sáng lòa của đạn pháo
Yên ắng
trừ tiếng nổ từ những trận dội bom
Kinh hoàng
trừ sự ủi an trong tiếng kinh cầu
Đen ngòm
trừ ánh sáng thắp lên từ những linh hồn tử đạo.

Ngủ ngon nhé, Gaza.

----

Hiba Abu Nada (Heba Kamal Abu Nada ) (1991-2023)

Nữ thi sĩ Hiba Abu Nada sinh ngày 24 tháng 6 năm 1991, bằng tuổi với tôi. Cô sinh ra tại Mecca, Saudi Arabia trong một gia đình người Palestine tị nạn đến từ làng Bayt Jirja, nơi đã bị Israel chiếm đóng và san bằng trong sự biến al-Nakba 1948. Cô có bằng cử nhân hóa sinh và thạc sĩ về dinh dưỡng, bên cạnh đó cô cũng là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, và đã xuất bản tiểu thuyết đầu tiên, cũng là duy nhất trong văn nghiệp của mình mang tên "Khí Oxy không dành cho người đã chết". Cô thường được gọi triều mến là "Đứa con gái của dải Gaza"

Bài thơ cuối cùng của cô (người dịch tự đặt tên) được viết vào ngày 8 tháng 10 và đăng tải trên nền tảng X. Cô cùng những thành viên khác trong gia đình qua đời ngày 20 tháng 10 tại nhà riêng sau một cuộc không kích của Israel ở Khan Yunis, phía nam dải Gaza, nơi cư dân Gaza được chỉ định chạy đến để tránh chiến sự tại miền Bắc.

Đoạn trích đầu tiên từ tiểu thuyết của cô, được xem như là một đoạn đối thoại với Thượng Đế. Bởi chưa đọc qua tiểu thuyết của cô mà chỉ đọc đoạn trích và lời bình, tôi tự luận "seven verse" có thể ám chỉ bảy di ngôn của Jesus.

Mô phỏng (Fady Joudah) by Phuong Nguyen

"Mô phỏng"
Fady Joudah*

---

Con gái tôi
không dám làm đau một con nhện
nhả tơ làm tổ
trên tay chiếc xe đạp
đã hai tuần nay.
Cô kiên nhẫn đợi
đến khi con nhện rời đi.

Tôi nói rằng, nếu con kéo đứt sợi tơ
tự nó sẽ hiểu ra
đây chẳng phải nơi ta có thể dựng nhà.
và con có thể chơi đùa cùng chiếc xe đạp đó.

Cô đáp lời, Đó là cách một người
trở thành kẻ ly hương
đúng không cha?

----
*Fady Joudah (1971 - ): Nhà thơ người Mỹ - Palestine sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là người Palestine tỵ nạn lưu lạc đến Mỹ sau sự biến al-Nakba. Anh là nhà thơ, dịch giả và là cũng là một nhà vật lý học. Anh là dịch giả cho tập thơ "Gánh nặng của cánh bướm" (A butterfly's burden), tuyển tập thơ của thi hào Mahmoud Darwish, tác phẩm này đã mang lại cho anh giải dịch thuật PEN cho thi ca vào năm 2008.

Tiêu đề của bài thơ Mimesis là một từ Hy Lạp cổ thường được dùng trong phê bình văn học và triết học, chỉ sự mô phỏng tự nhiên. Mimesis cũng được dùng trong nghệ thuật, Aristotle cho rằng nghệ thuật là sự tái hiện và cải thiện thiên nhiên, và thiên nhiên là cội nguồn, kiểu mẫu cho sự thật và những điều hướng thượng, đẹp đẽ. Mimesis không đơn thuần chỉ là sao chép lại cái bên ngoài mà là chọn lọc, mô phỏng lại bản chất của một sự vật, hiện tượng tự nhiên để làm rõ ràng thêm chân lý tiềm ẩn trong đó.

Không ai đến (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

"Không ai đến"
Ghassan Zaqtan*

----

Người đã chết đến sớm hơn tất cả
họ ngồi xuống trong vết ố nghiêm trang
giữa bụi tro và vô vàn cột khói
dâng lên từ những chiếc giường cháy
tàn tuyết đen như lốc xoáy cuồng phong.

Khói vẫn bốc lên trong phòng
len lỏi qua lần cửa khép chặt
trên sàn đất được quét sạch, tuôn tràn
từ hoa văn những tấm thảm Ba Tư, chúng bám
lên màn cửa, nhầy nhụa phủ tấm khăn trải bàn
và những chai nước khoáng.

Rồi một ai đó không rõ mặt nói rằng:
Chẳng ai đến
Người đã chết đến sớm hơn tất cả
họ không mang theo giấy tờ
chỉ còn trơ trọi một bằng chứng
câm lặng.

----

Bản dịch Việt ngữ: Hoài Phương

*Ghassan Zaqtan: Nhà thơ, tiểu thuyết gia, biên kịch người Palestine. Ông sinh năm 1954 tại Beit Jala, Tây Ngạn, gần Bethlehem - một thành phố quan trọng trong Thiên Chúa giáo nơi Chúa giáng sinh. Cha của ông là một nhà thơ, nên một cách tự nhiên ông đã đi theo con đường thi ca khi trưởng thành. Ông từng sống trong cảnh lưu vong tại Jordan, Beirut, Damascus và Tunis, cho đến năm 1994 ông mới được hồi hương và định cư tại Ramallah, Tây Ngạn.

Từ nhật ký của cô bé sắp tròn bốn tuổi (Hanan Mikha'il 'Ashrawi) by Phuong Nguyen

Từ nhật ký của cô bé sắp tròn bốn tuổi
Hanan Mikha'il 'Ashrawi

——

Ngày mai, dải băng này
sẽ được tháo. Tôi tự hỏi rằng có phải
mình sẽ thấy một nửa quả cam,
một nửa quả táo, một nửa
gương mặt của mẹ
với con mắt còn lại?  

Tôi không kịp thấy viên đạn
nhưng liền cảm thấy cái đau tê dại
khi nó phát nổ trong đầu.
Dáng hình của hắn ta
không biến mất, người lính đó
với một khẩu súng to, đôi tay run rẩy, với cái nhìn
trong đôi mắt
mà tôi không hiểu nổi.

Nếu tôi có thể thấy hắn thật rõ ràng
với đôi mắt nhắm chặt,
chắc hẳn vì sâu trong đầu
mỗi chúng ta còn có một cặp mắt nữa
để đền bù
cho cái mà ta đã mất. 

Tháng sau, vào ngày sinh nhật,
tôi sẽ có con mắt thủy tinh
Có lẽ mọi thứ sẽ trông thật tròn trịa
phình to ở chính giữa…
Một thế giới mới lạ sẽ mở ra
qua khối cầu thủy tinh trong hốc mắt mình.

Tôi nghe rằng có một đứa bé chín tháng tuổi
cũng vừa mất đi một con mắt,
và tôi tự hỏi có phải người lính của tôi
đã bắn cô bé ấy không… người lính
săn lùng cô gái nhỏ
đương giương mắt nhìn lại…
Tôi đã lớn rồi, tôi sắp bốn tuổi
cuộc đời này tôi đã thấy đủ nhiều
Nhưng cô bé ấy còn quá nhỏ và
chưa kịp hiểu ra điều gì.

——

Hanan Mikha'il 'Ashrawi (1946 - ) Chính trị gia người Palestine, và cũng là một nhà thơ, một học giả. Bà sinh ra tại Nablus trong một gia đình Palestine theo Thiên Chúa giáo trong thời kỳ ủy trị Anh Quốc. Cha của bà Daoud Mikhail là một nhà vật lý học và cũng là một trong những thành viên sáng lập PLO (Palestine Liberation Organization) Như nhiều người Palestine khác, tuổi thơ của bà là những ngày tháng bất ổn khi phải liên tục di chuyển giữa những cuộc chiến từ Jordan đến Tây Ngạn, Lebanon, để rồi cuối cùng khi Cuộc chiến sáu ngày nổ ra, bà đã mất quyền công dân qua tuyên cáo vắng mặt của thể chế Israel và bị tước quyền hồi hương. Bà lưu lạc đến nước Mỹ và tận dụng cơ hội này để theo đuổi học thuật và tốt nghiệp về văn chương tại Đại học Virginia, và sau đó là 11 văn bằng tiến sĩ khác về Luật, văn chương và nhân quyền từ nhiều đại học khác trên thế giới. Bà là người phát ngôn cho cuộc Đối thoại hòa bình đầu tiên giữa Palestine và Israel tại Madrid, 1991.

Bài thơ này được viết ra vào năm 1988, nhưng chỉ vài ngày trước đây thôi, tôi đã thấy video một đứa bé chỉ còn một nửa gương mặt, hốc mắt và phần sọ trái của em vỡ ra trong bể máu.

Hỡi những quả bom khôn hàng triệu đô la, hỡi những người lính tinh nhuệ đang nhảy múa trên tro tàn, nếu không thể đấu tay đôi trên võ đài, hãy dùng trí khôn nhân tạo dò tìm chính xác đối thủ của mình thay vì trải thảm đau thương lên những đứa trẻ vô tội.

Người đại diện của UNICEF đã tuyên bố rằng cuộc chiến của Israel tại dải Gaza là “Chiến tranh chống lại trẻ em” - A war agaisnt children.

Mặc niệm cho Gaza (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Mặc niệm cho Gaza"
Mahmoud Darwish
Bản dịch Anh ngữ bởi Sinan Antoon

----

Gaza cách xa người thân nhưng luôn kề cận kẻ thù, bởi vì mỗi khi Gaza bùng nổ, nàng lập tức trở thành một hòn đảo cô độc và không ngừng bốc cháy. Cùng với thời gian, đôi tay nàng cào nát gương mặt kẻ thù, đập vỡ những giấc mơ và ngưng đọng sự hài lòng của chúng.

Bởi thời gian ở Gaza là một điều rất khác.

Thời gian ở Gaza không biết đến sự trung lập.

Nàng không buộc một người làm nguội lạnh dòng suy tư, mà ngược lại, khiến hắn phát nổ rồi đâm vào hiện thực.

Thời gian ở Gaza không phải là chuyến tản bộ từ thời thơ ấu đến tuổi già, mà biến một đứa trẻ trưởng thành ngay lần đầu tiên chạm trán kẻ thù.

Thời gian ở Gaza chẳng hề dịu êm mà là cơn bão giữa trưa hè bỏng lửa. Bởi vì những giá trị ở Gaza rất khác, rất khác, rất rất khác.

Với phận người sống trong ách chiếm đóng, giá trị duy nhất của anh ta là sự phản kháng chống lại quân xâm lược. Đó là cuộc thi duy nhất, một chất gây nghiện thật đau đớn mà cũng quá đỗi cao thượng. Đó là điều anh không thể học từ sách vở hay những bài kiểm tra vội vàng, hoặc những chiếc loa phóng thanh phát lên âm thanh ồn ã và lời tuyên truyền. Tất thảy là trải nghiệm, là những gì một người kinh qua mà chẳng vì thể diện hay quảng cáo.

Gaza không có cuống họng. Lỗ chân lông của nàng phun ra âm thanh qua những giọt mồ hôi, như máu sôi và lửa bỏng. Bởi vậy mà kẻ địch căm thù nơi đây như cái chết và e sợ như một tội ác, chúng muốn nhấn chìm Gaza vào đại dương, chôn vùi ta trong sa mạc, nhấn chìm ta trong bể máu. Đây là lí do những người anh em của chúng ta vừa yêu mến dải đất vừa dè chừng, đôi khi hãi sợ, bởi Gaza là một bài học đau thương và cũng là một tấm gương rực sáng cho kẻ thù lẫn bè bạn.

Gaza không phải là thành phố xinh đẹp nhất

Biển ở đây chẳng xanh hơn những rặng biển Ả rập khác.

Và những quả cam từ nơi đây chẳng tươi ngon hơn bao cây cam ngọt khác trong bình nguyên Địa Trung Hải.

Gaza không hề giàu có.

Nàng không lịch lãm cũng chẳng lớn lao, nhưng lại chứa đựng trong lòng sức nặng lịch sử của cả đất nước chính vì nàng thật xấu xí, nghèo hèn, khổ đau và vô cùng xấu xa trong đôi mắt kẻ thù. Bởi vì Gaza, hơn tất cả, có khả năng khuấy động tâm tư và sự dễ chịu nơi kẻ thù. Gaza là cơn ác mộng, nơi tồn tại những quả cam như địa lôi, những đứa trẻ không có tuổi thơ, những người lớn không biết đến tuổi già và đàn bà chẳng còn gì tha thiết. Họ là kết tinh của những gì đẹp đẽ nhất, tinh khiết và giàu có nhất, là những người xứng đáng được yêu thương nhất.

Chúng ta đối xử bất công với Gaza nếu sự thơ mộng là tất cả những gì ta tìm kiếm, đừng hạ thấp vẻ đẹp của nàng. Điều đẹp nhất là khi nàng chẳng cần đến thi ca khi lũ chúng ta đang cố gắng chiến thắng kẻ thù bằng những bài thơ, tràn trề niềm tin và vui sướng khi kẻ thù để yên cho ta cất lên tiếng hát. Nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về chúng, rồi những bài thơ khô lại trên môi khi trải ra trước tầm mắt ta là những thành trì, hải cảng và những con đường kẻ thù đã dựng nên.

Chúng ta đối xử với Gaza thật bất công khi ca tụng nàng như một huyền thoại, bởi ta sẽ ghét bỏ nàng vào giây phút phát hiện ra rằng ôi thật ra… đây chỉ là một thành phố bé nhỏ nghèo nàn đang gồng lên kháng cự.

Và nếu ta tự hỏi: Điều gì đã khiến dải đất này trở thành một huyền thoại? Ta sẽ đập vỡ mọi tấm gương nếu còn lại chút phẩm hạnh trong mình cùng đôi mắt ngấn lệ, ta sẽ nguyền rủa chính mình vì đã khước từ lòng phản kháng sôi sục trong người. Tôn vinh Gaza là một nỗi bất công, bởi trong cơn mê hoặc mộng mị ta sẽ bước đến mép vực đợi chờ và Gaza sẽ không tiến tới. Nàng không mang đến cho ta tự do. Nơi đây không có ngựa, không có máy bay, không một cây đũa thần, hay những văn phòng trong thành phố lớn. Gaza tự giải phóng chính nàng khỏi những trách nhiệm và ngôn từ của chúng ta . Và nếu chúng ta tình cờ gặp gỡ trong một giấc mơ, có lẽ nàng sẽ chẳng nhận ra ta, bởi Gaza sinh ra từ biển lửa, trong khi chúng ta hoài thai từ nỗi chờ đợi và giọt nước mắt rơi trên những căn nhà hoang phế.

Đúng vậy, Gaza đã đi qua những hoàn cảnh đặc biệt với truyền thống đấu tranh rất đặc trưng. Nhưng bí mật của nàng không có gì huyền hoặc: Đó là sự phản kháng lây lan, bện vào nhau chặt chẽ, nàng thấu hiểu khát vọng của chính mình (là xé nát kẻ thù khỏi xiêm y của nàng). Mối liên hệ giữa sự phản kháng với người dân nơi đây không phải mối quan hệ mà là xương cốt, thịt da. Sự phản kháng ở Gaza không phải là một ngành nghề, không nhân danh một tổ chức.

Nàng không chấp lời giáo huấn, và sẽ không phó mặc số phận của nàng cho bất kì một chữ kí hay con dấu nào cả.

Nàng không quan tâm liệu chúng ta có biết đến tên gọi, tranh ảnh hay những lời hùng biện. Nàng không phải là một công cụ truyền thông, không là phông nền cho một bức ảnh và sẽ chẳng gượng gạo đắp lên gương mặt nàng một nụ cười nào cả.

Nàng không muốn điều đó, và chúng ta cũng vậy.

Vì thế mà Gaza là khoảng đầu tư tồi tệ cho những thương nhân, nhưng là mỏ vàng đạo đức không gì sánh bằng cho cộng đồng Ả Rập.

Cái đẹp của Gaza đó là tiếng nói của chúng ta sẽ chẳng chạm đến nàng. Không điều gì có thể làm sao nhãng; không điều gì có thể kéo nắm đấm của nàng khỏi gương mặt kẻ thù. Không dáng hình của đất nước Palestine được dựng nên ở phía đông của Mặt Trăng, hay phía Tây của Sao Hỏa ngày khai hóa. Gaza đã dâng hiến cuộc đời nàng cho sự phản kháng… phản kháng trong cơn đói khát, trong lưu vong, phản kháng trước đòn tra tấn, trong vòng phong tỏa, phản kháng từ cõi chết.

Kẻ thù có lẽ sẽ đoạt lấy Gaza

(như sóng cồn biển dữ chinh phục hòn đảo… và đốn hạ đến cái cây cuối cùng)

Chúng có thể đập nát từng khúc xương nàng.

Chúng có thể cài xe tăng vào trong cơ thể trẻ thơ và phụ nữ. Chúng có thể hất nàng văng ra biển, chôn vùi nàng trong những đụn cát, nhấn chìm nàng trong bể máu.

Nhưng Gaza sẽ không lặp lại lời dối trá và nói “vâng” trước kẻ xâm lược.

Nàng sẽ tiếp tục bùng nổ.

Đây không phải là cái chết hay tự sát mà là cách Gaza tuyên bố rằng nàng xứng đáng được sống.

Nàng sẽ tiếp tục bùng nổ.

Đây không phải là cái chết hay tự sát mà là cách Gaza tuyên bố rằng nàng xứng đáng được sống.

----

Bản dịch Việt ngữ: Hoài Phương

Mahmoud Darwish (1941-2008) Nhà thơ quốc gia của Palestine, ông sinh ra tại làng al-Birwa tại Galilee, một thành phố bị chiếm đóng bởi quân đội Israel. Gia đình Mahmoud Darwish đã bỏ lỡ cuộc điều tra dân số của Israel nên được xét vào diện "tị nạn nội tại", tuy nhiên vì phần lớn làng mạc, ruộng đất đã bị san bằng như một chiến lược để người Palestine không còn nhà cửa, kế sinh nhai buộc phải ra đi trong hành trình dựng quốc Israel, gia đình ông đã chạy đến Lebanon không lâu sau đó. Ông đã sống như một người lưu vong phần lớn cuộc đời ở giữa Beirut và Paris, đã từng bị bắt bỏ tù trong những chuyến đi đọc thơ mà không có giấy phép du hành. Mahmoud Darwish tinh thông ngôn ngữ Hebrew và thi ca của ông đã từng được đề xướng đưa vào chương trình giảng dạy tại Israel nhưng chính quyền đã bác bỏ. Tuy được xem như nhà thơ phản chiến và đề cao tinh thần phản kháng của người Palestine, Mahmoud Darwish không phải là một người bài Do Thái mà trái lại, ông cho rằng mình thuộc về một thế giới nơi người Do Thái và Ả Rập đã từng chung sống trong hòa bình trước khi Israel lập quốc. Ông mong mỏi một ngày hòa bình giữa hai dân tộc sẽ đến và "những người Do Thái sẽ không xấu hổ thừa nhận rằng trong thâm tâm họ có nguyên tố Ả Rập, và người Ả Rập cũng sẽ khảng khái đón nhận những giá trị Do Thái." Mahmoud Darwish đã nhận vô số những giải thưởng lớn về thi ca và được phong hàm Hiệp Sĩ về văn chương tại Pháp.

Đủ rồi (Fadwa Tuqan) by Phuong Nguyen

"Đủ rồi"
Fadwa Tuqan*

--

Vậy là đủ rồi
Vậy là đủ cho tôi, được nằm xuống nơi đây
để đất mẹ vùi chôn thân xác này
tôi mục rữa rồi tan vào lòng đất
thành dưỡng chất nuôi sống một mầm hoa
tỏa hương trên tay người đồng hương bé nhỏ.

Với tôi chỉ thế thôi, được nằm lại
trong vòng tay êm ái của quê nhà
được gần gũi Người như một nắm đất
một ngọn cỏ
một đóa hoa.

---

chuyển ngữ tiếng Việt Hoài Phương

*Fadwa Tuqan (1917-2003) Một trong những nữ thi sĩ có sức ảnh hưởng nhất trong thi ca Arab hiện đại, Fadwa Tugan sinh năm 1917 tại Nablus, một thành phố tại Tây Ngạn, Palestine. Bà đã chứng kiến quê hương làng mạc mình bị quét đi trong thời kỳ Ủy trị Anh Quốc (British Mandate) để dọn đường cho khởi sinh của một đất nước mới: Israel. Và những gì bà kinh qua, trông thấy vào những ngày tháng đó, cùng tình yêu sâu nặng và sự gắn bó bền chặt với vùng đất nơi bà sinh ra và trưởng thành đã trở thành một phần bất khả phân trong thi ca của bà. Bà bắt đầu làm thơ từ ảnh hưởng của người anh trai Ibrahim Tuqan, một nhà thơ lớn khác cũng đã góp phần không nhỏ vào những cuộc nổi dậy của người Palestine trong thời kỳ ủy trị Anh Quốc.

Ta còn ở đây (Tawfiq Zayzad) by Phuong Nguyen

"Ta còn ở đây"
Tawfiq Zayzad

----

Ở Galilee, Lydda và Ramla
bọn ta vẫn sống
như bức tường trong lồng ngực ngươi, sâu trong cuống họng
như miểng chai
như gai xương rồng
và trong đôi mắt ngươi
là cuồng phong bão cát.

Bọn ta vẫn sống
như bức tường trong lồng ngực
lau chùi nhà hàng của các người
rót nước sau quầy bar
cặm cụi chà sàn bếp
chỉ để mang về cho bọn trẻ thức ăn thừa
còn vương trên nanh vuốt xanh** của bọn ngươi.

--

Chuyển ngữ tiếng Việt Hoài Phương

*Lydda, Ramla, Galilee: Ba thành phố hiện tại thuộc địa hạt Israel, và cũng là những thành phố đã diễn ra cuộc "tẩy tộc" vào sự biến Al-Nakba 1948. Cả ba thành phố này đều thuộc lãnh thổ Palestine theo sự phân chia của Liên Hiệp Quốc vào năm 1947 (Nói thêm, lãnh thổ Israel theo UN "chia đất" là 56%, trong khi dân số người bản địa Palestine Arab gấp đôi số người Do Thái theo chủ nghĩa Zion thời điểm đó. Và những vùng đất bất thình lình đổi chủ này không phải đất hoang) tuy nhiên Israel đã xua quân đến đánh chiếm khi thời gian đình chiến vừa kết thúc. Sự biến này được gọi tên là "The Death March" - Cuộc hành quân tử thần.

750 ngàn người dân Palestine đã bị buộc rời khỏi quê hương bằng vũ lực, khoảng 80% dân số họ khi đó. Vậy 20% còn lại thì sao? Họ chọn ở lại, và họ đã sống trong sự kì thị một cách có hệ thống, bị quản thúc bởi quân đội trong hai thập kỷ, bị kìm kẹp trong đói nghèo, không trợ cấp, dù có bị ức hiếp thì luật pháp cũng không đứng về phía họ... nói ngắn gọn: công dân hạng hai.

Đọc thêm: https://www.theguardian.com/.../why-israel-palestine...

**Nanh vuốt xanh (blue fang): màu xanh là màu của vương giả, quyền lực, màu của sự thượng đẳng. Blue-collar, blue-chip company, blue-chip artist... là thuật ngữ chỉ những thành phần tinh hoa xã hội có giá trị lớn. Còn tại sao màu xanh lại đại diện cho họ ư... Tôi cũng chả biết, có lẽ vì màu xanh, nhất là lapis lazuli là màu hiếm đắt hơn vàng chăng? Ở đây nanh vuốt xanh ám chỉ cư dân Zion Do Thái tại Israel - công dân hạng nhất.

Cây Ô-liu (Tawfiq Zayzad) by Phuong Nguyen

Cây Ô-liu
Tawfiq Zayzad
Chuyển ngữ tiếng Anh bởi Sulafa Hijjawi

----

Bởi vì tôi không đan len
và luôn luôn bị săn đuổi
còn mái ấm thì không ngừng bị đột kích
Bởi trong tay không một mẩu giấy
nên tôi sẽ khắc những dòng ký ức này
lên thân cây ô-liu trước hiên nhà.

Tôi sẽ khắc nên nỗi niềm cay đắng
khung cảnh của yêu thương và khát vọng
những điền trang cam bị tước đoạt
và nấm mồ thất lạc cho chính mình.

Tôi sẽ khắc nên muôn vàn đấu tranh
chỉ để cho thỏa lòng nỗi nhớ
rồi đến lúc tất thảy sẽ chôn vùi
dưới trận tuyết lở ngày chiến thắng

Tôi sẽ khắc nên từng mã số
của những vùng đất bị tước đoạt
cùng nơi chốn làng xưa trên bản đồ.
Và những căn nhà nổ tung
những rặng cây bật gốc
những đóa hoa nát vụn
và tên của những bậc thầy tra tấn
tên của những nhà tù...

Tôi sẽ khắc nên sự dâng hiến
cho guồng ký ức dệt đến thiên thu
và những luống đất nhuốm đầy máu
Nơi thành Deir Yasin và Kufur Qassem**
Tôi sẽ khắc nên cái vẫy tay của mặt trời
và bao lời thầm thì của ánh trăng
nỗi hoài niệm khi sơn ca cất tiếng
và tình yêu trong miệng giếng cạn khô.

Tôi sẽ tiếp tục khắc ghi
chỉ vì bản thân còn muốn nhớ
Những chương buồn thảm kịch cuộc đời
Và từng hồi của Đại họa Al-Nakbah***
Trên thân cây Ô-liu trước hiên nhà!

----

Chuyển ngữ tiếng Việt: Hoài Phương

Dầu Ô-liu ngày nay được xem là đặc sản thượng hạng của Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp, một phần không thể thiếu trong ẩm thực Địa Trung Hải nơi người dân ở đây dùng dầu như uống nước nhưng thực ra, loài cây này vốn có xuất xứ từ vùng Tiểu Á: Iran, Syria và Palestine, và khoảng 6000 năm trước dần dần lan ra, trải rộng khắp bình nguyên Địa Trung Hải. Cây Ô-liu có tuổi thọ rất cao, trung bình 500 năm và có thể thọ đến 1500 năm tuổi. Palestine từng là một vùng đất màu mỡ nông nghiệp với những rặng ô-liu mênh mông trải dài, và cũng giống với nông dân Ý bây giờ, người dân Palestine có một sự gắn bó sâu sắc với những vườn ô-liu đã gắn bó bên gia đình họ qua nhiều thế kỷ. Trong hành trình "dựng quốc", binh lính Israel đã đốt và đào bật gốc vô số những cây ô-liu hàng trăm, nghìn năm tuổi, để người nông dân không còn kế sinh nhai phải bỏ xứ mà đi. Hình ảnh cây olive vì vậy, thường xuất hiện trong băng rôn, biểu ngữ, thi ca của người Palestine như một biểu tượng phản kháng.

*Tawfiq Zayzad (1929 - 1994) chính trị gia, thị trưởng thành phố Nazareth và là "nhà thơ phản kháng" người Palestine.

** Deir Yasin và Kufur Qassem: Hai thành phố từng xảy ra cuộc thảm sát dân thường Ả rập Palestine, một do lực lượng bán quân sự Israel, một do cảnh vệ biên giới xả súng giết chết gần 200 người trong cả hai sự biến, trong số tử nạn có phụ nữ, trẻ em và bào thai.

*** Al-Nakbah: Trong tiếng Arab Nakbah có nghĩa là Đại Họa, và trở thành tên gọi cho sự biến 1948 khi 750 ngàn người Ả rập Palestine (ước tính 80% dân số thời bấy giờ) đã rơi vào tình cảnh lưu vong. Lực lượng vũ trang Israel đã cướp bóc, đốt phá và san bằng 500 làng mạc phố xá Ả Rập, xóa tên chúng khỏi bản đồ và ép những người địa phương này phải chạy đến những quốc gia lân cận. Israel sau đó ban luật cấm những người lưu vong này không được phép quay lại Palestine và tịch thu đất đai của họ "sung công quỹ"

nguồn ảnh: @readalittlepoems

Thật không tệ (Mourid Barghouti) by Phuong Nguyen

"Thật không tệ"
Mourid Barghouti*
Chuyển ngữ tiếng Anh bởi Radwa Ashour

--

Thật không tệ nếu được chết trên giường
ta ngả mình nơi chiếc gối tinh tươm
và kề bên là những người bằng hữu.

Thật không tệ nếu một lần được chết
với đôi tay ngay ngắn trên lồng ngực
nhợt nhạt và trống rỗng,
không mang sẹo trầy, xích sắt, không ràng biểu ngữ
không cả đơn kiến nghị

Thật không tệ một cái chết sạch trơn
khi tấm áo ta không dầy lỗ đạn
và lồng ngực không chứa đầy vật chứng.

Thật không tệ được chết đi
khi áp má vào một chiếc gối trắng, thay vì sàn đất lạnh,
tay đan vào tay những người thân yêu,
cùng các y tá, bác sĩ buồn sầu bất lực
chẳng còn lại gì ngoài lời chia tay rất mực dịu dàng
không cần nghĩ ngợi về lịch sử
giã từ thế giới này như vậy thôi
hy vọng rằng một ngày kia, một ai khác
sẽ đến cùng những đổi thay.

----

Chuyển ngữ tiếng Việt Hoài Phương

*Mourid Barghouti (1944-2021) nhà văn, nhà thơ người Palestine. Một người đã dành cả cuộc đời viết về quê hương ông, vùng đất bị chiếm đoạt, đánh tráo, những bi kịch về con người nơi đó và tâm tư người Palestine sống trong cảnh lưu vong không thể hồi hương, mà ông là một trong số họ.

Tôi va vào thế giới văn học Palestine trên trang thơ readalittlepoem, dẫu là có sự chắt lọc dựa nhưng vẫn bất ngờ vì sự ám ảnh thường trực về cái chết trong thi ca của họ. Cái chết đồng hành bên họ nhiều hơn sự sống. Dân số Palestine rất trẻ, vì phần lớn họ không sống nổi đến tuổi già, và đôi khi, không tới được ngưỡng trưởng thành. Và họ ước mơ về một cái chết bình thường như hàng tỷ người khác, chết bệnh, chết già, chết trên giường sạch sẽ thơm tho, không bi tráng, không anh hùng, không oan ức, không bất thình lình, không tan tành ngàn mảnh...

Trong hoàn cảnh này, nếu bạn hỏi người Palestine rằng anh chọn một chai nước hay bài thơ, câu trả lời có lẽ sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Có một nhà thơ (còn sống, quên mất tên) cùng gia đình anh tránh bom từ trại tỵ nạn này qua trại tỵ nạn khác, và trong bóng tối, giữa sự thiếu thốn, trong hố sâu tuyệt vọng, anh vẫn làm thơ...

Người viết ý thức được một điều rất rõ đó là sức mạnh của ngôn từ. Như nhà văn Aldous Huxley đã từng viết trong tác phẩm Brave New World: “Words can be like X-rays if you use them properly — they’ll go through anything. You read and you’re pierced.”

"Ngôn từ, nếu anh sử dụng đúng cách thì cũng như tia X vậy, chúng đi xuyên qua mọi thứ. Anh đọc và lập tức bị xuyên thấu"